Thủ tướng Campuchia Hun Sen. |
Trong cuộc họp này ông Hun Sen đánh giá cao vai trò của các lực lượng vũ trang Campuchia và nỗ lực không mệt mỏi cũng như cam kết của họ trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia. Hun Sen cũng kêu gọi các lực lượng vũ trang Campuchia tiếp tục hợp tác duy trì hòa bình, ổn định chính trị, an ninh và trật tự công cộng, tăng cường đảm bảo duy trì pháp luật, thúc đẩy tự do dân chủ.
Tân Hoa Xã nhấn mạnh, cuộc họp được ông Hun Sen triệu tập trong bối cảnh phe đối lập CNRP lặp đi lặp lại cáo buộc (bịa đặt phi lý) rằng chính phủ Campuchia sử dụng các bản đồ vẽ bởi Việt Nam trong những năm 1980 để đàm phán phân giới cắm mốc.
Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định rõ, bản đồ mà chính phủ của ông dùng đàm phán phân giới cắm mốc với Việt Nam là đáng tin cậy, Tân Hoa Xã nói. Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia cho biết, bản đồ này do Sở Địa dư Đông Dương của Pháp xuất bản năm 1951, được lưu chiểu tại Liên Hợp Quốc năm 1964.
5000 sĩ quan chỉ huy các lực lượng vũ trang Campuchia trong cuộc họp "hiếm thấy" với ông Hun Sen. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tiến sĩ Sok Touch, Trưởng nhóm Nghiến cứu biên giới của Học viện Hoàng gia Campuchia cho biết: “Biên giới là vấn đề rất nhạy cảm đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ. Chúng tôi khuyến khích chia sẻ các tài liệu chính thức có liên quan, nhưng chúng tôi hoàn toàn bác bỏ tất cả các tài liệu không rõ nguồn gốc, căn cứ”.
Học viện Hoàng gia Campuchia cũng khuyến nghị 2 nước Việt Nam, Campuchia cần thông báo cho nhau biết những diễn biến mới ngoài biên giới trên cơ sở luật pháp quốc gia và quốc tế, nguyên tắc hòa bình và hợp tác để tiếp tục đàm phán, thỏa thuận về vấn đề biên giới. Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị Campuchia sửa đổi các thủ tục pháp lý quan trọng đang cản trở việc sử dụng tài liệu hỗ trợ cho việc đàm phán phân giới cắm mốc với láng giềng.
Để tạo sự đồng thuận trong nhận thức, chính phủ Campuchia đã yêu cầu Liên Hợp Quốc và Pháp, Anh, Hoa Kỳ cung cấp các bản đồ chính thức do Sở Địa dư Đông Dương phát hành trước 1954 để kiểm tra chéo. Nhóm nghiên cứu biên giới của Học viện Hoàng gia Campuchia tin rằng quá trình làm việc minh bạch của họ sẽ ngăn chặn các luận điệu vô căn cứ cũng như hoạt động lợi dụng vấn đề biên giới kích động người dân của một số chính trị gia nước này.
“Cho đến nay chúng tôi đã nhận được các bản đồ chính thức, tài liệu chính thức từ chính phủ, cựu lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia ông Sean Peng Se và những người khác. Chúng tôi chưa nhận được bất cứ tài liệu gì từ Liên Hợp Quốc và 3 nước Mỹ, Anh, Pháp. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ sớm nhận được các tài liệu liên quan”, Tiến sĩ Sok cho biết.
Theo Khmer Times ngày 22/7, cũng chính Tiến sĩ Sok Touch đã xác nhận, cái gọi là bản đồ biên giới mà lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy “đưa về từ Pháp” trong tháng Bảy này là một đĩa CD sao chụp không rõ nguồn gốc, không thể sử dụng để đàm phán phân giới cắm mốc giữa hai nước. Tiến sĩ Yong Pao, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho biết, tất cả các bản đồ phải được in sao bởi một tổ chức được công nhận và được chính phủ sử dụng. Không thể sử dụng những bản đồ sao chép không rõ nguồn gốc để đàm phán phân giới.
Tiến sĩ Chhrot Bunthong, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu đã yêu cầu CNRP cung cấp các tài liệu liên quan chứng minh cho cáo buộc của họ, nhưng CNRP đã không trả lời. Một số nhà lập pháp đã sử dụng vấn đề biên giới vào mục đích chính trị. “Đừng lấy bản đồ làm con tin cho các chính trị gia”, Tiến sĩ Chhrot Bunthong nói.
Yem Pohnearith, người phát ngôn CNRP ủng hộ quan điểm này của nhóm nghiên cứu. Ông cho biết đảng của ông không có bản đồ gốc bằng giấy mà chỉ có ảnh chụp trên một đĩa CD.
0 comments:
Post a Comment