Friday, September 18, 2015
Con là con, không phải là vật sở hữu
7:01 AM
tuonglaidantoc
Chuyện
một người mẹ ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận tưới xăng lên người đứa
con gái 12 tuổi, châm lửa đốt chỉ vì con không bán hết những tờ vé số
được giao trong ngày làm trái tim mọi người đau nhói.
hình minh họa
Không ai
tin được một người mẹ đã mang nặng đẻ đau đứa con của mình lại có thể
sai người đi mua xăng về, tưới lên người con rồi châm lửa đốt. Dù cảm
thông thế nào với hoàn cảnh nghèo khó của người mẹ phải làm thuê làm
mướn bất kể việc gì để kiếm sống qua ngày, nuôi ba đứa con sau khi chồng
chết thì cũng khó mà không phẫn nộ trước hành động dã man của người mẹ
với đứa con đẻ của mình.
Tuy vậy, cần phải thấy rằng những kiểu
bạo hành tương tự của không ít bậc cha mẹ người Việt với chính con cái
của mình không phải là hiếm. Và nó xuất phát từ một quan niệm, một nhận
thức, một thứ tập tục vẫn còn ăn sâu và khá phổ biến trong xã hội, đó là
cha mẹ coi con cái như tài sản, như vật sở hữu của mình mà mình có toàn
quyền định đoạt chứ không phải như một nhân vị, một nhân cách, một con
người với đầy đủ quyền con người mà cha mẹ cũng phải tôn trọng như tôn
trọng một người trưởng thành. Xưa, vì nghèo đói, có những người cha,
người mẹ phải bán con. Nay thì vì lý do này khác, cha mẹ có thể đánh
đập, bạo hành, khai thác, lợi dụng con cái để kiếm tiền mà không thấy đó
là vi phạm cả đạo đức lẫn luật pháp.
Về mặt luật pháp, dù chúng ta đã có Luật
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004), nhưng nhiều quy định trong
luật rất chung chung và giữa luật với thực tế cuộc sống còn một khoảng
cách khá xa nên mới xảy ra những vụ việc đau lòng như vụ mẹ tưới xăng
đốt con.
Điều 24, khoản 1, của luật nói trên quy
định: “Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về
việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát
triển của trẻ em; khi gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể
yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách
nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em”. Thử hỏi có bà mẹ
nghèo khó, khốn khổ, chẳng biết tí ti luật pháp nào có thể tự mình đánh
giá gặp “khó khăn không giải quyết được” để “yêu cầu và được cơ quan,
tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc
chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em”?
Và nếu được yêu cầu, liệu cơ quan, tổ
chức hữu quan có sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình? Không hiếm
trường hợp hộ nghèo xin chính quyền cho vào diện nghèo để được giúp đỡ
nhưng đã bị từ chối (như trường hợp chị Nguyễn Thị Mỹ Nữ ở Cà Mau năm
nào, khiến chị phải quyên sinh), vậy thì lấy gì bảo đảm cơ quan, tổ chức
hữu quan sẽ đồng ý khi được yêu cầu giúp đỡ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ
em? Điều 26 luật trên cũng quy định: 1. Gia đình, Nhà nước và xã hội có
trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em;
thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em; 2. Mọi hành vi
xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý
kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Thử hỏi, “có trách
nhiệm” là trách nhiệm như thế nào? Trong trường hợp bé gái bị mẹ đốt,
Nhà nước và xã hội ở đâu để có thể kịp thời “bảo vệ tính mạng, thân thể,
nhân phẩm, danh dự” của em?
Rồi luật pháp sẽ trừng phạt nghiêm minh
người mẹ độc ác này như khoản 2 điều 26 quy định, nhưng sự việc xảy ra
thì cũng đã xảy ra rồi, và bé gái sẽ phải mang thương tật suốt đời! Dự
thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đang được lấy ý
kiến đóng góp trước khi trình Quốc hội. Hy vọng rằng khoảng cách giữa
luật và thực tế sẽ được rút ngắn lại để trẻ em được bảo vệ tốt hơn.
Nhưng dù thế nào, dù luật pháp có cố gắng đi sát cuộc sống tới đâu,
thách thức đặt ra cho việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sẽ vẫn còn
đó khi chưa xóa bỏ được nhận thức, tập quán xem con cái là tài sản, là
vật sở hữu của cha mẹ chứ không phải là những con người với đầy đủ quyền
con người. Mà muốn làm được điều đó, cần cả một cuộc vận động xã hội và
truyền thông, giáo dục lâu dài, sâu sắc để nhận thức mới thấm sâu trong
mọi tầng lớp người dân.
Đoàn Khắc Xuyên/ GĐVN
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment