Ngoài các ấn phẩm, người ta cũng lên tiếng nhiều về đồ chơi. Rồi phim ảnh, băng hình, đĩa nhạc, các chương trình chơi game. Bạo lực quá, nhố nhăng quá. Thị hiếu văn hoá của bọn trẻ thời bây giờ, kinh tế thị trường, sao mà kém cỏi đến thế so với "thời chúng tôi" gian khổ, thiếu thốn, bi đáo khăng xèng. Đề nghị trên cấp tốc cho định hướng. Đề nghị trên kịp thời uốn nắn. Vân vân.
Đều là những ý kiến không thể đúng hơn, song vì là bình cũ rượu cũ lặp đi lặp lại nên các luận bàn luân lý kể trên càng năm càng có vẻ bị nhàm đi, càng có vẻ là những “bức xúc” hời hợt, thậm chí có vẻ giả giả thế nào. Với lại kẻ cả nữa.
Ở ta chừng như đã thành truyền thống rồi cái đức lo xa hộ cho phần hồn của người khác. Lo độc giả không biết chọn sách đúng đắn mà đọc. Lo thính giả không biết thưởng thức âm nhạc một cách nghiêm túc. Lo khán giả không biết phân biệt phim hay phim dở. Đã thành truyền thống, bởi không phải bây giờ mới thế.
Kể cũng buồn cười, những năm 60 thế kỷ trước, cả một lớp thanh niên ưu tú, được nuôi dưỡng bằng lý tưởng chính trị cao đẹp, được học hành tử tế, có trình độ văn hoá và nhận thức xã hội đủ để đảm đương trọng trách lịch sử là đập tan siêu cường xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ấy vậy mà lớp thanh niên bản lĩnh cứng cáp đó vẫn cứ phải được quản lý về phẩm hạnh, lắm khi bằng những cách thức cùng khuôn mẫu cũ kỹ và vớ vẩn nhất, và cứ phải luôn luôn chịu sự đôn đốc, xét nét về dủ thứ ngõ ngách trong đời sống cá nhân. Quần thế nào, áo thế nào, mũ nón dép guốc, tóc tai thế nào, đọc những gì, xem những gì, yêu đương ra sao, kết bạn thế nào, thanh niên nam nữ cứ bị buộc phải khuôn theo những thiên kiến đầy chủ quan và hình thức chủ nghĩa. Tất nhiên là không đời nào tuổi trẻ lại muốn như vậy, nhưng không chấp nhận thì bị “cưỡng chế". Cạo tóc, xẻ áo, rọc quần ngay trước cổng trường hoặc trên dọc phố. Rồi thì kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, đủ vành đủ vẻ.
Những năm 70, cờ đỏ thẳng tay trị quần ống bó, sang tới thập niên 80 thì ngược lại, quần loe là thứ cần phải quyết liệt xử lý. Độ rộng hẹp của ống quần gấu áo đã trở thành gần như là thước đo về tư cách và thậm chí cả về lập trường quan điểm của một con người.
Đội mũ sùm sụp, hút thuốc thả khói mù mịt phòng họp thì vô tư, nhưng đánh chút phấn, xịt tý nước hoa rất có thể trở thành duyên do để gặp đủ điều rắc rối. Còn như áo hở cổ, lộ vai, váy xẻ, quần lửng thì thật sự là chuyện tày dình, không thể nghĩ tới.
May mắn thay là những sự kỳ khôi như vậy đã qua rồi. Bây giờ nhìn lại chúng ta thấy rằng chuyện ấy âu cũng là điều ấu trĩ khó tránh của một thời gian khổ, nên thể tất và nên quên đi. Nhưng chính vì vậy mà những ai đã phải trải qua thời tuổi trẻ học trò bị gò bó ấy càng nên tránh xa cái thái độ và ý định áp đặt khuôn mẫu của mình và thời mình lên tâm hồn và tư duy của thế hệ con em mình.
Quan niệm thẩm mỹ chẳng hạn, cho dù của bạn có là đúng đắn cực kỳ, nhưng nếu bạn tự cho phép tôn nó lên làm tiêu chí và lề luật cho muôn dân thì lại thành ra là những nhiễu sự rỗi hơi, tầm phào, vừa vô ích vừa vô nghĩa.
Ngẫm lại thời tuổi trẻ của mình mấy ai không thấy đó là những tháng năm đẹp đẽ nhất, hạnh phúc và sung sướng nhất. Vì vậy con người ta thường có xu hướng cho rằng thế hệ mình hay ho hơn hẳn những lứa hậu sinh. Đặc biệt là những người ở tuổi trên dưới 50 hiện nay càng dễ có lối hoài niệm đầy tự đắc ấy. Nhưng thực ra, bên cạnh vô vàn những kỷ niệm tươi sáng lưu giữ lâu bền trong ký ức thì trong thời niên thiếu của họ cũng có vô khối những sự đáng chán mà hoặc là họ đều đã cố sức quên đi hoặc là do năm tháng nên đã tự động phai mờ.
Nói riêng về sự đọc, về chuyện học hành văn chương chữ nghĩa trong thời niên thiếu của các bậc trung niên, cao niên thời nay thì có thật đúng là hơn hẳn so với tuổi nhỏ ngày nay không?
Nếu bảo rằng đúng, văn chương chữ nghĩa dành cho trẻ em thời đó văn chương hơn, đậm tính dân tộc hơn, mạnh mẽ tính giáo dục hơn thời nay, thì biết giải thích thế nào đây về thực trạng văn chương rõ ràng là còn đầy những “bất cập” cả ở giới viết văn lẫn giới độc giả? Giải thích thế nào về thực trạng sách vở văn chương học đường thời nay được soạn bởi những vị hiển nhiên là đã trải qua thời niên thiếu vào những năm 1960, 1970 tuyệt vời kia. Nói rộng ra là biết giải thích thế nào về bức tranh văn hoá thời nay? Chẳng hạn, hồi nhỏ học hành thế nào, sách vở đọc thế nào mà ngày nay chúng ta tàn phá thiên nhiên khủng khiếp làm vậy? Làm sao lại tiến hành bê tông hoá làng quê đồng lúa do cha ông chúng ta để lại một cách thiếu "tính dân tộc" như thế? Làm sao chúng ta lại đột ngột trở nên tham lam quá độ thế này? Làm sao lại để tràn ngập lối sống phũ phàng trọng tài khinh nghĩa, người với người lạnh như tiền và chỉ vì tiền như thế này?
Sự thực thì không ai có lỗi cả đối với những yếu kém, bất cập, xuống cấp trong đời sống văn hoá hiện nay. Chúng ta đã qua một thời niên thiếu, một thời tuổi trẻ như thế nào, đã học gì, đọc gì, xem gì trong những năm ấy, thì ngày nay chúng ta là như thế, chẳng hay hơn, chẳng kém hơn ai. Chúng ta chấp nhận thực trạng số phận, thực trạng tri thức, thực trạng cách nghĩ và thực trạng tâm hồn mình. Chẳng nên hoài công thay đổi nếp sống văn hoá đã đinh hình chắc như danh đóng cột đối với chúng ta. Có điều cũng đừng buộc thế hệ sau phải tuyệt đối noi gương văn hoá của chúng ta. Trái lại nên cố gắng tránh cho hình ảnh của chúng ta phản chiếu quá nhiều ở đời sống của con em mình.
Cho dù có xốn con mắt, cho dù cảm thấy bực bõ, chúng ta cũng cứ nên để cho các cháu, các em được trải qua thời niên thiếu theo ý của chúng và thời đại của chúng. Những gì thái quá, những gì quá tệ, lứa sau sẽ tự có cách từ bỏ hợp với thời của mình.
0 comments:
Post a Comment