Friday, September 25, 2015
Bổ nhiệm Giáo sư ở Mỹ
10:11 AM
tuonglaidantoc
Phương
pháp bổ nhiệm Giáo sư ở Mỹ vừa góp phần ổn định toàn bộ hệ thống giáo
dục đại học vừa bảo đảm cho học hàm Giáo sư "hữu danh", và "hữu thực".
Bài 1 :
Không tiến bộ, giáo sư phải giải nghệ
Nhà
nước ta đã có nhiều cố gắng hàng năm xem xét việc phong hàm Giáo sư,
Phó giáo sư, và ngày càng hoàn thiện hơn các tiêu chí. Chắc chắn công
việc lớn này còn phải được tiếp tục nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu phát
triển và nâng cao trình độ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của
đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Bài
viết dưới đây chỉ xin được giới thiệu một cách làm của các trường đại
học ở Mỹ, mong góp phần nhỏ mở rộng thêm phạm vi tham khảo kinh nghiệm.
Ai là Giáo sư ?
Để
trở thành Giáo sư, điều kiện trước tiên, điều kiện cần là phải có bằng
tiến sĩ. Tuy nhiên, điều này không cản trở việc một số người không có
bằng tiến sĩ mà vẫn tham gia giảng dạy. Nhưng họ chỉ được coi là giảng
viên - instructor hoặc lecturer.
Còn
điều kiện đủ để trở thành Giáo sư là gì ? Đó là phải có trường mời dạy
học. Nói cách khác, chỉ có trường đại học mới có quyền phong Giáo sư,
dựa trên thực tế trong từng trường có các môn và ngành học cụ thể, từ đó
cần một số lượng giảng viên nhất định đáp ứng nhu cầu đề ra. Do đó, tất
cả giảng viên có bằng tiến sĩ và nếu đã được trường đại học trả lương
để giảng bài trên lớp đều được phong là Giáo sư.
Như
vậy, danh hiệu Giáo sư tự nó bao hàm học vị tiến sĩ của người mang danh
hiệu. Và danh hiệu Giáo sư chỉ dùng trong giới hạn khuôn viên đại học; ở
các lĩnh vực không liên quan đến giảng dạy thì không dùng danh hiệu
Giáo sư. Đối với những người có bằng tiến sĩ mà khi không (hoặc thôi)
tham gia giảng dạy thì danh hiệu Giáo sư cũng không dùng nữa, mặc dù họ
vẫn có thể tự giới thiệu là tiến sĩ.
Xin
được mở rộng để nói thêm về cách sử dụng học vị tiến sĩ trong giới
nghiên cứu khoa học. Có nhiều người có bằng tiến sĩ đang hoạt động trong
và ngoài phạm vi trường đại học. Nhưng do số lượng tiến sĩ khá nhiều,
nên người ta thường còn ghi thêm học vị tiến sĩ đó là do trường nào cấp
để phân biệt chất lượng và xếp loại uy tín. Chẳng hạn trên tấm danh
thiếp của một học giả ghi rõ dòng chữ "tiến sĩ chuyên ngành kinh tế của
trường đại học Princeton, Mỹ". Điều lý thú là mỗi trường đại học của Mỹ
lại có một mũ, áo tiến sĩ của riêng. Mỗi khi có dịp lễ hội trong trường
thì ai cũng có thể nhìn vào bộ mũ áo đó để phân biệt trường nơi các Giáo
sư đạt bằng tiến sĩ.
Như
vậy, khi giới thiệu một người có danh hiệu Giáo sư, thường người ta
cũng giới thiệu đầy đủ là Giáo sư dạy trường nào, khoa/chuyên ngành gì.
Sự nổi tiếng của Giáo sư cũng có phần tùy thuộc vào tên của trường đại
học mà họ làm việc, bởi vì trường nổi tiếng thì mới thuê Giáo sư giỏi.
Giáo sư nổi tiếng do năng lực của mình nhưng cũng còn do tiếng tăm của
trường mình dạy.
Đại học Harvard - một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ
Tiêu chí phân cấp Giáo sư
Có
sự phân loại Giáo sư (có tính tương đối, và tiếng Việt chưa thống nhất
trong cách dịch tên) theo một số danh hiệu chính sau đây: Giáo sư đầy
đủ (full professor); Giáo sư thỉnh giảng (associate professor); Giáo sư
tập sự (assistant professor). Những điều kiện cụ thể với mỗi cấp Giáo sư
sẽ được đề cập ở phần 2 bài viết.
