Từ thủy thủ tàu vận tải lớn nhất Việt Nam…
Làng Lý Hòa nằm ven bờ biển. Người dân nơi đây khi sinh ra đã làm quen với tiếng sóng biển rì rào hôm sớm. Học hết phổ thông, Phan Hải vào học trường Hàng hải. Là sinh viên chuyên giữ điểm số học tập tốt nhất khóa học nên khi ra trường, Hải được phân công về tàu Hòa Bình. Con tàu vận tải lớn nhất của nước ta trong thập niên 60 thế kỷ XX.
Làm thủy thủ vài năm, Phan Hải được phân công làm thuyền trưởng tàu Hòa Bình. Nhiệm vụ của Phan Hải và thủy thủ đoàn là đưa tàu Hòa Bình thường xuyên cập cảng các nước như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan… để vận chuyển trao đổi hàng hóa giữa ta với các nước bạn phục vụ việc xây dựng, chiến đấu giải phóng đất nước.
Dưới mưa bom, bão đạn kẻ thù, tàu Hòa Bình do Phan Hải làm thuyền trưởng luồn lách trên sóng biển luôn cập bến an toàn. Anh được xem là thủy thủ số 1 Việt Nam lúc bấy giờ. Đến năm 1966, Ba Lan tặng cho nước ta chiếc tàu Việt - Ba với trọng tải hơn 4.500 tấn, loại tàu thuỷ chở hàng lớn nhất Đông Nam Á lúc đó, Phan Hải lại được phân công làm thuyền trưởng tàu Việt - Ba.
Vinh dự nhưng trách nhiệm cực kỳ lớn lao, Hải biết vậy và anh lao vào học, nghiên cứu các tài liệu về đường thuỷ trên biển với suy nghĩ phải tính toán làm sao để những chuyến tàu đi luôn được an toàn.
Những sáng kiến của Hải về vận chuyển hàng hoá trên biển được ngành giao thông phổ biến áp dụng cho tất cả các tàu thuỷ của nước ta.
Ông Phan Hải.
|
Cuối năm 1966, Phan Hải là thuỷ thuỷ đầu tiên của nước ta được chọn gửi sang Ba Lan học về hàng hải 6 năm. Miệt mài đèn sách bên nước bạn, ra trường, Hải được nước bạn giữ lại để tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy.
Nhưng “đất nước còn chiến tranh, còn rất cần những người như mình, phải về để phụng sự Tổ quốc”, Hải nghĩ vậy và anh đã khăn gói trở về. Anh được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng một lúc 2 con tàu lớn nhất của Việt Nam là Cửu Long 1 và Cửu Long 2. Phan Hải lại tiếp tục thực hiện những chuyến vượt biển để vận chuyển hàng hoá phục vụ cho cuộc chiến giành độc lập, tự do của dân tộc.
Đến cuộc đời dành dụm để giúp cộng đồng
Nhiều bạn bè đồng niên của Phan Hải kể lại rằng, sau mỗi chuyến cập cảng nước bạn, hay mỗi chuyến về đất liền, bạn bè thủy thủ thường tổ chức liên hoan, hay cùng gia đình chi tiêu hết tiền thưởng, chế độ, còn thủy thủ Phan Hải sau những chuyến đi biển, ông lại gom góp tiền bạc mua đất. Lúc bấy giờ nhiều mảnh đất, ngôi nhà đẹp chỉ có vài ba chỉ vàng.
“Nhiều khi mua đất tôi cũng chẳng biết để làm gì nữa, về cảng Sài Gòn, nghỉ để tàu sửa chữa, tôi lại lang thang đường phố và khi bắt gặp ngôi nhà đẹp đang bán thì tôi quyết tâm mua”. Chính thú mua đất, cất nhà từ tuổi trẻ đã giúp ông Phan Hải có cơ hội để giúp làng Lý Hòa trong những năm gần đây. Nhiều căn nhà mua từ thời trẻ đều ở vị trí đắc địa của TP Hồ Chí Minh, giờ ông đều cho thuê để các công ty mở văn phòng, hoặc những người nổi tiếng thuê để ở.
Tất cả tiền cho thuê, vợ chồng ông lại gom góp đưa về quê để xây dựng làng. Thấy học trò ở quê vất vả trong những lớp học tạm bợ, Phan Hải đã quyết định bán một căn nhà, vun vén tiền bạc ra quê xây dựng ngôi trường mầm non khang trang hơn 4 tỷ đồng cho làng Lý Hòa.
Trường học, một trong nhiều công trình được ông đầu tư xây dựng ở làng Lý Hòa. |
Tiếp đó ông xây dựng trường tiểu học hơn 4 tỷ đồng. Thấy trang thiết bị y tế của xã quá nghèo nàn nên ông bà Phan Hải xây dựng trạm y tế xã, mua đầy đủ dụng cụ y tế thiết yếu hơn 4 tỷ đồng. Rồi ông đầu tư xây Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bảo tàng, đình làng cho xã Hải Trạch với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Để người dân khỏi đi đường lầy lội, ông đầu tư làm đường, xây dựng hệ thống chiếu sáng cho con đường ven biển gần 2km...
Mới đây, ông lại tiếp tục đầu tư xây dựng công trình khu công viên văn hóa làng Lý Hòa. Công trình xây dựng trên diện tích 7.500m2 với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỉ đồng, gồm những hạng mục phục vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và có khả năng sinh hoạt cộng đồng cùng lúc cho khoảng 1.000 người.
Mỗi lần nói đến những việc làm đầy nhân văn của vợ chồng mình, ông Phan Hải lại cười nói: “Mình già rồi, làm được cái gì có ích cho bà con thì làm, chết có ai mang theo được của cải đâu”.
(Theo CAND)
0 comments:
Post a Comment