Monday, September 21, 2015
NGƯỜI VIỆT CÓ DÂN TỘC TÍNH KHÔNG?
5:27 PM
tuonglaidantoc
Theo Sơn Nam, thì các học giả Việt Nam xưa gọi những tính chất
riêng, cái độc đáo của dân tộc là "Quốc Hồn", "Quốc túy" và thường tự
hào là "Dân Việt có bốn ngàn năm văn hiến".
1/ QUỐC HỒN LÀ GÌ?
Từ Điển Hán-Việt của Đào Duy Anh định nghĩa Quốc Hồn là "tinh thần
đặc biệt của một quốc dân (âme nationale).Sdd.tr.175. Nói nôm na "Quốc
hồn là cái linh hồn dân tộc" là cái tinh thần yêu nuớc,thương nòi thúc
đầy người dân quên mình tranh đấu cho chủ quyền đất nuớc và độc lập dân
tộc, cuơng quyết hy sinh để chống các thế lực xâm lăng, đặc biệt là
chống kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc...
"Hồn là gì? Người ta thường hiểu "HỒN" là phần làm chủ và điều động
toàn bộ hoạt động tinh thần và thân xác của con người lúc còn sống.
Lúc con người còn sống thì HỒN và PHÁCH liên kết, quấn lấy nhau,
khi người chết thì HỒN rời khỏi PHÁCH gọi là "Hồn siêu,Phách tán".
PHÁCH được xem là phần hình chất còn lại khi tinh khí cạn kiệt, là
cái không tinh tuý (tức cặn bã còn lại). "Phách" là chỗ không có ánh
sáng trên mặt trăng. "Tử phách là trăng mồng một".
Hồn thiêng liêng nên gọi là linh hồn. Thần và Quỷ đều do hồn hoá ra,cả hai đều linh thiêng.
Ngoài ra còn có chữ "VÍA" thường đi đôi với hồn trong tư tưởng dân gian Việt Nam. Trong Hán tự không có chữ VÍA.
Ta thường nghe nói "Ba hồn, bảy vía" và "Ba hồn chín vía". Ba hồn
bảy vía dùng cho đàn ông còn Ba hồn chín vía dùng cho đàn bà. Nghĩa là
nam có bảy vía, nữ có chín vía.
"Vía" là gì?
Ta thường nghe nói: "Hú vía"; "Kinh hồn, mất vía"; "Vía nặng, vía nhẹ" vân vân.
"Lưu Cung sợ uy mất vía"(BN ĐC); "Ta đã toan xây sẵn nhà vàng chờ
người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền
quyên..."(Chu mạnh Trinh)...
VÍA là nơi để hồn phát huy chức năng làm chủ sự sống của con người.
Vía là những biểu hiện cụ thể của hồn trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó,
khi Hồn kinh thì vía bị mất. Nói là "Hú Vía" vì khi bị mất vía, muốn
tìm lại phải có cách "gọi" riêng tức là "hú" (một thứ ngôn ngữ thuộc đạo
giáo như niệm chú...).
Theo tín ngưỡng dân gian, một người có "ba hồn": Vạn Pháp Thiên Tôn
dạy rằng: "Thế thường người có ba hồn ấy là Nhứt Thể Tam Thân, Nhơn Hữu
Tam Hồn là: Mê Hồn – Giác Hồn – Linh Hồn.
Mê Hồn là Tinh
Giác Hồn là Khí
Linh Hồn là Thần
Nhơn Hữu Tam Bửu Tinh – Khí – Thần
2/QUỐC TÚY LÀ GÌ?
Quốc Tuý là "cái hay riêng về tinh thần hoặc vật chấtcủa một nuớc".
"Quốc tuý chủ nghĩa là quan điểm của những người bảo thủ, thủ cựu chủ
trương bảo tồn tất cả những phong tục truyền thống (bất kể tốt đẹp hay
hủ lậu) vì cho đó là "tinh tuý" của dân tộc.
Quốc tuý chỉ những gì mà một dân tộc nào đó tự hào và thế giới cũng
nhận biết và công nhận là những cái mà nước đó đang tự hào là độc đáo,
không có tại các nuớc khác.
Quốc tuý thường thể hiện trên những công trình kiến trúc nổi tiếng,
các tác phẩm văn học kinh điển hoặc ẩm thực điển hình...( Pháp tự hào
về rượu Champagne, Anh, Whisky, Nhật,Sake...)
