hính Sách Ngu Dân (bọn xâm lược luôn thích sử dụng)
Trích bài “Chính sách nô dịch về văn hóa của thực dân Pháp” của Trần Thanh Giang, đăng trên Tạp Chí Văn Hoá của Trường Đại học văn Hoá Hà Nội.
(GNA: Một bài viết khá thú vị nếu nhìn lại từ góc cạnh của xã hội ngày nay. GNA chỉ xin trích lại các đoạn cần phải suy ngẫm…)Về văn hoá, thực dân Pháp đã thi hành một chính sách đầu độc, ngu dân đồng thời truyền bá văn hoá và giáo dục của Pháp để phục vụ cho chính sách thuộc địa của mình. Mục đích của những chính sách đó là nhằm nô dịch tinh thần quần chúng, biến quần chúng thành những đám đông tự ti, khiếp nhược trước sức mạnh của văn minh đại Pháp, mất tin tưởng vào khả năng và tiền đồ của dân tộc, cắt đứt với mọi truyền thống tốt đẹp, phục vụ trung thành cho quyền lợi của đế quốc.
Hơn nữa, trong nội dung chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục này, thực dân Pháp đã loại trừ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thay vào đó là chương trình truyền bá “văn minh đại Pháp” nhằm đào tạo một thế hệ người Việt Nam “mất gốc”, không có tinh thần yêu nước và ý thức về số phận của người dân mất nước, nô lệ để từ đó phục vụ đắc lực cho công cuộc thống trị của thực dân.
Đi cùng với chính sách ngu dân, thực dân Pháp tăng cường thực hiện chính sách đầu độc, truỵ lạc hoá đối với người dân, đặc biệt là thanh niên với mọi thủ đoạn. Những thói hư tật xấu được chính quyền các cấp ra sức dung dưỡng. Nạn cờ bạc được khuyến khích bằng cách cho mở các sòng bạc để thu thuế. Ngoài những sòng bạc công khai có tính chất thường xuyên, tổ chức quy mô ở Chợ Lớn, Lạng Sơn, Móng Cái, Hà Giang, Lào Cai còn có nhiều sòng bạc kín được tổ chức ở các dịp chợ phiên, ở những vòng đua ngựa ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn…
Tệ uống rượu không bị hạn chế mà thậm chí nhân dân còn bị bắt phải uống một loại rượu nặng độ do hãng rượu độc quyền Phông ten sản xuất trên cả nước. Loại rượu này có nồng độ từ 40-45 độ và được nấu từ những loại gạo rẻ tiền rồi sau đó pha thêm chất hoá học. “Cứ 1.000 làng thì có đến 1.500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số 1.000 làng đó lại chỉ vẻn vẹn 10 trường học… Hàng năm người ta cũng đã tặng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn bà và trẻ con”(3).
Nạn mại dâm cũng được thực dân Pháp dung túng và trở nên phổ biến ở các thành phố lớn… Ở nông thôn và miền núi, các hủ tục về ma chay cưới xin còn tồn tại, nạn bói toán, đồng bóng, mê tín dị đoan ngày càng nặng nề.
Bên cạnh đó, thực dân Pháp đã lợi dụng vũ khí báo chí để tuyên truyền cho các chính sách “khai hoá”, thống trị của chúng tại Việt Nam. Chúng đã cấp phép cho nhiều tờ báo được xuất bản. Qua báo chí, thực dân Pháp đã chuyển một hệ thống tư tưởng nô dịch, văn hoá duy tâm thấm sâu vào xã hội Việt Nam; cổ động cho chủ nghĩa “Pháp Việt đề huề”; tuyên truyền cho việc thu “thuế máu” đối với nhân dân, khuyến khích nhân dân gia nhập quân đội Pháp làm bia đỡ đạn…
Rõ ràng, song song với công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã thực hiện những chính sách nô dịch về văn hoá hết sức phản động hòng xô đẩy nhân dân vào vòng ngu dốt, thất học; truỵ lạc về thể xác, bạc nhược về tinh thần. Những truyền thống tốt đẹp, tinh hoa văn hoá dân tộc bị kìm hãm. Nền văn hoá dân tộc đã bị chà đạp một cách thô bạo.
Trần Thanh Giang
0 comments:
Post a Comment