ý Tường Quan
(còn gọi là Bá hộ Xường) là nhân vật đứng thứ 3 trong 4 hào phú Nam kỳ
xưa (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định), giàu có và quyền lực nhất
vùng Sài Gòn – Chợ Lớn ở thế kỷ 19.
Hai tượng người đứng hầu trước mộ ông Lý Tường Quan
Khu mộ cụ Lý Tường Quan nằm trong hẻm 79/30 Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú,
TP.HCM), trên khu đất khá rộng. Khi chúng tôi đến, khu mộ đã khóa cổng.
Chị Bảy, chủ nhà phía đối diện, bảo rằng lâu nay hậu duệ của cụ Lý vẫn
gửi chìa khóa nhờ chị giữ, nhưng lần quét dọn cúng kiếng vừa rồi, họ giữ
chìa khóa lại… Chúng tôi nhìn ngắm khu mộ qua những song sắt của chiếc
cổng, thấy một chiếc bình hoa trên bệ thờ bị đổ nhưng không cách nào để
sửa lại được, đành lòn máy ảnh vào trong những song sắt.
Mộ cụ Lý Tường Quan mang nhiều nét độc đáo của kiến trúc cổ Trung
Hoa: có nhà mồ (nhà mái che), mặt tiền nhà mồ có cửa vòm chính giữa,
trên vòm cửa có chữ Lý (Hán tự, chỉ họ Lý) hai bên trang trí dây leo hoa
lá, trái quả… Hai bên cửa vào có cặp liễn khắc chữ Hán: Lục thủy
nhiểu bình dương, thanh long uy chánh huyệt/Hòa phong thông bá đạo, bạch
hổ hộ minh đường(tạm dịch: “Nước biếc uốn quanh đất phẳng, uy lực
rồng xanh ứng vào chánh huyệt. Gió lành thông trăm nẻo, khí thiêng cọp
trắng hộ trì minh đường”). Điểm độc đáo là trước mộ có 2 tượng người
bằng đá đứng hầu. Bên phải là tượng người đàn ông có vóc dáng khá lực
lưỡng, mặc áo dài, đầu đội nón, chân đi giày, hai tay nâng một chiếc
hộp. Đối diện là tượng người đàn bà có nét mặt nhu mì, đầu trần tóc búi,
mặc áo dài, chân đi hài, hai tay nâng tách nước… Nhìn chung, 2 pho
tượng được thể hiện rất sống động, nét khắc chạm các hoa văn ở viền áo,
gấu áo và mũi giày công phu…
Nhờ chồng chị Bảy cho số điện thoại của anh Lý Thanh Liêm (hậu duệ
đời thứ 5 của cụ Lý), chúng tôi đã liên lạc với anh. Anh cho biết ngay
cả những người trong dòng họ hiện nay cũng không xác định được thân thế
của 2 nhân vật được tạc tượng hầu hai bên mộ cụ Lý, chỉ đoán họ là những
gia nhân có thật của cụ thuở sinh thời. Theo tư liệu anh Liêm cung cấp
và theo chúng tôi quan sát thì giữa 2 tượng có bệ đá đặt lư hương rồi
đến bia đá hình chữ nhật đặt trước mộ. Mặt bia có 3 hàng chữ Hán (dịch
nghĩa: “Phần mộ của ông hiển khảo Lý Tường Quan, nhận chức Chánh đại phu
vào đời thứ 26 nhà Thanh. Ngày lành, tháng tốt, năm Bính Thân: các con
trai là Thanh Huy, Thanh Vân, Thanh Châu, Thanh Đẩu, Thanh Sĩ, Thanh Lan
và các cháu là Văn Mạnh, Văn Quý, Văn Tài, Văn Tú, Văn Nguyên cùng lập
mộ”).
Mộ ông Lý Tường Quan
Sau bia là mộ, với bốn mặt thành mộ bằng đá, phía trên mộ phủ cát
vàng. Mộ dài 3,64 m, rộng 2,45 m, cao 0,77 m. Hai vách thành phải trái
khắc hình các con thú: dê, khỉ, ngựa, hươu… Riêng vách thành sau khắc
hình lân mã. Bốn góc mộ có các trụ vuông được chạm trổ rất tinh xảo. Mặt
ngoài các cột có phù điêu hình người, chim cảnh. Trên đầu mỗi trụ cột
có chạm hình các đĩa quả đặc sản Nam bộ như xoài, mãng cầu, thơm… Sau
mộ, có bia đá lớn khắc hơn 300 chữ Hán, nội dung là tiểu sử và sự nghiệp
của cụ Lý Tường Quan. Trần nhà mộ hình vòm, bốn góc trang trí hoa văn
dây hoa cúc đối xứng. Mái nhà mộ (4 mái) lợp ngói, các bờ diềm cạnh mái
được đắp hoa văn rồng mây, bốn góc mái uốn cong có tượng chim đại bàng
canh giữ mộ phần.
Mộ cụ bà Nguyễn Thị Lâu nằm bên trái nhà mồ, dù xây lộ thiên nhưng
cũng có tường bao mộ, sân mộ, bia trước, nấm mộ và bia sau mộ. So với
ngôi mộ bề thế của người chồng thì mộ của phu nhân có phần khiêm tốn
hơn. Tuy nhiên, từ cấu trúc tạo hình, ngôi mộ này cũng có những giá trị
cao về nghệ thuật chạm khắc đá mộ chí của vùng đất Sài Gòn – Gia Định
đầu thế kỷ 20.
Khéo tay thêm phụng thời, cự phú mấy hồi
Theo đoàn người Minh hương từ Trung Quốc sang VN lập nghiệp, khoảng
năm 1820, ông Lý Sáng Ái (1781 -1855) quê ở huyện Phiên Ngung (Quảng
Đông, Trung Quốc) vượt biển đến vùng đất Cần Giờ định cư, ông lấy người
vợ Việt là bà Trần Thị Thơ. Ông Lý Tường Quan (1842 – 1896) là con thứ
ba của ông Lý Sáng Ái, vốn thông minh, chăm chỉ học hành, thông thạo cả
tiếng Hán lẫn tiếng Pháp. Khi trưởng thành, ông được viên quan Pháp tên
là Gandot mời ra làm thông dịch viên, rồi giao cho ông chức Bang trưởng
cai quản 7 bang người Hoa vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Một thời gian sau, ông
quyết định xin nghỉ chuyển qua làm thầu xây dựng các công trình: nhà
phố, cầu cống, chợ… trở thành một tay cự phú vào nửa cuối thế kỷ 19, qua
câu truyền tụng của dân gian: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ
Định”.
Nói về sự thành đạt của cụ Lý, cụ Vương Hồng Sển viết: “thông ngôn
xuất thần, sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật tư, thức ăn cho thị
xã, nhờ khéo tay thêm phụng thời, cự phú mấy hồi…”.
Sinh thời, ông Lý Tường Quan và bà Nguyễn Thị Lâu sống trong ngôi
nhà lớn cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp ngói. Ngôi nhà cổ có niên đại
hơn 130 năm hiện vẫn còn tại số 292 Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TP.HCM. Con
cháu cụ Lý hiện nay vẫn còn đông. Đa số sống rải rác tại TP.HCM, một số
khác hiện sống ở nước ngoài (Mỹ, Canada…). Mỗi năm đến ngày cúng giỗ cụ
Lý, con cháu đều tề tựu đông đủ bên lăng mộ cụ, thắp nhang bày cỗ tỏ
lòng tri ân…
Hà Đình Nguyên/ TNO
0 comments:
Post a Comment