Nghĩ về Quốc Hồn, Quốc Túy tại Việt Nam ngày nay, một nhân sĩ quốc nội đã xót xa ghi nhận như sau:
"Có thể do thời tiết, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, rét kèo dài,
luôn thích hợp với việc ăn thịt chó, mà 5 triệu con chó đã chết ở Việt
Nam mỗi năm. Con số 5 triệu này do Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA)
công bố, hoàn toàn không phải bịa.
.........
"Nước mình nó thế, cũng tại thế nên nước mình mới là cường quốc bia
rượu, chứ chẳng lẽ ăn thịt chó uống nước lọc hay nước ngọt? Báo chí đưa
tin thế này: Mức tiêu thụ rượu bia bình quân của những người từ 15 tuổi
trở lên ở nước ta (quy đổi thành rượu nguyên chất) đã tăng từ 1,35 lít
năm 2001 lên 3,3 lít năm 2007, 3,54 lít năm 2008 và 4 lít vào năm 2010,
trong đó mức tiêu thụ bia tăng nhanh hơn so với mức tiêu thụ rượu.
“Theo quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt
Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, mức tiêu thụ rượu bia quy rượu
nguyên chất bình quân (với người từ 15 tuổi trở lên) ở VN năm 2025 có
thể sẽ tăng lên 7 lít/người/năm, cao hơn mức trung bình chung của thế
giới hiện nay (6,13 lít).
“Nếu cứ nhất được cái gì cũng tự hào, thì mấy vụ thịt chó là bia
rượu nước mình đúng là quá tự hào rồi. Thịt chó, rượu bia, xem là quốc
hồn, quốc túy... Mình bảo tồn di sản văn hóa được đến đâu không rõ, chứ
bảo tồn tinh thần dân tộc riêng trong lĩnh vực này đúng là thành tựu.
...Chứ công cuộc bảo vệ di sản nước mình gian nan vô kể. Kể cả
những di sản đã được UNESCO công nhận rồi, vẫn cứ nơm nớp lo mất danh
hiệu. Chưa nói đến những di sản quý giá chưa đệ trình lên UNESCO, nhưng
cũng là những di sản lẫy lừng, kiểu như cầu Long Biên ấy, giờ cũng đang
bị đe dọa kia kìa. Cái cầu như thế, gánh vác bao nhiêu năm lịch sử, giờ
cứ muốn bắt gánh thêm trọng trách của một cây cầu thời hiện đại. Người
hiện đại cứ tưởng có tiền là phá quách đi xây cái cầu y hệt, một trăm
năm nữa nó cũ là xong..."
“Ai cũng biết cầu Long Biên không chỉ là di tích lịch sử, là chứng
nhân của bao sự kiện quan trọng liên quan đến Thủ đô, nó còn là di tích
kỹ thuật. Một loại hình di tích cực kỳ hiếm ở Việt Nam. Nếu không có cầu
Long Biên, hay nhà máy nước Vạn Niên ở Huế, tháp nước vườn hoa Hàng
Đậu, cầu sắt Sài Gòn cuối thế kỷ 19…thì loại hình di tích kỹ thuật ở
nước ta sẽ đơn thuần chỉ là mấy cối xay, giã gạo hay những cọn nước miền
cao. Điều quan trọng nữa là ý nghĩa đặc biệt của cầu Long Biên với cảnh
quan và sắc thái đô thị Hà Nội. Nhiều đô thị trên thế giới gắn với một
dòng sông và cây cầu.
Quốc hốn quốc túy mai ngày chắc chỉ còn mỗi thịt chó rượu bia!”
(Hà Phạm-Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)
Danh từ "tinh thần dân tộc" thường được đề cao khi có ngoại xâm với hàm ý "tinh thần tranh đấu bất khuất."
"Thất bại trên đường đời, kiếm không ra tiền là phạm tội lớn với
gia đình, với dòng họ, với người lân cận. Rốt cuộc trong xóm nghèo,
người ta lại ganh tị nhau, người này nhòm ngó khen chê người kia quá
nghèo chưa biết ăn mặc. Chịu đựng sự chê bai của người giàu là dễ vì đó
là sự chịu đựng gián tiếp. Gìn giữ cho người trong xóm, trong sở đừng
chê bai là điều khó hơn. Cái nhìn của người láng giếng. Cái nhìn của cô
bạn." (sđd tr. 40)
" Người mại bản, bọn gian thương luôn luôn kiêu hãnh vì thấy cái
lối sống ích kỷ của họ trước kia bị công kích nay được phổ biến. Những
người ngoan cố, thủ cựu nhất, lúc đầu (khi mới đến thành thị) thì nguyền
rủa họ, nhưng lần hồi thì hàng phục, noi gương họ.