Tất
cả các Giáo sư đều phải tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Thông thường,
các Giáo sư ngoài giờ đứng lớp đều có dự án nghiên cứu riêng và có chân
trong các viện nghiên cứu nằm trong và ngoài các trường đại học. Như
vậy, việc nghiên cứu là vừa để hỗ trợ giảng dạy, vừa để giới giáo sư
không ngừng đào sâu về mặt chuyên môn. Kết quả của việc giảng dạy và
nghiên cứu đều phải được công bố tại các hội thảo chuyên ngành và in
thành sách và các bài báo.
Dựa
vào những kết quả đó, các khoa sẽ đánh giá trình độ và làm căn cứ để
tuyển dụng, phong và phân hàm Giáo sư. Chẳng hạn, ở mức Giáo sư tập sự,
từng khoa thông báo kế hoạch tuyển dụng và căn cứ vào khả năng của các
ứng viên để nhận người và phong hàm giáo sư tập sự. Sau khoảng 5 năm,
các khoa lập ra một hội đồng chuyên môn đánh giá kết quả của Giáo sư tập
sự đó, dựa trên các tiêu chí: giảng dạy và nghiên cứu tốt. Đối với
giảng dạy, có đánh giá của sinh viên (sinh viên hết một môn học phải
viết phiếu đánh giá chất lượng bài giảng, nhiệt tình, và phương pháp
truyền đạt của thầy giáo) và của đồng nghiệp. Đối với nghiên cứu, có
đánh giá bằng cách đọc và bình luận các bài báo và sách in của Giáo sư
tập sự.
Theo
mức chuẩn thường thấy ở một số trường đại học hàng đầu của Mỹ, một Giáo
sư tập sự trong vòng 5 năm phải có được một cuốn sách tự mình viết ra
và mỗi năm phải có ít nhất một bài báo khoa học đăng ở tạp chí chuyên
ngành. Tất cả các tác phẩm đó phải được đánh giá tốt từ các đồng nghiệp
trong hội đồng chuyên ngành (peer review) với thành phần có cả các Giáo
sư trong cùng một khoa và từ các khoa cùng chuyên ngành của các trường
khác. Hội tụ được các điều kiện đó, Giáo sư tập sự mới có thể được bỏ
phiếu tín nhiệm (hình thức bỏ phiếu kín) để trở thành Giáo sư thỉnh
giảng.
Các
chỉ tiêu công việc và cách đánh giá này cũng để dành cho Giáo sư thỉnh
giảng. Như vậy, sau 5 năm làm Giáo sư tập sự, một người mới vào nghề có
thể lên mức Giáo sư thỉnh giảng. Và sau 5 năm nữa, Giáo sư thỉnh giảng
có thể được xét lên làm Giáo sư đầy đủ, nếu khoa có chỗ trống trong biên
chế cơ hữu và nếu được đánh giá là dạy giỏi và có ít nhất 1 cuốn sách
và 5 bài báo nữa có giá trị cống hiến cho lĩnh vực chuyên ngành. Đó là
chưa kể đến một số tiêu chí bổ sung khác như tham gia các chương trình
nghiên cứu lớn trong và ngoài nước đem lại cho trường tiếng tăm, nhất là
khi như Giáo sư giành được giải thưởng có uy tín và số tiền tài trợ
nghiên cứu lớn của các tổ chức và công ty giàu có.
Khẩu
hiệu thường thấy trong các trường đại học Mỹ hiện nay là "xuất bản công
trình hay là tiêu vong" (publish or perish) mà qua đó có thể hình dung
ra sức ép đối với các vị Giáo sư để tồn tại và đạt tiến bộ trong nghề
như thế nào. Không đủ các tiêu chí kể trên, các vị Giáo sư này hoặc phải
chọn các trường kém danh tiếng và mức lương thấp hơn để hành nghề, hoặc
phải giải nghệ.
Như
vậy, sau 5 năm, một Giáo sư tập sự có thể biết là mình có thể và có nên
tiếp tục nghề của mình không. Và sau 10 năm phấn đấu liên tục người đó
mới có thể tạm yên tâm với sự nghiệp khoa học và chỗ đứng của mình.
Nhưng đối với những người xuất chúng thì có thể chỉ cần đến 2 năm để
hoàn thành khối lượng công việc kể trên và qua đó họ có thể tạo nên chỗ
đứng và sự nghiệp vững vàng. Còn ở một thái cực khác, danh hiệu Giáo sư
có thể sẽ bị mất khi người được phong tỏ ra không đáp ứng tiêu chuẩn
chuyên môn và không được tham gia giảng dạy nữa. Và như vậy, có thể nói,
một điều kiện đủ khác của việc trở thành Giáo sư - ngoài việc được mời
dạy học - là phải phấn đấu gian khổ không ngừng nâng cao trình độ nghề
nghiệp.
************************
Bài 2 :
Giáo sư thành ‘nguyên khí quốc gia’
Có
sự phân loại Giáo sư (có tính tương đối, và tiếng Việt chưa thống nhất
trong cách dịch tên) theo một số danh hiệu chính sau đây :
Giáo sư đầy đủ (full
professor) : về mặt tổ chức, các Giáo sư này được coi là thuộc thành
phần cơ hữu trong bộ phận giáo viên của trường (faculty). Khi một trường
đại học đã coi một Giáo sư là Giáo sư đầy đủ thì gần như không có quyền
cho người đó thôi việc với lý do trình độ, một phần vì họ đã được coi
là chuyên gia đầu đàn không thể phủ nhận về mặt kiến thức. Nhưng phần
khác cũng vì lợi ích của trường : trường sẽ không còn danh tiếng nữa nếu
không có môn học thuộc chuyên ngành của vị Giáo sư đó, cũng như nếu còn
chuyên ngành đó mà vị Giáo sư này không giảng nữa. Tạm so sánh như khi
vở kịch và sô diễn không còn ngôi sao nữa thì khán giả cũng bớt hào hứng
đi đến rạp.
Như
vậy, Giáo sư đầy đủ thường được coi là tài sản, đặc sản của từng trường
và nhà trường phải tìm mọi cách giữ chân họ lại, nhất là khi các trường
đại học thường tìm cách "câu" Giáo sư của nhau bằng cách đưa ra những
mức lương và điều kiện làm việc, sinh hoạt hấp dẫn hơn. (Lương của một
Giáo sư đầy đủ ở các trường đại học lớn có thể lên tới 150 đến 200.000
đô la Mỹ một năm. Lương của tổng thống Mỹ cho đến năm 2000 là 200.000 đô
la/năm). Giáo sư đầy đủ chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số giáo sư ở
một trường. Con số này có thể cao hơn nếu trường đại học có khả năng chi
trả số lương cố định nhiều hơn. Nói một cách ngắn gọn, họ như thuộc
loại có biên chế.
Việc
định chức danh Giáo sư đầy đủ còn có ý nghĩa khoa học và chính trị. Một
Giáo sư đầy đủ có thâm niên cho biết để được bổ nhiệm chức danh này,
các Giáo sư đó đã đạt đến độ hết lòng vì nghề nghiệp và sự nghiệp thì họ
không còn phải lo về công ăn việc làm và cuộc sống nữa. Và chính điều
này có tác dụng rất tích cực : họ chỉ phải tập trung vào giảng dạy và
nghiên cứu, nhất là trên những lĩnh vực khoa học có tính tiên phong
thường bị phê phán và hoài nghi. Ngoài ra, các Giáo sư này, trên cơ sở
nghiên cứu khoa học và xu hướng chính trị riêng của mình, nếu có những ý
kiến độc lập khác với lãnh đạo nhà trường cũng như với chính quyền thì
nhờ có uy tín nhất định, họ sẽ có điều kiện tự do tư tưởng và công khai ý
kiến của mình.
Chính
vì thế, giáo sư đại học Mỹ thường là giới có nhiều ý kiến đóng góp với
chính giới nhất và là một nguồn bổ sung phong phú nhất cho chính trường,
qua đó thể hiện vai trò "nguyên khí quốc gia" một cách tương đối đầy đủ
nhất. Chỉ xin lấy một ví dụ : cứ mỗi một kỳ bầu cử và thành lập chính
quyền mới từ cấp bang cho đến cấp liên bang ở Mỹ lại có hàng loạt Giáo
sư đại học rời nhà trường và trở thành công chức cao cấp trong chính
quyền mới và thay vào chỗ của họ là những vị cựu quan chức của chính
quyền cũ hết nhiệm kỳ. Do vậy mà tổng thống Kennedy đã có thể thu nhận
tới hơn 2.000 viên chức cao cấp trong vòng vài tháng sau khi nhậm chức.
Đại học Yale là một trong các trường danh tiếng của Mỹ
Giáo sư thỉnh giảng (associate
professor) : là các Giáo sư có lớp và có tiết dạy, nhưng thuộc loại hợp
đồng dài hạn. Các Giáo sư này về trình độ thường là cũng rất giỏi,
nhưng trường đại học nơi họ đang giảng dạy không đủ sức duy trì môn học
của họ một cách dài hơi như môn của các Giáo sư đầy đủ.
Nếu
không có sinh viên, không có tiền để nuôi môn đó, trường sẽ chấm dứt
hợp đồng với Giáo sư thỉnh giảng. Tuy nhiên, một số đông Giáo sư thỉnh
giảng vẫn có thể yên tâm giảng dạy cho đến tận cuối đời hoặc trước khi
tìm được một chỗ dạy/chỗ làm tốt hơn không phải vì trường không có học
sinh. Lý do đơn giản còn là các trường đại học chỉ giữ tỉ lệ cơ hữu
khoảng 30% (như đã nêu ở trên) để kích thích giáo viên thỉnh giảng
chuyên cần và cố gắng hơn nữa để đợi khi có chỉ tiêu (Giáo sư đầy đủ về
hưu hoặc chuyển đi nơi khác) thì trường bổ nhiệm họ làm Giáo sư đầy đủ.
Có khoảng 50% Giáo sư là thuộc loại thỉnh giảng này.
Giáo sư tập sự (assistant
professor) : đây là chức danh chủ yếu dành cho các Giáo sư trẻ mới được
tuyển dụng để dạy các lớp có tính phụ trợ/bổ sung cho các lớp ở trình
độ cao hơn. Các Giáo sư tập sự thường phải làm việc rất nhiều để chứng
tỏ mình có triển vọng làm việc tốt để sau này sẽ được xét làm Giáo sư
thỉnh giảng. Các Giáo sư tập sự bao giờ cũng cần có một Giáo sư đầy đủ
nhận kèm cặp trong thời gian mới vào nghề.
Ngoài
ra, còn có chức danh Giáo sư cộng tác (adjunct). Chức danh Giáo sư này
có thể dành cho những Giáo sư giỏi, có nhiều kinh nghiệm và thậm chí
tuổi tác cao khi họ chuyển từ các trường đại học khác về mà trường chưa
có điều kiện xếp ngạch cao hơn, hoặc thời gian công tác có thể ngắn hạn,
làm theo hợp đồng vụ việc.
Như
vậy, chức danh Giáo sư không có giá trị chuyển đổi toàn phần. Một người
có bằng tiến sĩ đang làm công việc không liên quan đến giảng dạy, nhưng
nếu muốn đi giảng bài và được mời giảng, thì trở thành Giáo sư.
Một
Giáo sư không công tác ở trường đại học nữa thì không còn là Giáo sư.
Và Giáo sư của trường này khi chuyển sang trường khác không nhất thiết
giữ nguyên chức danh của mình ở trường cũ. Chẳng hạn, nếu một Giáo sư
đầy đủ của một trường muốn chuyển sang dạy ở một trường khác vẫn có thể
chỉ được bổ nhiệm Giáo sư thỉnh giảng, thậm chí Giáo sư tập sự và phải
tuân theo sự thăng ngạch Giáo sư của trường mới.
Tóm
lại, bổ nhiệm và phân cấp Giáo sư ở Mỹ thuần tuý là việc công nhận một
danh hiệu nghề nghiệp nằm trong chính sách tuyển dụng của từng trường
đại học và từng trường được có sự chủ động trong việc phân và phong danh
hiệu Giáo sư của mình. Nhưng tự chủ của các trường không có nghĩa là
không có sự thống nhất ở cấp quốc gia. Vì một khi có bằng tiến sĩ là
chuẩn mực đầu tiên để được công nhận chức danh Giáo sư và khi có các hội
đồng khoa học với năng lực và uy tín chuyên môn cao, quy tụ được các
chuyên gia tầm cỡ quốc gia để đánh giá công trình của các Giáo sư, thì
nhìn chung mặt bằng kiến thức và trình độ của các vị Giáo sư khá đồng
đều trong thứ hạng của mình trên phạm vi rộng. Bằng cách này, phương
pháp bổ nhiệm Giáo sư ở Mỹ vừa góp phần ổn định toàn bộ hệ thống giáo
dục đại học vừa bảo đảm cho học hàm Giáo sư "hữu danh", và "hữu thực".
Nguyễn Vũ Tùng
(Tiến sĩ Đại học Columbia, hiện là Phó Giáo sư tại Học viện Ngoại giao)
Nguồn : TuanVietnam, 22&23/09/2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment