Ngày nay ai cũng biết cuộc kháng chiến chống Pháp, sau khi thực dân trở lại tái chiếm VN vừa lúc thế chiến II chấm dứt. Ðó là xương máu chung của toàn thể quốc dân VN, chứ không riêng của đảng CS hay cái gọi là cách mạng tháng tám, tháng mười, mà bấy lâu nay đảng Hồ cứ rêu rao tuyên truyền để lừa bịp công luận.
Ðây là một chặng đường lịch sử vô cùng quan trọng, vì chính nó đã dự phần quyết định vận mệnh của đất nước và dân tộc Việt như hôm nay chúng ta đã biết. mà khởi đầu bằng một giai đoạn ngắn ngủi từ 9-3-1945 tới ngày 3-9-1945.
Ngày 9-3-1945, Nhật chấm dứt 80 năm đô hộ của giặc Pháp trên toàn cõi Ðông Dương. Ngày 25-8-1945 Nhật cũng cáo chung quyền lực tại đây. Rồi sau đó là sự ra đời của hai chính phủ ‘VN độc lập’, một của người Quốc Gia lãnh đạo và chính quyền kia, ra đời từ sau ngày 9-3-1945 do Mặt trận Việt Minh đoạt được, khi người Nhật bỏ ngõ VN, qua sự góp sức và yểm trợ vũ lực của Sở Hành Ðộng Chiến Lược Mỹ (OSS).
Ðó cũng là một báo hiệu của cuộc đổ máu chín năm sắp tới, không bắt đầu từ cái gọi là VN Ðộc Lập Ðồng Minh Hội mới thành lập, mà là sự nối tiếp chặng đường đấu tranh của toàn dân Việt, có từ năm 1859 khi thực dân Pháp bắt đầu cưỡng chiếm VN. Trước khi Việt Nam Cộng Hòa bị Cộng Sản VN - Ðệ Tam Quốc Tế cưỡng đoạt vào ngày 30-4-1975, phần đông thế giới kể cả Hoa Kỳ tuy đã có liên hệ chiến đấu tại VN nhưng hầu hết rất ít hiểu biết về đất nước và dân tộc Việt.
Sự kiếm khuyết này nguyên do không phải vì đất nước chúng ta thuộc loại vô danh tiểu tốt hay bởi CSVN tuyên truyền như huyền thoại, mà là VN có quá nhiều cuộc chiến trong quá khứ nhưng lần nào cũng mờ mờ ảo ảo, khiến cho các sử gia cảm thấy lạc lỏng trước sự thật.Do trên, một số đã hư cấu hay viết bừa theo tài liệu một chiều của CS, làm cho VN đã xa lạ với thế giới lại càng thêm huyễn hoặc, âm thầm.
Ngày nay trước sự hiện diện của mấy triệu người Tị Nạn CS trên khắp các nẻo đường thế giới, đồng thời với sự đau đói hận nghèo tại địa ngục đỏ VN, nhân loại mới chịu thức tỉnh ợđể có dịp hiểu rõ cái thực chất lừa bịp của cuộc chiến tranh vừa qua.
Cũng vì vậy mà máy bay và chiến hạm của Ðồng Minh đã tấn công Nhật ngay trên lãnh thổ VN, khiến cho đồng bào phải chịu nạn kiếp chung với Pháp và Nhật. Nhưng rồi sự hợp tác bất đắc dĩ trên cũng phải chấm dứt vì dã tâm quá lớn của người Nhật qua mộng Ðại Ðông Á. Do đó vào đêm 9 tháng 3 năm 1945, Ðại Sứ Nhật là Matsumoto Shunichi đã chính thức trao tối hậu thư cho Toàn Quyền Jean Decoux, ra lệnh cho quân viễn chinh Pháp trên toàn cõi VN phải buông súng đầu hàng Nhật vô điều kiện.
Tiếp theo là một trận chiến ngắn ngủi chưa tới 48 tiếng đồng hồ, quân Pháp tại Ðông Dương từ Toàn quyền tới binh chốt, đều bị Nhật bắt làm tù binh. Rốt cục, chỉ có một phần quân Pháp thuộc Sư Ðoàn của tướng Gabriel Sabattier nhờ đóng sát biên giới trong tỉnh Lai Châu, nên trốn thoát sang được đất Tàu.
Từ đó VN cũng như Lào và Cao Mên, tạm thời cởi được chiếc cùm của Pháp nhưng lại mang vào cái gông của Nhật đang là chủ nhân ông trực tiếp kiểm soát toàn vùng. Lợi dụng Pháp và Nhật đang tranh giành nhau quyền làm chủ thuộc điạ, Việt Minh nương theo chiều gió, càng lúc càng bành trướng và phát triển mạnh mẽ.
Việt Minh là hai chữ gọi tắt của VN Ðộc Lập Ðồng Minh Hội, được thành lập năm 1941 với phương châm Bài Phong, Phản Ðế, Diệt Phát Xít, tiêu diệt Thực Dân và Ðế Quốc Chủ Nghĩa. Qua cái lý thuyết về cuộc chiến tranh Vệ Quốc chống lại kẻ thù đế quốc tư bản, học lóm từ bên Nga Tàu, người cán bộ cọng sản lúc đó chỉ mượn nó để hô hào, tuyên truyền chống Nhựt, chống Pháp.
Bởi thế ban ngày thì nói chính nghĩa, hòa hợp, lập hội kết tình để nối vòng tay lớn nhưng ban đêm lại gõ cửa những người ban ngày chống đối, dẫn đi thủ tiêu, đập đầu hay cho mang đá mò tôm. Những năm này dân chúng trong vùng gọi là giải phóng, chết còn sướng hơn sống vì Việt Minh khủng bố đỏ, còn rùng rợn hãi hùng hơn cả thực dân và quân phiệt, mà cán bộ đảng đã chửi ban ngày khi tuyên truyền. Những ai đã sống sót qua thời kỳ chín năm kháng chiến Việt Minh, chắc không bao giờ quên được cảnh nạn nhân bị kết tội Việt gian, bị đày dọa hành hình man dã, chết mà không biết mình đã có tội gì. Nói tóm lại khủng bố là một đường lối chính sách của Quốc Tế Cọng Sản, nhằm đối phó với tất cả các đối tượng không phục tùng hay đã biết rõ mặt thật của chúng, tới bây giờ vẫn không có gì thay đổi.
Cọp đi thì ma về, sự thay đổi quan trọng nhất trong giai đoạn này là quan Nhật thay quan Pháp. Ngày 16-3-1945, Tư lệnh Quân Ðoàn 38 đồn trú tại Ðông Dương là Tướng Tsuchihashi Yuitsui, từ Sài Gòn ra Hà Nội lên ngai Toàn Quyền Ðông Dương. Cơ cấu tổ chức cũng y như thời Pháp, một miền có một Thống Ðốc hay một Thống Sứ cai trị. Trong tháng 5/1945, Nhật giao hoàn Bắc Kỳ lại Nam Triều nên vua Bảo Ðại kiêm lãnh Trung và Bắc Kỳ, gọi là An Nam, có một Cố Vấn tối cao Nhật bên cạnh chỉ đạo.
Sự thay đổi chính trị dù sôi động nhưng cũng vẫn không che khuất nổi nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu tại miền Bắc và Trung Kỳ đã bắt đầu từ năm 1944, từ khi Pháp cho Nhật nhập quan, để cả hai cùng chia nhau xương máu của dân Việt. Ðã nghèo lại càng đói rách bi thảm hơn khi xuất hiện thêm cái gọi là Mặt Trận Việt Minh, lúc nào cũng cần gạo, tiền và nhân lực. Thiên tai hằng năm, ruộng đất cằn xấu, kỹ thuật canh tác cổ lỗ nên người nông dân miền Bắc và các tỉnh đầu Trung Kỳ muôn đời hầu như chỉ đủ lương thực nếu không có gì xãy ra. Nhưng từ cuối năm 1943 Pháp đã bắt dân chúng VN bán hết gạo thóc để dành, đồng thời gạo tiếp tế từ miền Nam cũng bị bế tắc vì máy bay của Ðồng Minh. Nạn đói do trên đã lan tràn khắp đồng bằng sông Hồng, sông Mã, khiến cho người chết đói nằm như rạ. Người đói phải bỏ làng ra đi, kéo về thành thị xin ăn, kiếm sống nhưng một số lớn cũng gục chết bên vệ đường.
Dân chết thê thảm là dịp may ngàn đời để Việt Minh khai thác tuyên truyền đánh Pháp, diệt Nhật cứu nước. Cũng nhờ cái bảng hiệu vàng ròng này trong giai đoạn 1940-1945, Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh chẳng những được yên ổn phát huy, mà còn được Cơ quan Tình báo Trung Hoa QG do tướng Trương Phát Khuê chỉ huy, thuê mướn săn tin quân Nhật tại biên giới Hoa-Việt và nội địa VN.
Sau đó vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật hốt trọn quân Pháp tại Ðông Dương, khiến cho Mỷ mất hết tin tức tình báo, nên dù biết Hồ là điệp viên của Cộng Sản Quốc Tế, nhân viên tình báo Hoa Kỳ (OSS), đã phải thay đổi thái độ hợp tác với ‘bác’. Từ đó Hồ được Charles Feen nhân viên tình báo trong Ðội Yểm Trợ Không Lưc Hoa Kỳ (AGAS) tại Trung Hoa, đặt cho bí danh Lucius.
Thêm cơ duyên một lần nữa : Ðó là ngoài việc Hồ được Mỹ tin dùng kể cả CSVN qua chiêu bài Việt Minh và điệp viên đệ tam quốc tế Hồ Quang, còn được Hoa Kỳ phục hồi nhanh chóng về trang bị và nhân lực. Tóm lại, nhờ dựa lưng Mỹ và nạn đói năm Ất Dậu đang hoành hành, cọng sản Ðông Dương gần như chiếm phần ưu tiên, chuẩn bị theo phe Ðồng Minh thắng trận, đổ bộ vào VN cướp Chánh quyền của Chính phủ Bảo Ðại, do người Nhật dựng lên.
Trong giai đoạn từ 17-4-1945 tới 25-8-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Ông sinh năm 1883 tại Hà Tĩnh và là một học giả uyên bác nổi danh khắp nước, qua các tác phẩm biên khảo giá trị như Phật Giáo, Nho Giáo, Lịch Sử VN. Nguyên Thanh Tra tiểu học, năm 1939 ông được bổ nhiệm Dân biểu miền Bắc. Ngày 30-3-1945, lúc đang tị nạn trốn sự bắt bớ của Mật Thám Pháp tại Thái Lan, Trần Trọng Kim được Nhật đưa về Huế gặp vua Bảo Ðại, lập Chính Phủ vào ngày 16-4-1945.
Vì chỉ hiện diện trong một thòi gian ngắn ngủi, nên nội các Trần Trong Kim bị các nhà biên khảo đánh giá thấp và sự bóp mép của tài liệu đảng. Ngày nay, nhiều sử gia qua lăng kính vô tư, đã công nhận rằng đó không phải là cải cách giấy, mà là các kế hoạch của một Chính phủ đã phản ảnh đúng quan điểm tổng quát, qua cái nhìn của giới thượng lưu và trí thức lúc đó, về một nước VN độc lập, không còn chịu ảnh hưởng của người Pháp.
Sau hết dù chỉ có bốn tháng nhưng Thủ Tướng Kim và nội các đã thực hiện phần nào các kế hoạch đã đề ra. Còn một điều khác cũng rất quan trọng, là hầu hết những vị Bộ Trưởng được tuyển chọn, đa số là khoa bảng tốt nghiệp từ Pháp về như Trần văn Chương, Hồ Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trần Ðình Nam, Trịnh Ðình Thảo. Ngay trong phiên họp đầu tiên ngày 4-5-1945, nội các đã soạn thảo hiến chương, quyết định lấy lại quốc hiệu nước là Việt Nam, từ thời vua Gia Long năm 1802, hàm ý minh định sự vẹn toàn lãnh thổ Ðại Việt với ba miền Nam-Trung-Bắc.
Ngày 2-6-1945 lá Quốc Kỳ mới của Việt Nam chính thức chào đời, có màu vàng với ba sọc đỏ theo hình quẻ LY trong kinh Dịch. Lá cờ này là tiền thân của Lá Quốc Kỳ hiện tại mà quốc dân Việt Nam đã sử dụng tới năm 1975 tại Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày 30/4/1975; mất nước, Cờ Vàng theo người Việt Quốc Gia trên mọi nẻo đường tỵ nạn Cộng sản, mà vinh dự thay là tại Hoa Kỳ, đã có nhiều thành phố chấp nhận là lá cờ duy nhất đại diện cho Việt Nam tại hải ngoại.
Ngoài ra còn chọn bài hát ‘Ðăng Ðàn Cung’ làm quốc thiều cho cả nước. Trong khi đó Ðồng Minh tàn dư Pháp của De Gaulle và Việt Minh qua bản hiệu làm thuê cho OSS, tiếp tục đánh phá làm sụp đổ ngôi nhà VN vưà được dựng lên. Vua Bảo Ðại hay đúng hơn nội các Trần Trọng Kim gần như không có một lực lượng quân sự nào, kể cả Nghĩa Dõng Quân tiền thân của lính Khố Ðỏ thời Pháp và cảnh sát, cũng do người Nhật nắm giữ.
Mãi tơí tháng 6-1945 Nam Kỳ được Nhật giao hoàn về VN, Chính phủ mới có quyền tổ chức một lực lượng Bảo An. Nói tóm lại, vận mệnh của VN lúc đó nằm trong sự bảo vệ của quân đội Nhật cho nên khi Thiên Hoàng đầu hàng, dĩ nhiên cả nước đâu có quân lực để bảo vệ quyền lực, nên mới bị cọng sản cướp đoạt vận mệnh quốc gia một cách dễ dàng, bằng vài ba cây súng, mà đảng gọi là cách mạng vĩ đại tháng tám, mùa thu lá bay.
Trong lúc người Quốc Gia tàn úa vì nghèo cực và cô độc, thì Hồ và Việt Minh hể hả thừa mứa qua sự giúp đỡ của liệt cường, từ nước tổ Liên Xô, Trung Cộng cho tới Trung Hoa Dân Quốc và tình báo OSS của Hoa Kỳ. Chính Thiếu Tá Allison.K.Thomas đích thân cùng các toán viên nhảy dù xuống một mật khu của Việt Minh tại Bắc Việt, mang theo nhiều vũ khí, đạn dược cung cấp cho VC, đồng thời huấn luyện các du kích quân sử dụng các vũ khí đó.
Người Mỹ còn cho Việt Minh những tin tức tình báo về Nhật tại Ðông Dương, bày kế hoạch cho Hồ cướp chính quyền khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh trên đất Việt. Lợi dụng sự đoàn kết dân tộc, nhiều cán bộ cọng sản cao cấp nằm vùng như Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Minh Giám, Tôn Quang Phiệt, Phạm Ngọc Thạch, Phạm văn Bạch... trà trộn vào đủ mọi cơ quan, từ trung ương ở Huế cho tới tận Nam Kỳ.
Tất cả là những yếu tố góp phần làm sụp đổ nội các Trần Trọng Kim, tạo nên một khoảng trống vô quyền lực vào những ngày quân Nhật đầu hàng Ðồng Minh. Về ngân quỹ dự trữ của VN tại Ngân Hàng Ðông Dương, Nhật chẳng những rút hết số tiền đã có do Pháp ký thác hơn 800 triệu Phật Lăng mà còn in thêm tiền không bảo chứng, tạo tình trạng lạm phát, góp phần cho nạn đói và trộm cướp khắp nơi.
Mặc dù bị Việt Minh phá hoại, xúi dục dân chúng đánh cướp các kho gạo dự trữ công cộng, hành hung cản trở những viên chức phát gạo chẩn bần, hay bất nhơn hơn, là bán tin, chỉ điểm cho máy bay của Hoà Kỳ, đánh phá các trục giao thông, tàu thuyền chở gạo từ Nam ra Bắc, khiến cho hơn 1 triệu người chết đói. Tuy nhiên từ tháng 6-1945, Chính phủ cũng đã ngăn được nạn đói, do trúng mùa Chiêm và nhất là gạo trong Nam đã chở ra được ngoài Bắc, dù Mỹ đã đặt mìn phong tỏa Hải Phòng cùng các hải cảng lớn.
Trong vấn đề cải cách, chính phủ đã ban hành lệnh giảm hay bỏ hẳn nhiều loại thuế bất công và bóc lột người dân nghèo có từ thời Pháp, nhất là loại thuế thân. Về giáo dục, lấy chữ quốc ngữ làm ngôn ngữ chính trong các chương trình giảng dạy, đã tổ chức khóa thi tiểu học đầu tiên bằng chữ Việt mới vừa cải cách. Chính điều cải cách quan trọng này, đã mở đuờng cho Việt Minh sau này, phát động phong trào Bình Dân giáo dục, xoá nạn dốt nát trong mọi tầng lớp dân chúng nhất là tại nông thôn và các làng làm cá ven biển.
Từ tháng 7-1945, Nhật trả độc lập hoàn toàn cho VN và giao lại toàn vẹn lãnh thổ, chính phủ đã lập ra một Ủy Ban Quốc Gia phụ trách nền quốc học. Ðể chứng tỏ sự tự cường, tự do, chính phủ đã công bố nhiều buổi lễ, hồi phục và vinh danh các anh hùng liệt nữ mọi thời, từ Hùng Vương quốc tổ cho tới những nam nữ liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chống Pháp xâm lăng, trong đó có VN Quốc Dân Ðảng.
Tất cả tên các đường phố đều được đặt lại, bằng tên các anh hùng VN như Lê Lợi, Quan Trung, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Thái Học. Song song cho phá bỏ các tượng đài của Pháp dựng lên tại thành phố, đô thị. Báo chí cũng được dịp nở rộ và tự do phát triển viết lách. Ngày 25-5-1945, một dụ ra đời thành lập Hội Ðồng Quốc Gia Thanh Niên, mục đích đoàn ngũ hóa tuổi trẻ VN vào các tổ chức, đáp ứng phong trào thanh niên đã bùng nổ mạnh từ sau khi Nhật lật đổ Pháp ngày 9-3-1945.
Tuy nhiên, công lao lớn nhất của chính phủ Trần Trọng Kim, đáng được nhắc nhớ trong dòng lịch sử dân tộc, là đã tranh đấu với chính phủ Nhật lấy lại tất cả lãnh thổ VN. Thật vậy, giống như Pháp, người Nhật ban đầu cũng chỉ hứa suông trả nước lại cho người VN, nhưng thực tế là chỉ nói miệng. Cũng nhờ chính phủ Trần Trọng Kim mềm mỏng dùng ngoại giao lần hồi chẳng những thu hồi được Ba Kỳ, mà còn lấy lại những thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Ðà Nẵng vào tháng 7-1945. Do trên vua Bảo Ðại mới ban hành 4 Ðạo Dụ thành lập Hội Ðồng Tư Vấn Quốc Gia, để soạn thảo Hiến Pháp. Nhiều lãnh tụ chính trị miền Nam như Hồ văn Ngà, Trần văn Ân đều được tham dự trong Ủy Ban của Chính Phủ.
Nhưng giữa lúc hòa bình đang hé lộ trên quê hương, thì vòng vây của Ðồng Minh Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân Quốc càng lúc càng siết chặt và ra tuyên cáo đòi Thiên Hoàng Nhật, phải buông súng đầu hàng vô điều kiện, khi tại mặt trận Âu Châu, hai nước Ðức-Ý đã đầu hàng. Thế là bầy kên kên vỗ cánh, chẳng những cán bộ VC nằm vùng như Hoàng Minh Giám, Nguyễn Mạnh Hà.. mà còn có nhiều nhân vật quốc gia như Phan Kế Toại, Trần văn Chương và tệ nhất là Bộ Trưởng Kinh Tế Hồ Tá Khanh (con Hồ Tá Bang) đòi toàn bộ Nội Các Trần Trọng Kim phải từ chức, để cho Việt Minh lên cầm quyền vì chúng đang có quyền lực (Theo Vũ Ngự Chiêu, trong The Other Side of Vietnamese Revolution).
Do trên ngày 7-8-1945 Trần Trọng Kim từ chức và chưa kịp lập Nội Các mới, thì biến động chính trị làm thay đổi tất cả, khi Thế Chiến 2 đột nhiên chấm dứt và Nhật chịu đầu hàng Ðồng Minh vô điều kiện sau khi Liên Xô xua quân chiếm Mãn Châu ngày 8-8-1945 và hôm sau 9-8-1945, hai trái bom nguyên tử trút xuống nước Nhật.
Ðể chuẩn bị cướp công, Phạm Khắc Hòe lúc đó là Ngự tiền đổng lý của Bảo Dại nhưng lại làm tay sai cho Ðệ tam quốc tế do Tôn Quân Phiệt đại diện. Hoè gièm pha, kiếm chuyện ngăn cản không cho phái đoàn Trần Trọng Kim vào Sài Gòn tiếp nhận chính quyền, tạo khoảng trống để nhóm hung thần Nam Kỳ Trần văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn văn Tạo, Nguyễn văn Trấn cướp chính quyền.
Nói chung khắp nơi, những đảng phái và người quốc gia đều đứng lên chống Việt Minh. Tại Nam Kỳ, nhóm Ðệ Tứ liên hợp với hai giáo phái Cao Ðài và Hòa Hảo, lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất. Ngày 17-8-1945, Việt Minh đàn áp phong trào ủng hộ Chính Phủ Trần Trong Kim do công chức Bắc Kỳ tổ chức tại Hà Nội, khiến Nguyễn Xuân Chữ, Chủ Tịch Uỳ Ban Chính trị tại đây phải giao quyền cho chúng, kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn của chính phủ Quốc Gia. Ngày 23-8-1945, Bảo Ðại nghe theo lời xúi của Phạm Khắc Hoè thoái vị.
Trong Nam Kỳ, khâm sai Nguyễn văn Sâm trước họng súng, cũng giao quyền cho Việt Minh. Ðể rồi không lâu, ngày 23-9-1945 quân Pháp trở lại Nam Kỳ, tấn công Sài Gòn-Chợ Lớn, giữa lúc Ủy Ban Hành Chánh của nhóm hung thần Trần văn Giàu, Nguyễn văn Trấn cứ lo đi ruồng bắt , chém giết các lãnh tụ đối lập, làm sự chiến đấu với giặc rạn nứt, suy yếu. Ngoài Bắc, Hồ Chí Minh cùng đồng đảng, chỉ lo thỏa hiệp với Pháp, tự ký Hiệp định Sơ Bộ mở đường cho giặc vào Bắc Việt. Rồi cũng chính Hồ Chí Minh lên đài tuyên chiến, để Pháp có lý do biện minh về cuộc chiến tự vệ, còn Hồ Chí Minh giữ vai trò lãnh đạo, trong Chính Phủ Liên Hợp chống Pháp từ 1946-1954.
Một que diêm có thể gây nên một đám cháy rừng. Trong đêm đen kịt Việt Nam tám mươi năm nô lệ, những đốm lửa từ que diêm nội các Trần Trọng Kim, vừa thắp sáng niềm hy vọng tràn trề về một quê hương sắp có tự do và thống nhất, thì giông tố cọng sản đã đến từ một địa ngục tối om, như những bờ núi đá che khuất ánh lửa đó. Hỡi ôi trong đêm đen nô lệ VN, thiếu gì bóng tối và những ảm đạm do con người thiếu lương tri tạo ra. Phải đến mấy chục năm sau, đóm lửa ngầm trong lịch sử mời bừng lên soi sáng lại một chặng đường xa xăm VN máu lửa.
Giờ đây ai cũng biết, ngay sau khi cướp được chính quyền trong tay nội các Trần Trọng Kim, thời vua Bảo Ðại vào ngày 19 tháng 8-1945, Hồ và đảng cọng sản đệ tam quốc tế, đã dùng đủ mọi xảo thuật để mời quân viễn chinh Pháp, sau khi thay chân quân Anh-Ấn, chiếm Nam Kỳ và ra Bắc. Có như vậy, trước công luận quốc tế, chánh quyền cọng sản do Hồ đứng đầu vừa lượm được bên lề lịch sử, khi người Nhật buông súng. Ngoài bức mật điện viết ngày 8-12-1946 của Sainteny viết gởi Hồ Chí Minh, chưa hề được công bố, đại ý là muốn Hồ lên đài phát thanh khai chiến với Pháp.
Sau đó là những lời tuyên bố của Trường Chinh ‘quân Pháp ra Bắc, quân Tàu rút về và dĩ nhiên Pháp sẽ ký kết với chúng tạ Ðây là một sự công nhận có giá trị Quốc tế.’ Thế rồi sự đi đêm giữa hai phía êm đềm như mặt nước hồ Gươm, sau khi Hồ tự ký Hiệp ước Sơ Bộ, tự cho tàu chiến Pháp vào hải cảng Hải Phòng để “Pháp thừa nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thuộc khối Liên Hiệp Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp.”
Rồi thì chiến tranh xảy ra giữa Việt Minh và Pháp, do chính Hồ Chí Minh kêu gọi toàn qước kháng chiến vào ngày 19-12-1946 và kết thúc bằng Hiệp Ðịnh Genève 1954, qua huyền thoại chiến thắng của Võ Nguyên Giáp và Bộ Ðội VC. Nhưng hào quang đó tới năm 1977 trở nên tồi tệ giữa hai đồng chí Trung Cộng và Việt Cộng, thì sự bí mật về chín năm kháng chiến và Ðiện Biên Phủ mới được đàn anh Trung Cộng bật mí, cho nên đi tìm lịch sử cận đại, chớ nên lạc bước theo người xưa, cứ tưởng huyền thoại là thực chất, rốt cục phải sống bên lề cuộc đời.
Một chân lý không bao giờ dời đổi trong dòng sinh mệnh của dân tộc VN, đó là cho dù đất nước có ai lãnh đạo chăng nữa, thì mục đích đánh đuổi xâm lăng thời nào cũng vẫn là xương máu của toàn dân. Có khác chăng, là trong khi chiến đấu họ có được chính quyền vinh danh hay biết tới, hoặc bị đảng cọng sản quốc tế dành hết công trạng. Dù gì chăng nữa, ngày nay chúng ta đã cảm thông và kính phục lòng yêu nước nồng nàn của người VN, kể cả kẻ thù là người Pháp cũng ghi nhận, bởi vì ho đã chịu trách nhiệm trong cuộc chiến đó.
Bởi vậy đọc cận sử từ lúc người Pháp bắt đầu cưỡng chiếm VN năm 1859 cho tới khi thất thiểu xuống tàu về nước năm 1955, là đọc những trang sử của cuộc kháng chiến chống sự thống trị của Pháp không bao giờ ngừng. Cuộc chiến đã làm cho thực dân lao đao và chết chóc, trong suốt thời gian chúng đô hộ VN, dù chúng ta luôn gặp thất bại và hứng chịu những cảnh đàn áp dã man của giặc. Tóm lại, việc xâm lăng VN lần thứ hai (1945), không dễ dàng như Pháp đã tưởng vì đã gặp phải kháng cự mãnh liệt của mọi người. Ngày xưa, những nhà nho yêu nước như Ðồ Chiểu, Huỳnh Mẫn Ðạt, Phan văn Trị... lạc lỏng trước các phong trào Văn Thân kháng Pháp nhưng trong cuộc kháng chiến chín năm 1946-1954, người Việt đã biết tận dụng mọi phương tiện trong đó có sự tham gia đấu tranh của giới văn nghệ sĩ, kết quả có được từ kỷ nguyên độc lập trong thời kỳ nội các Trần Trọng Kim cầm quyền từ 9-3-1945 tới 3-9-1945.
Ngày 19-8-1945 Việt Minh cướp chính quyền từ Nội Các Trần Trọng Kim khiến Bảo Ðại thoái vị ngày 25-8-1945. Nguyễn Tất Thành tức Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, Hồ Quang và trăm tên khác sau cùng là Hồ Chí Minh, lúc đó đang ở hang Pắc Pó tại biên giới Cao Bằng-Quảng Tây, được kiệu về lên ngôi lãnh đạo chính phủ, do đệ tam quốc tế lập ngày 2-9-1945 tại Hà Nội.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Nước mưa và nước mắt của những người chinh chiến cũ, ngày xưa đã làm bao triệu con tim tan tác chia lìa. Rốt cục giờ chỉ là con đường hun hút trùng mây trong vài trang sách, không biết có ai còn nhớ tới họ hay chăng? Dù non nước Việt ngày nay đã tới hồi diệt vong trước sự xâm lăng không tiếng súng của Tàu đỏ, đâu khác gì thực trạng bi thảm của Việt Nam trong giai đoạn lịch sử từ ngày 9 tháng 3 tới ngày 3 tháng 9 năm 1945, Nhật chính thức đầu hàng Ðồng Minh và Hoa Kỳ vô điều kiện.
Viết từ Xóm Cồn Hạ uy Di
0 comments:
Post a Comment