Họ và bè lũ cứ ngồi uống rượu uýt-ky, chửi đổng một cách vô trách
nhiệm, công kích mọi chánh phủ rằng chánh phủ này thất bại vì không làm
theo ý họ, chánh phủ kia chưa làm được gì đáng kể chỉ vì không đi sát
quần chúng, không theo sát tình hình.
...Đôi khi tâm hồn trống trải, thấy người chung quanh chẳng ai chơi
thật tình với họ thì họ lại nghĩ đến tình dân tộc. Khi thì họ nói: "Dân
tộc là cái gì? Đó là danh từ huyền hoặc vô nghĩa trong thời đại liên
lục địa, liên hành tinh... Dân tộc là gì, "khi người Việt dùng đồng hồ
Nhựt, gạo Mỹ, thuốc bổ Hòa Lan, thịt đông lạnh Úc Châu, máy in Đài Loan,
ván ép Đại Hàn, mặc quần áo như đầm, chơi hoa kiểng theo Nhựt, tập Yoga
theo Ấn Độ và thích học chương trình Pháp hoặc học Anh ngữ, nghe nhạc
Mỹ." Rồi bỗng dưng, họ trở giọng "Tôi là thằng Việt Nam, ai đụng tới
thằng Việt Nam thì tôi đập bây giờ. Thế giới đã ngán thằng Việt Nam rồi.
Ai chưa ngán là kẻ đó còn mê ngủ".
"Họ làm giàu nhờ chiến tranh thế mà họ lại than phiền chiến tranh hơn ai hết! Cho mình là nạn nhân của chiến tranh."
"Họ đã yêu nước đâu từ hồi 1945, có tản cư vài tháng hoặc đôi ba
năm. Họ xưng là chống thực dân, họ đã quen biết, đã nuôi nấng hoặc đã
gặp một vài nhà cách mạng tiền bối nào đó. Kháng Pháp đối với họ chỉ là
một mớ hồi ký, giai đoạn lụn vụn, vừa bi ai vừa buồn cười...Chỉ là giai
thoại vì không biết tổng kết thế nào cho ổn.
Đối với cuộc chiến hiện tại, họ đóng vai trò một ông trời con để
phê phán, chấm điểm cho cả đôi bên... Họ không đủ thông minh để thông
cảm với những chiến sĩ vô danh. Nhìn vào đại cuộc, họ phê phán các nhân
vật ở Âu-Mỹ, ở Việt Nam, họ cho rằng ai cũng hành động vì động cơ ích kỷ
như họ. Và người làm cách mạng cũng là người ích kỷ. Rất may là họ ít
chịu làm chính trị, họ chỉ thích làm ap-phe, khi cần tranh thương hoặc
đầu cơ, đuổi nhà, đuổi đất thì cứ tiến hành một cách lạnh lùng - tiến
tới rồi đính chánh sau.
"Thỉnh thoảng họ bàn bạc về văn nghệ, gặp đám tiệc liên hoan, họ
nhảy nhót và uống rượu hết mình. Họ xem văn nghệ sĩ là bạn thân, họ phục
tài các văn nghệ sĩ để chứng tỏ họ đâu phải là kẻ phàm phu tục tử,
nhưng thứ văn nghệ mà họ ưa thích là khiêu vũ, thoát y vũ..." Chính vì
vậy mà các nữ ca sĩ bên Việt Nam ngày nay thường phô bày càng nhiều da
thịt trên sân khấu càng nổi tiếng, trang phục càng mỏng manh, càng xuyên
suốt, càng lộ hàng kín thì càng đắt mối... rồi từ gợi dục (hở hang
không phải là gợi cảm mà là gợidục thân xác) đến bán dâm chỉ một bước
ngắn...
Có người cho rằng người Việt Nam gồm ba con người khác nhau ghép lại:
1/ một thằng bồi
2/ một kẻ nghèo đói
3/ một người kiêu hùng coi thường tất cả Tây, Tàu...
Tùy theo tỷ lệ lắp ghép, thành phần nào trội thì nhân cách đó nổi bật lên.
Thế nhưng, nếu thành tố "bồi" quá lớn thì nó trở thành nô lệ
rồi,kiêu hùng chỉ còn là cái bóng dật dờ. Nếu "kiêu hùng" vượt trội thì
nó đâu còn chịu làm bồi! Thành tố nghèo đói chỉ là tạm thời. Nhiều người
xuất thân nghèo đói đã trở nên hận thù xã hội và rắp tâm trả thù. Họ
rất hùng biện khi nói chuyện nghèo đói và phê phán xã hội là bất công,
nhưng họ thường đứng về phe gian thương, về phía các đại gia...
Trong cuốn "La foule solitaire" nhà xã hội học Pháp David Riesman
(NXB Arthaud, Paris 1966) đã phân tính chất con người ra làm ba loại:
1/ Loại người do khuôn thước cổ truyền đào tạo, tự nhận là một bộ
phận của xã hội, của gia đình. Vua bảo chết là chết; khi chồng chết vợ
vui vẻ lên giàn hỏa để chết theo (thời phong kiến Trung Hoa và một số bộ
lạc kém văn minh...)
2/ Loại sống theo tư tưởng cá nhân, lo lập nghiệp, kinh doanh, tìm
cách để đạt mục đích riêng (ý thức tư bản, anh hùng cá nhân...)
3/ Loại người sống theo dư luận xã hội: ăn ở, đi đứng, hành xử theo
thời, theo quy ước xã hội (đây là thời kỳ tiện nghi vật chất lên cao,
sự hưởng thụ được khai thác tận cùng (thời trang, thói đua chen, khoe
khoang, vấn đề sỉ diện...giai đoạn "vong thân")
Thử ứng dụng lối phân loại trên đây vào con người Việt Nam:
1/ Luân lý cổ truyền và chế độ quân chủ kềm hãm, cá nhân chỉ là cái
bóng mờ, con người giai đoạn này gắn liền với thiên nhiên quê hương
(không rời "nơi chôn nhau cắt rốn", xem triều đại là quốc gia, nghe
tiếng chim "đa đa" mà nhớ nhà, nghe tiếng cuốc kêu mà thương nước... con
người hòa vào với vũ trụ). "Có trung hiếu mới đứng trong trời đất"
2/ Khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, con người bắt đầu khẳng
định "cái Tôi" theo khuynh hướng lãng mạn Pháp. Cá nhân tưởng mình có
quyền năng như Thượng Đế, cái Tôi trở nên vô cùng to lớn: "Tôi muốn buộc
gió lại, cho hương đừng bay đi"(Xuân Diệu); "Tôi muốn mùi hương của
nước hoa, mà cô thường xức chẳng bay xa..." ( .....); "Ta muốn đeo vòng
thư kiếm quyết xoay bạch ốc lại lâu đài..." (Cao Bá Quát).
3/ Khi hiện tượng xã hội hóa lên cao, con người không còn là TA, là
TÔI nữa mà đã trở thành những "Khuôn Mặt" (Figures); những "Nhân Vật".
Người ta đi "lập thuyết", sáng tạo thể chế... Nhưng vì có chữ "khuôn"
bao hàm ý nghĩa "có công thức từ căn bản" cho nên con người giai đoạn
này cố vùng vẫy, giãy dụa để ra khỏi khuôn thước nhằm làm cho mình "độc
đáo" và thế là "độc đáo" trở thành phong trào chạy theo công thức mới,
giai cấp mới, chạy theo thời... Từ đó, cá tính bị hao mòn rồi mất hẳn
một cách vô thức...Cái Ta chìm vào tập thể như hạt muối hòa vào nước
biển...
Khi chợt thấy cái Ta bị hòa tan thì con người kinh hoàng và vùng
dậy để tìm lại cái Tôi, cái cá tính, tìm cuộc sống với lý tưởng riêng,
sáng kiến riêng và dĩ nhiên là thân phận và tính mạng cũng riêng (Phong
trào triết lý Hiện Sinh).
Thử tìm hiểu xem, đa số con người Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn nào? "Không Ta"; Ta và Cái Tôi vĩ đại? hay Khuôn mặt?
Trước hết, nên biết rằng "Không Ta"; Ta và Cái Tôi vĩ đại hay Khuôn
mặt" đều mang trong nó những ưu điểm và khuyết điểm, những cái lợi và
cái hại.
Thực trạng và tình thế Việt Nam hiện nay thật vô cùng phức tạp. Sau
70 năm, chủ nghĩa cộng sản đã đưa mức sống của đất nước đến chỗ "tụt
hậu" so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á (như Thái La, Singapore,
Malaysia, Ấn Độ...). Về mặt tinh thần và đạo đức, xã hội đang băng hoại,
con người đang bị tha hóa, vong thân trong nếp sống vật chất, hưởng
thụ, khoe khoang...(được báo chí vô tư "ca tụng" và xem như là người
"siêu việt", mô tả như là "kẻ tài năng" dù cho đã dùng tài năng ấy để
làm chuyện phi pháp và lãnh án tù...)
Vào thập niên 1980, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết vở "Tôi và
Chúng Ta". Vở kịch này minh họa sự mâu thuẫn và cuộc xung đột giữa cái
"Không Ta" và cái "Tôi". "Không Ta" tức là "Chúng Ta" là cái chung, cái
tập thể, không có cá nhân.
Cuối cùng cái Tôi đã thắng. Sau một thời gian dài bị buộc phải xem
"tập thể là chính, là trên hết, là quan điểm", con người đã âm thầm hoặc
công khai tìm lại cá nhân mình và cá nhân chủ nghĩa đã phát triển mạnh
mẽ. Bằng chứng là trong một nền kinh tế yếu kém, lệ thuộc ngoại thương,
ngoại bang, nhiều người bỗng nhiên trở nên giàu có, được báo chí phong
là "đại gia" rối tiêu ngoại tệ như nước, mua xe hơi gọi là "khủng" trị
giá "triệu đô"...Nhiều người tự xây "Phủ" rồi "Biệt phủ" trị giá hàng
trăm tỷ...Co nhiều cái tôi mang ngoại tệ đi "mua đứt một thị trấn của
Mỹ" với giá $900.000, để được lên mặt báo chí Mỹ!
Có tiền thì khoe tiền, có xe thì khoe xe, có thân hình đẹp, khêu
gợi nhục dục cũng phô bày hết ra khắp nơi...(nhiều hoa hậu, hoa khôi, ca
sĩ, người mẫu... đã trở thành người mãi dâm hạng đắt tiền...có người
không may đã rơi vào tù tội...)
Khi cái Tôi đã vùng dậy thì chuyện sỉ diện, ham danh muốn trở thành
"Khuôn Mặt" tất nhiên sẽ đến ngay lập tức. Đây là giai đoạn cá nhân tìm
các vượt ra khỏi cái khuôn mẫu đơn điệu nhàm chán để đi tìm cho mình
cái tính độc đáo, không giống ai...khiến cho xã hội có thêm nhiều chuyện
lố bịch, chướng tai gai mắt...Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trong nước đã thêm
vào tên mình một tên Mỹ, Tàu, Nga hoặc Ý... cho oai thêm. Ăn mặc khiêu
dâm táo báo cũng là một cách mà nhiều ca sĩ Việt trong nước cho là "độc
đáo"
Họ có biết đâu "Dưới ánh mặt trời, không có gì là mới lạ cả" (Nihil
novi sub sole!) Cái mà họ tưởng là mới, là táo bạo, là cá tính ấy đã
từng có và từng xảy ra trên thế giới từ xa xưa rồi... Sống theo dư luận
bên ngoài thì mất cuộc sống nội tâm, bị vong thân rồi vong bản. Chạy
theo vẻ đẹp thân xác thì mất vẻ đẹp tâm hồn là thứ cần thiết cho cuộc
đời đích thực. Một thân xác đẹp, hấp dẫn chỉ thỏa mãn đôi mắt, bàn tay,
trong lúc một tâm hồn cao thượng làm thỏa mãn con tim, ấm áp tình người
Tóm lại,
Dân tộc tính, Văn hóa dân tộc là những vấn đề cụ thể, ở trước
mắt... nhưng cũng rất trừu tượng cho nên mỗi người có thể hiểu hơi khác
nhau. Nhiều người vì quá ưu thời mẫn thế, quá thương dân tộc và đất nước
đã uất nghẹn thở dài trước hiện tình xã hội Việt Nam, đôi khi có ý muốn
từ bỏ những ràng buộc với văn hóa cổ truyền, nhưng thực tế lại không
làm nổi, phải gìn giữ...Và khi sự đe dọa phân hóa quá mạnh thì nhiều
người Việt lại muốn bám vào "dân tộc tính" để tìm chỗ đứng trong quần
chúng. Từ những chính khách tìm địa vị, vinh thân đại gia đến những
người "làm văn nghệ mới" đều luôn miệng nói hai tiếng dân tộc.
Người Việt Nam đã trải qua hai cuộc thí nghiệm lớn và lâu dài của
hai khối trên thế giới về chiến tranh cũng như về tư tưởng, triết lý.
Dân số ít, tài nguyên nghèo, "nhiều tiến sĩ, kỹ sư nhưng tăm xỉa răng và
đinh ốc đều phải nhập cảng...", vóc người không cao hơn ai... nhưng qua
các cuộc thí nghiệm từ thời thượng cổ đến nay, người Việt Nam có đủ
thẩm quyền để xưng là một "văn hiến chi bang" nghĩa là một quốc gia có
nền văn hiến riêng.
Người Việt Nam thường có những tính chất như:
1/ Sống hòa hợp với thiên nhiên, đa thần giáo nhưng không hoàn toàn mê tín, chỉ là thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn.
2/Sống có lý tưởng nhưng không ích kỷ, độc đoán. Vì đất nước nghèo,
nên mục đích chính là làm thế nào để được ăn no, mặc ấm, được học hành
mà vẫn giữ được giá trị đạo đức và nhân cách.
3/ Biết mình, biết người, đã quen gian khổ và đường dài nên thường
bình thản, kín đáo... đôi khi "tự trào", "khôi hài" để tự "trấn an".
4/ Khi đồng loại gặp khó khăn, hoạn nạn thì mở rộng các cửa để dung chứa...
Cũng có người than phiền rằng "người Việt có thói ưa ăn cắp vặt,
thiếu thành thật, che dấu cảm xúc và tình cảm, giả đạo đức, trước mặt
người khác thì tỏ ra, làm bộ lễ độ, kính nể hoặc sợ hải khép nép, nhưng
sau lưng hoặc ngay sau đó thì nguyền rủa, chửi thề...
Nhưng vào thế kỷ thứ 19 và 20, thế giới loài người đã ngạc nhiên
khi thấy người Việt Nam đã từng làm được nhiều chuyện lớn kể từ thời
Hùng Vương lập quốc, đó là đánh tan nhiều đạo quân xâm lăng mạnh hơn gấp
hàng chục lần, rồi đánh thực dân Pháp một cách kiên trì, với nhiều gian
khổ và hy sinh, với lòng yêu nước mà một số dân tộc nhược tiểu khác
không có.
Việt Nam đã nhiều phen chịu đựng chiến tranh, nay đã hết chiến
tranh bom đạn. Trong cảnh thanh bình, họ đang nhập cảng nếp sống ngoại
lai từ Tây, từ Tàu, từ Mỹ...Tuổi trẻ trở nên lai căn, xã hội thành điếm
đàng, đểu cáng... Nhiều trí thức Việt Nam tại quốc nội cũng như hải
ngoại đang lo ngại trước hiện trạng dân tộc bị tha hóa vì các tư tưởng
triết học đã nhập cảng từ gần trăm năm trước và hiện nay là giấc mơ Mỹ,
là hành trình đi trồng cần sa...họ nhận thấy cần phải duy trì văn hóa
dân tộc, cần làm một cái gì đó để tìm lối đi cho dân tộc...Nhưng biết
làm sao đây? Khi một số nhà giáo dục có học vị tiến sĩ đã viết sách "dạy
kỹ năng sống cho học sinh lớp một" bằng trò xiếc đi chân trần trên mảnh
vỡ thủy tinh nói là để "rèn lòng tự tin", "vượt qua nỗi sợ hải của bản
thân" khiến phụ huynh phát khiếp... nhưng gần 10 năm sau Bộ Giáo Dục VN
mới biết nhờ sự tố giác trên internet...
Tuổi trẻ Việt Nam đã gào lên Việt Nam tôi đâu? Vì họ đang ly hương trên chinh đất nước mình.
Kính thưa quý khán, thính giả, đây là một đề tài nóng bỏng, cấp
thiết đối với hiện tình xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở quốc nội, mong
tất cả chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm và tìm hiểu thêm để có một định
hướng rõ ràng hơn về Dân Tộc Tính Việt Nam.
NGUYỄN CHÂU
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment