…Loại
bỏ chế độ độc tài gia tộc này đòi hỏi một kết hợp lớn chung quanh một
dự án chính trị bao dung và trong sáng, có chỗ đứng cho mọi người và cho
mỗi người, mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vừa phổ biến.
Trước
kỳ họp Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 năm 2016, báo chí
trong và ngoài nước không ngừng bình luận những gương mặt lãnh đạo trẻ
đang lên dự kiến sẽ được vào Ban Chấp hành trung ương, và trong tương
lai sẽ có mặt trong Bộ Chính trị. Điểm qua những khuôn mặt đó, đại đa số
là con cháu của những cấp lãnh đạo đảng cộng sản đang trị vị. Điều này
cho thấy, trong Đại hội Đảng 12 năm 2016, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản
Việt Nam chuẩn bị chuyển giao một cách có hệ thống quyền lực cho con
cháu để tiếp tục duy trì độc quyền cai trị đất nước.
Có
hệ thống vì sự chuyển giao được diễn ra theo từng cấp độ, từ trung ương
đến địa phương. Sự phân chia quyền lợi tuy không công khai nhưng mỗi
cán bộ đảng viên phải tự biết chỗ đứng của mình ở đâu và tìm mọi cách để
củng cố nó. Số phận đã được an bài : lãnh đạo ở cấp và lãnh vực nào thì
đưa con cái vào cấp và ãnh vực đó, lãnh đạo chính quyền và kinh tế quốc
dân thì đưa con cái vào chính quyền và các cơ sở kinh tế quốc dân, lãnh
đạo quân đội và công an thì đưa con cái vào quân đội và công an. Đối
với người cộng sản, có quyền là có tiền, mất quyền là mất tiền, do đó
mỗi đảng viên tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình con hơn hổ đói bảo vệ
miếng ăn. Không một cán bộ đảng viên nào muốn mất hay giảm những quyền
lợi đang có, tất cả đều sẵn sàng tiêu diệt những ai đe dọa chỗ đứng và
quyền lợi của họ dưới tên gọi "những thế lực thù địch". Kiến thức và sự
trẻ trung của những thành phần lãnh đạo mới chỉ là cái vỏ bề ngoài che
giấu một quyết tâm hung dữ để bảo vệ quyền lợi riêng, lý tưởng quốc gia,
dân tộc chỉ còn là những khẩu hiệu rỗng để vuốt ve tự hào dân tộc của
đám đông.
Ở
cấp trung ương, con cháu các cấp lãnh đạo trong Ban chấp hành trung
ương được đưa vào lãnh đạo các cơ quan cấp trung ương, từ kinh tế, chính
trị đến công an và quân đội. Sự xếp đặt này tuân theo vai vế của những
cấp lãnh đạo đương quyền ở cấp trung ương. Không ai có thể tự quyền
"nhảy ngang" hay "nhảy lớp", nghĩa là cha mẹ nắm giữ chức vụ lãnh đạo
lãnh vực nào thì con cháu được đưa vào lãnh vực đó, trong chính quyền
cũng như trong quân đội và công an.
Một
thí dụ ở cấp trung ương. Trước đây dư luận từng biết đến ông Nguyễn Bá
Thanh, một nhân vật đang lên ở cấp Thành phố, nghĩa là khá cao nhưng
chưa thể sánh ngang với Bộ Chính trị. Nếu ông Nguyễn Bá Thanh hài lòng
với chức vụ Bí thư thành ủy Thành phố Đà Nẵng thì cuộc đời của ông chắc
sẽ rất hạnh thông, nhưng từ khi ông để lộ tham vọng muốn vào Bộ Chính
trị và giành quyền lãnh đạo sau đó, tự nhiên ông mắc bệnh nặng và đột tử
liền sau đó. Tương lai của ông Nguyễn Bá Cảnh, trưởng nam của ông
Nguyễn Bá Thanh, vừa được đưa vào Ban chấp hành thành ủy Đà Nẵng hồi
tháng 8/2014, do đó cũng rất bấp bênh. Ngược lại, những người con của
đương kim Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng chỉ có thể thăng tiến và nắm giữ
những chức vụ cấp cao để sau đó và Ban chấp hành trung ương đảng : ông
Nguyễn Thành Nghị là Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, Nguyễn Minh Triết vừa
được vào Ban chấp hành tỉnh Bình Định để nắm chức Bí thư đảng ủy trong
một tương lai gần. Con gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Nguyện
Thanh Phương, hiện là cấp lãnh đạo cao cấp của những quỹ (funds) tài
chánh lớn nhất quốc gia.
Ở
cấp địa phương cũng thế, con cháu các lãnh đạo xã, huyện, quận, phường
nào thì được từng bước đưa vào nắm giữ những chức vụ quan trọng ở cấp mà
cha mẹ hiện đang giữ tại địa phương, từ các ban chấp hành đảng bộ cấp
chính quyền đến sở, ty để sau đó thay thế cha mẹ khi đã về hưu. Nói
chung, con quan sẽ tiếp tục làm quan, dù là quan nhỏ.
Một
thí dụ về cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện ở Mỹ Đức (Hà Nội) gần
đây ã được báo chí trong nước làm chuyện, nhưng rồi cũng sẽ vào đấy vì
đó là một qui ước bất thành văn trong Đảng Cộng sản Việt Nam để duy trì
ổn định nội bộ.
Những
dẫn chứng trên cho thấy một điều : những người đứng bên ngoài đảng cộng
sản sẽ không bao giờ có vai trò và quyền lợi trong chế độ gia tộc hiện
nay. Loại bỏ chế độ độc tài gia tộc này đòi hỏi một kết hợp lớn chung
quanh một dự án chính trị bao dung và trong sáng, có chỗ đứng cho mọi
người và cho mỗi người, mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vừa phổ biến.
Để
minh họa cuộc chuyển giao quyền lực cho con cháu trong các chế độ độc
tài cộng sản Châu Á, kính mời đọc giả tham chiếu những bài viết đã được
đăng tải trên mạng trước đây.
***********************
Một hiện tượng nổi bật tại Châu Á : Con thứ của Hun Sen làm sếp quân báo (BBC, 23/10/2015)
Ông Hun Manith (áo trắng) năm nay 34 tuổi và mang hàm chuẩn tướng
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa bổ nhiệm con trai thứ của mình, Hun Manith, vào vị trí phụ trách tình báo quân đội.
Truyền
thông Campuchia đưa tin một chỉ thị do chính ông Hun Sen ký từ cuối
tháng Chín nhưng tới nay mới được công bố, viết rằng ông Hun Manith sẽ
thay Phó Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia Chea Dara đảm nhận
trách nhiệm này.
Đây là vị trí được cho là đầy quyền lực trong quân đội Campuchia.
Tướng Dara đã đứng đầu ngành quân báo từ năm 2012, cũng lúc đó ông Hun Manith được phong làm phó.
Năm
nay 34 tuổi, ông Hun Manith đang đeo hàm chuẩn tướng. Ông được phong
tướng năm 2013, cùng năm với việc người anh. Hun Manet, được phong
trung tướng ở tuổi 35.
Cũng giống như anh trai là Hun Manet và em trai Hun Many, ông Hun Manith được đào tạo về quân sự bài bản ở nước ngoài.
Theo
một điện tín từ Đại sứ quán Mỹ rò rỉ trên WikiLeaks, năm 2009, ông
được chọn đi tập huấn về chống khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu An
ninh Châu Âu mang tên George C Marshall.
Củng cố quyền lực
Con
cả của Hun Sen, Hun Manet, tốt nghiệp Học viện Quân sự danh tiếng
West Point ở Hoa Kỳ năm 1999. Nay ông này chỉ huy lực lượng chống khủng
bố của Campuchia và được cho là có triển vọng nối bước cha.
Người con út của Hun Sen, Hun Many, năm nay 33 tuổi, cũng đi theo nghiệp chính trị với vị trí dân biểu tỉnh Kampong Speu.
Cả ba người con của Hun Sen đều là thành viên cao cấp của đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền
Đảng này lãnh đạo Campuchia từ năm 1979 nhưng bị cho là đang ngày càng giảm sút uy tín.
Việc bổ nhiệm con cái của Hun Sen được giới quan sát đánh giá là có mục đích làm mới hình ảnh ban lãnh đạo đảng.
Thế nhưng dĩ nhiên nó cũng hướng mũi dùi dư luận vào ông thủ tướng, vốn bị chỉ trích là tham quyền cố vị và nâng đỡ con cái.
Ông
Hun Sen, 63 tuổi, và vợ là Bun Rany, có sáu con, một người chết sớm
còn năm là các con trai Hun Manet, Hun Manith, Hun Many ; hai con gái là
Hun Mana và Hun Mali.
Nguồn : BBC, 23/10/2015
****************************
Gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thắng lớn ở bầu cử đảng cấp tỉnh (Bình luận án, 19/10/2015)
Ông
Nguyễn Thanh Nghị, con trai trưởng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa
được bầu làm bí thư tỉnh Kiên Giang ngày 16/10/2015 ở tuổi 39.
BLA :
Bài viết này hoàn toàn không có mục đích, lại càng không có hàm ý khen,
nịnh gì gia đình ông thủ tướng cả. Mà chỉ nêu lên một hiện tượng có
thật và bất thường, và muốn lưu ý tới lương tâm và trách nhiệm của những
người đã bỏ phiếu bầu cho các con của thủ tướng.
Gia
đình đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có được chiến thắng vang
dội trong vòng bầu cử cấp tỉnh ở các Đại hội đảng bộ. Với kết quả này,
gia đình thủ tướng đã đi vào lịch sử chính trị Việt Nam (trong thời kỳ
Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản
Việt Nam) như là một gia đình thành công và có tầm ảnh hưởng mạnh nhất
từ trước tới nay. Thậm chí nhiều người tin rằng gia đình này sẽ còn
thành công hơn nữa trong năm 2016 - khi Đại hội đảng lần thứ 12 của Đảng
cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra.
Thật vậy, ngày 16/10/2015, chỉ trong một ngày gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tiếp nhận được tin vui.
Tại
Kiên Giang, con trai trưởng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn
Thanh Nghị, được đảng bộ tỉnh Kiên Giang tín nhiệm, bầu tuyệt đối vào
chức vụ bí thư tỉnh ủy. Với chiến thắng này, ông Nguyễn Thanh Nghị đã
lập một kỷ lục : trở thành bí thư tỉnh ủy trẻ nhất Việt Nam, khi mới 39
tuổi.
Trước
khi được bầu làm bí thư, ông Nghị đã có những thăng tiến vượt bậc về
mặt chức vụ, thể hiện tài năng vượt bậc. Cụ thể cuối năm 2011, ông nhậm
chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi mới 35 tuổi, và cũng giành luôn kỷ lục
là Thứ trưởng trẻ nhất Việt Nam. Đến đầu năm 2014, ông Nghị được điều
động về làm phó bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Trong
khi đó, em trai ông Nghị là ông Nguyễn Minh Triết cũng vừa được tái bầu
vào ban chấp hành đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Nguyễn
Minh Triết cũng chỉ mới 27 tuổi, rất rất trẻ.
Điều
đáng lưu ý là chiến thắng của hai người con của thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng không phải là do cấp trên bổ xuống, mà là do chính đảng bộ tại các
địa phương bầu lên. Như vậy, cả hai ông phải có tầm ảnh hưởng và uy tín,
tài năng thật sự thì mới được phiếu bầu cao. Vì các đảng viên kỳ cựu ở
các địa phương vốn là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, lại
đã được quán triệt về tiêu chí bầu cử trước đó, không dễ gì bị ảnh hưởng
từ yếu tố bên ngoài. Hơn nữa các đảng viên hiển nhiên phải biết mình có
trách nhiệm trước đảng và người dân, khi bỏ lá phiếu của mình.
Với
kết quả như trên, có thể thấy ngoài sự thành công về phương diện đảng
và chức vụ, cũng cho thấy tầm ảnh hưởng về mặt uy tín chính trị của gia
đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là rất mạnh mẽ và rộng khắp từ bắc chí
nam trong nội bộ đảng.
Cụ
thể thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngoài việc là thủ tướng, nắm quyền điều
hành hoạt động hành chính trên cả nước, ông còn là đại biểu Quốc Hội của
thành phố Hải Phòng, một cảng lớn và có vị trí thiết yếu quan trọng ở
miền Bắc.
Ông
Nguyễn Minh Triết ở Bình Định, là một tỉnh miền trung "khúc ruột" của
Việt Nam. Vị trí xung yếu thông thương với Lào, Campuchia qua đường Tây
nguyên.
Ông
Nguyễn Thanh Nghị ở Kiên Giang, địa bàn cực nam Việt Nam, giáp ranh
Campuchia và đặc biệt có đảo Phú Quốc đang sắp trở thành một đặc khu về
kinh tế.
Thành
tích, truyền thống vẻ vang và tầm ảnh hưởng của gia đình thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn khiến nhiều đảng viên kỳ cựu phải thán phục,
ngưỡng mộ. Vì trong lịch sử chính trị hiện đại Việt Nam, chưa có gia
đình nào có được sự thành công như vậy.
Năm
2016 tới đây sẽ là một năm bản lề quan trọng trong đời sống chính trị
của Việt Nam, khi Đại hội đảng lần thứ 12 sẽ được tiến hành, với việc
bầu ra những nhân sự chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo đảng (Bộ chính trị).
Và tiếp đó những người chiến thắng sẽ còn được tiếp tục được đảng cử ra
Quốc Hội để bầu vào những chức vụ quan trọng nhất trog bộ máy Nhà nước.
Chính
vì vậy, chiến thắng của gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở đại hội
đảng cấp tỉnh mới đây, rõ ràng đã cho thấy một tương lai sáng chói cho
gia đình thủ tướng. Dư luận thậm chí còn nghĩ rằng thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng sẽ trở thành tân tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam.
Cát Hiệp
Nguồn : Bình luận án, 16/10/2015 (dandensg.blogspot.fr)
***************************
Con ông Bá Thanh vào Thành ủy Đà Nẵng (BBC, 02/08/2014)
Ông Cảnh được đưa từ Thành đoàn sang Thành ủy chỉ trong vòng một năm rưỡi
Ông Nguyễn Bá Cảnh vừa được bổ nhiệm vào Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng, báo trong nước đưa tin.
Ông
Cảnh là con trai cả của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung
ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (cho đến tháng 2/2013).
Ở tuổi 31, ông Cảnh là người trẻ tuổi nhất trong số các cán bộ Đà Nẵng vừa được bổ nhiệm vào Thành ủy.
Ba
cán bộ khác của Đà Nẵng được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban chấp
hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 - 2015 bao gồm các ông Ngô
Xuân Thắng, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân, ông Lê Quang Nam,
Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ
Hành Sơn.
Hồi
tháng Hai năm ngoái, Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị bất thường
của ban chấp hành và bầu ông Cảnh, lúc đó là Phó bí thư thường trực, lên
làm Bí thư Thành đoàn với 100% số phiếu.
Không phải duy nhất
Ông
Cảnh được đưa vào thành đoàn để thay thế ông Lương Nguyễn Minh Triết,
trước đó được điều động giữ chức bí thư Quận ủy Liên Chiểu thay cho ông
Phan Văn Tâm, người đã chuyển lên làm việc tại Ban Nội chính Trung
ương.
Được biết, ông có trình độ thạc sĩ ngành quản lý công, cao cấp chính trị.
Ông
Nguyễn Bá Cảnh không phải là người duy nhất trong số con cái các lãnh
đạo cao cấp của Việt Nam đi lên theo con đường cán bộ Đoàn.
Con trai út Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm ngoái cũng từ Anh trở về nước 'làm cán bộ Đoàn cơ sở'.
Thạc
sĩ Nguyễn Minh Triết, 24 tuổi, về Việt Nam sau khi du học bảy năm, chủ
yếu tại Đại học Queen Mary, London, chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không
và Chế tạo máy.
Mới đây, ông Triết được điều động làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên của Tỉnh đoàn tỉnh Bình Định trong nhiệm kỳ từ 2013-2017.
Ông
có anh trai là ông Nguyễn Thanh Nghị, 35 tuổi, nguyên Thứ trưởng bộ
Xây dựng ; và chị gái là bà Nguyễn Thanh Phượng, 32 tuổi, thành viên
Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bản Việt, người được biết đến khá nhiều
trong giới thương nhân trên lĩnh vực kinh tài ở Việt Nam.
**********************
Xã "gia đình trị" : Bí thư huyện coi là... chuyện bình thường (Soha.vn, 04/09/2013)
Khi
được hỏi về cơ cấu chính quyền xã "bất thường" với các vị trí chủ chốt
trong UBND xã đều là họ hàng của ông Dương Đình Sáu, bí thư huyện cho đó
là chuyện tất yếu ! ?
Trước
đó, trong nội dung đơn thư tố cáo, nhiều người dân xã Thành Công đã bày
tỏ bức xúc trước việc Bí thư Đảng ủy xã Thành Công là ông Dương Đình
Sáu trong quá trình làm cán bộ lãnh đạo xã đã "không công tâm", "không
dân chủ", "kéo bè kéo cánh" và "biến" bộ máy chính quyền xã Thành Công
thành cơ cấu mô hình "gia đình trị" với hàng loạt vị trí lãnh đạo chủ
chốt trong UBND xã đều là anh em, con cháu, họ hàng của mình.
Ngoài
ra, bản thân ông Sáu cũng đã từng giữ chức Chủ tịch UBND xã Thành Công
hơn chục năm trước khi chuyển sang làm… Bí thư Đảng ủy xã.
Trao
đổi với chúng tôi về cơ cấu chính quyền xã "bất thường" này, ông Nguyễn
Văn Khoa - Bí thư Huyện ủy Phổ Yên (Thái Nguyên) cho hay là "biết rất
rõ" vụ việc trên nhưng lại khẳng định "đó là điều tất yếu".
Ông Khoa nói : "Cán
bộ trong xã đó (tức xã Thành Công - PV) chúng tôi biết rất rõ. Ngoài
trường hợp anh Chức là con trai ruột ông Sáu làm địa chính xã, còn có em
trai ruột ông Sáu làm Phó chủ tịch UBND xã, cháu ông Sáu làm Trưởng
công an xã, rồi thì em họ ông Sáu cũng làm Phó chủ tịch xã, em họ bên vợ
làm Chủ tịch UBND xã… Đó cũng là điều tất yếu. Vì tất cả đều gọi ông ấy
(ông Dương Đình Sáu - PV) bằng "ông" mà lại" ( ! ?)
"Khi
nào tôi sẽ cho Trưởng phòng Nội vụ huyện thông tin cụ thể về vấn đề
này. Việc ấy là chuyện bình thường, không có vấn đề gì đâu", ông Khoa khẳng định.
Người dân xã Thành Công rất bức xúc trước việc Bí thư Đảng ủy xã "mắng" dân "ngu và bố láo".
Về việc cho rằng đó là "chuyện bình thường", ông Khoa giải thích : "Toàn
bộ xã đó (xã Thành Công - PV) là dòng họ nhà ông Dương Đình Sáu nên
toàn bộ cán bộ UBND xã Thành Công cũng là người của ông Sáu hết. Ngay cả
người dân tộc thì vẫn có người bên ngoại nhà ông ấy. Thế nên mới có
việc cả xã, cả xóm là họ hàng nhà ông Sáu và anh em nhà ông ấy làm cán
bộ ở UBND xã là… điều tất yếu".
Liên
quan đến việc ông Dương Đình Sáu làm Bí thư Đảng ủy xã nhưng con trai
ông Sáu là ông Dương Văn Chức lại phụ trách địa chính xã, vi phạm Nghị
định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2004/TT-BNV của Bộ
Nội vụ, ông Khoa cũng cho rằng đây là "chuyện bình thường". Ông Khoa lý
giải : "Ông ấy (ông Dương Đình Sáu - PV) làm Bí thư xã chứ có làm
Chủ tịch UBND xã đâu, còn con ông ấy (tức ông Chức) làm địa chính xã thì
là do Chủ tịch UBND xã trực tiếp quản lý, điều hành, mà Chủ tịch UBND
xã với con ông ấy thì… có quan hệ gì đâu".
"Vụ việc này là bình thường, không sao đâu", ông Khoa tái khẳng định.
Như Luật sư Phạm Tiến Quyển (Công ty Luật Quỳnh Như, Bắc Ninh) đã phân tích : "Trong
vụ việc trên, phía UBND xã Thành Công rõ ràng đã 'có vấn đề', đã vi
phạm nghiêm trọng về mặt cơ cấu cán bộ, nhân sự. Cụ thể, ở đây đã vi
phạm Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư
03/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ".
Tại
Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực
từ ngày 10/10 /2003) về Cán bộ, công chức, xã, phường, thị trấn quy
định rất rõ : Bí thư đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân,
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân không được bố trí vợ hoặc chồng,
bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình vào làm công việc : Tài chính -
Kế toán, Địa chính - Xây dựng.
Ngoài
ra, tại Thông tư số 03/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ (có hiệu lực từ ngày
16/1/2004) cũng quy định rất rõ : Những người được bầu giữ chức vụ Bí
thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân tại đơn vị mà vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh,
chị, em ruột của mình đang làm công việc Tài chính, kế toán, Địa chính -
Xây dựng thì Uỷ ban nhân dân cấp xã báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện
có kế hoạch bố trí lại công chức nói trên tại xã, hoặc điều động tới làm
việc ở đơn vị khác trong thời gian chậm nhất là 06 tháng kể từ khi giữ
chức vụ bầu cử"
Qua
phản ánh của người dân và qua tìm hiểu thực tế được biết : Hiện nay,
trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo của UBND xã Thành Công đang tồn tại điều
"bất thường" khi bộ máy lãnh đạo xã đều là "người một nhà" theo kiểu
"gia đình trị". Cụ thể :
Ông Dương Đình Sáu : Bí thư Đảng ủy xã.
Ông Nguyễn Đức Thịnh (em bên vợ ông Sáu) : Chủ tịch UBND xã.
Ông Dương Văn Bảy (em trai ruột ông Sáu) : Phó chủ tịch UBND xã.
Ông Dương Văn Tuyên (em họ ông Sáu) : Phó chủ tịch UBND xã.
Ông Dương Văn Chức (con trai ông Sáu) : cán bộ phụ trách địa chính xã.
Ông Dương Văn Liêm (cháu ông Sáu) : Trưởng công an xã.
Tuy
nhiên, điều đáng nói là cơ cấu bộ máy "lạ lùng" trên đã được người dân
phản ánh và các cơ quan chức năng của huyện Phổ Yên cũng đã "biết rất
rõ" nhưng không hề có bất kì động thái can thiệp gì, thậm chí còn coi đó
là "chuyện bình thường", "điều tất yếu".
Tuấn Linh
Theo Trí Thức Trẻ
***************************
Chuyện xưa chuyện nay : Triều Tiên (Pháp Luật Online, 10/02/2013)
Tại sao Bắc Triều Tiên là một nước xã hội chủ nghĩa, tại sao người lãnh đạo lại "cha truyền con nối" ?
Gia đình họ Kim tại Bắc Triều Tiên : Kim Il-sung, Kim Jong-il và Kim Jong-un
[…]
Theo hiểu biết của tôi qua tài liệu sách vở tham khảo, các nước xã hội
chủ nghĩa tuy cũng theo chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng mỗi nước có màu sắc
riêng, như ở Trung Quốc thì chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc,
cũng như Triều Tiên thì chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Triều Tiên…
Theo
sách Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên trong thập niên đầu thế kỷ
XXI của tác giả Phạm Quý Long (Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học
xã hội Việt Nam) thì : "Có thể nói, thể chế chính trị của Cộng hòa Dân
chủ nhân dân Triều Tiên được coi là một ví dụ điển hình về chế độ gia
đình trị. Hệ thống chính trị nước này dưới sự lãnh đạo của cố Chủ tịch
Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) trong suốt 40 năm từ khi nước Cộng hòa Dân
chủ nhân dân Triều Tiên được thành lập cho đến khi ông qua đời ở tuổi
83, vào tháng 7-1994. Sau đó, quyền lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội
đã được trao cho con trai ông là Kim Jong Il (Kim Chính Nhật)… Trên thực
tế, thể chế chính trị ấy thể hiện quan điểm của Cộng hòa Dân chủ nhân
dân Triều Tiên thực hiện việc xây dựng đất nước theo "chế độ xã hội chủ
nghĩa kiểu Triều Tiên" do đảng Lao động Triều Tiên lãnh đạo, lấy tư
tưởng "Chủ thể (Juche)" của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành làm kim chỉ nam
cho mọi hoạt động của đời sống quốc gia" (Sđd, Nxb. Tự điển bách khoa,
Hà Nội, 2009, trang 115-116).
Theo
chế độ đó, ở Triều Tiên, Kim Nhật Thành được gọi là "Lãnh tụ vĩ đại" ;
năm 1998 được Quốc hội tôn là "Chủ tịch nước vĩnh viễn" và ghi vào Lời
nói đầu của hiến pháp. Ngày 17/12/1911, "Lãnh tụ kính yêu" Kim Jong-il
qua đời, thì con của ông là Kim Jong-un (Kim Chính Ân) lên kế vị ở vị
trí "người kế thừa vĩ đại", lãnh đạo tối cao của nước Cộng hòa Dân chủ
nhân dân Triều Tiên, Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch
Ủy ban Quốc phòng quốc gia Triều Tiên. Tháng 7/2012, Kim Jong-un được
phong quân hàm Nguyên soái là cấp bậc cao nhất trong quân đội Triều Tiên
hiện nay, dù trước đó ông này chưa ở trong quân đội ngày nào…
Anh Phó
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 185)
***********************
Từ hạt giống đỏ đến gia đình trị ? (BBC, 20/01/2011)
Chỉ còn vài ngày nữa (3/2), Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, với hơn 3,6 triệu đảng viên sẽ kỷ niệm 81 năm thành lập.
Cái
lạnh giá chết trâu chết bò từ Phương Bắc tràn về không làm cho câu
chuyện về Đại Hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam bớt
nóng.
Từ
Đại Hội tới Đại Hội, thành công lại tiếp tục thành công. Những cụm từ
mà khi chưa tổ chức người ta đã sử dụng và biết chắc chắn rằng nó sẽ
được nói ra khi Đại Hội kết thúc.
Trong
cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi kết thúc Đại Hội (ngày 19/1), tân
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nói với các phóng viên trong nước và quốc
tế rằng Đại Hội đã thành công rực rỡ. Có một vài trục trặc nhỏ nhưng
không đáng kể.
Ông
Trọng không nhắc đến cụ thể sự trục trặc đó là cái gì nhưng có thể hiểu
một trong số đó là danh sách đề cử mà Trung Ương Đảng Cộng sản
Việt Nam khóa X trình Đại Hội đã có 7 trường hợp không được bầu. Trong
đó đáng chú ý nhất là trường hợp của Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại
Giao Phạm Gia Khiêm cùng với một số vị bộ trưởng khác.
Bí mật thông tin
Người
dân không được biết các thông tin và câu chuyện nội bộ của Đại Hội. Các
nhà báo theo dõi cũng vô cùng ít thông tin về các cuộc họp bên trong.
Vì thế thông tin ông Trọng đưa ra về việc danh sách Trung Ương trình đã
bị Đại Hội thay đổi làm cho người nghe cảm thấy vui vui và có những ý
nghĩ lạc quan về không khí dân chủ của Đại Hội.
Nhiều
người còn nghĩ đến một tương lai dân chủ hơn ngoài xã hội. Nhiều đại
biểu có học thức, có chính kiến riêng và việc họ làm không phải hoàn
toàn theo ý kiến chỉ đạo trước.
Tuy
nhiên, chuyện những người không trúng cử rồi sẽ qua đi. Nhiều vị sẽ
nghỉ hưu và sẽ không còn ảnh hưởng gì đến nền chính trị Việt Nam trong
tương lai. Nhưng điều sẽ còn lại và quyết định việc đưa con thuyền
Việt Nam đến bến bờ nào là danh sách của những người tái cử và những
người trúng cử.
Đại
Hội đã bầu được 200 người vào Ban Chấp Hành Trung Ương. 200 con người
được gọi là hiền tài của đất nước ấy là những ai ? Già trẻ ra sao ? Họ
đến từ những nơi nào ? Đại diện cho thành phần xã hội nào ?
Đảng
của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thì đại diện của họ trong
Trung Ương là những ai ? Có bao nhiêu người xuất thân từ lao động ?...
Và nhiều câu hỏi nữa mà người dân Việt Nam với dân số gần 90 triệu
người rất muốn biết nhưng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để biết.
Câu hỏi không có trả lời
Ngay
như Bộ Trưởng Xây Dựng Nguyễn Hồng Quân cũng không hề biết được người
vừa trúng cử ủy viên dự khuyết ngồi cạnh mình, ông Trần Sỹ Thanh, Phó
Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk là ai thì nói gì đến các đại biểu khác hay dân
thường ngoài xã hội ?
Ông
Trần Sỹ Thanh, sinh năm 1972, là Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk. Trước khi
được bầu giữ chức Phó Bí Thư cuối năm 2010 vừa rồi, ông làm Phó Tổng
Giám Đốc Kho Bạc Nhà Nước Việt Nam và luân chuyển vào giữ chức Phó Chủ
Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đắk Lắk, một địa bàn kinh tế chính trị giàu có
quan trọng ở Tây Nguyên. Ông là cháu ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy Viên Bộ
Chính Trị, Phó Thủ Tướng Chính Phủ, người vừa tái cử thêm một nhiệm kỳ
nữa và nghe đồn sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ Tịch Quốc Hội
vào tháng 7 tới.
Trường
hợp ông Trần Sỹ Thanh có thể ít người biết đến nhưng ba trường hợp nổi
bật khác cũng trúng vào Trung ương lần này, hay ba ‘hoàng tử đỏ" khác,
thì khá là nổi tiếng.
Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX và X Nông Đức Mạnh.
Trường
hợp thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học
Kiến Trúc Thành Phố Hồ Chí Minh, con trai đương kim Ủy Viên Bộ Chính
Trị, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Trường
hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Anh, Bí Thư Quận Ủy Liên Chiểu, thành phố
Đà Nẵng, con trai Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kiểm tra Trung Ương
khóa 10 Nguyễn Văn Chi.
Không
thể phủ nhận là trong số các ủy viên trung ương lần này cũng có
nhiều người là con cái cán bộ lão thành -- những người được coi như khai
quốc công thần, hy sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng Việt Nam ; nhưng
dường như sự thành đạt của họ trên chính trường khó có thể nhận thấy sự
can thiệp dìu dắt của cha họ. Thậm chí nhiều người yêu mến còn cho rằng
họ phải rất vất vả để vượt qua cái bóng của cha mình như Trung tướng
Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, con trai cố Đại tướng Nguyễn
Chí Thanh. Tướng Thanh đã hy sinh vài chục năm nay, khi ông Vịnh còn là
trẻ con.
Thứ
trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh là con trai cố Bộ
Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch nhưng nhiều người thậm chí còn không
biết họ là cha con. Đứng sau Phạm Bình Minh trong danh sách trung ương
có Trần Bình Minh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam. Ông Minh
nổi tiếng là một nhà báo tài năng, hoạt ngôn và rất thông minh chứ ít
được biết đến như con trai nguyên Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Trần Lâm, người đã treo cờ tổ quốc ở Nhà Hát Lớn Hà Nội trong ngày
19/8/1945.
Hay
một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y Tế. Bà
Tiến bắt đầu nổi tiếng khi được nhắc đến là Viện Trưởng Viện Pasteur
Thành Phố Hồ Chí Minh khi dịch cúm gia cầm xảy ra ở Việt Nam cách đây
vài năm chứ ít được biết đến với tư cách cháu ngoại cố Tổng Bí Thư
Hà Huy Tập.
Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa gia đình trị ?
Còn
bao nhiêu ‘hạt giống đỏ’ trong Trung Ương lần này ? Bao nhiêu người là
con cán bố lão thành, những người sẽ tiếp nối sự nghiệp cách mạng của
cha ông mình ở Việt Nam ? Và bao nhiêu người là con cán bộ đương chức ?
Nếu
như trường hợp của ông Vịnh, bà Tiến và hai ông Minh không có gì để bàn
luận nhiều thì trường hợp của ông Tuấn, ông Nghị và ông Xuân Anh đã
được dân chúng râm ran bàn luận trước khi đại hội diễn ra.
Trước
đó vài tháng ở Bắc Hàn, con trai út của nhà lãnh đạo Kim Yong-il là Kim
Jong-un, 27 tuổi, được phong hàm đại tướng, mở đường cho một sự nối
ngôi của gia đình độc tài họ Kim này. Liệu có sự liên tưởng nào giữa hai
đất nước có cùng hệ tư tưởng cộng sản Marxism - Leninism này không ?
Ông
Nông Quốc Tuấn thuộc thế hệ 6X. Về tuổi tác ông không hẳn là trẻ
nhưng chưa chứng minh được bản thân trong khi bị chỉ trích là bất
tài, năng lực thuộc loại yếu. Ông không có học hành đến nơi đến
chốn mà bắt đầu bằng việc đi xuất khẩu lao động ở Đức. Sau khi cha
của ông chuyển công tác từ tỉnh miền núi Bắc Thái về Hà Nội và thăng
tiến nhanh ở thủ đô, ông Tuấn gia nhập cơ quan Đoàn Thanh Niên Cộng Sản
Hồ Chí Minh, nơi cung cấp cán bộ cho Đảng. Ông nhanh chóng được đề bạt
đến chức bí thư trung ương Đoàn, một cấp hàm tương đương thứ trưởng. Sau
một hồi luân chuyển lòng vòng, nay ông là người đứng đầu một tỉnh phía
bắc và có tên trong Trung ương ửy viên.
Khác
với ông Tuấn, hai ông Xuân Anh và ông Nghị thuộc thế hệ 7X. Họ còn rất
trẻ và được học hành tử tế. Họ được chuẩn bị để tiếp tục có vị trí cao
hơn trong Đảng Cộng sản vào nhiệm kỳ tới. Điều này đã được nhiều
doanh nhân ở Sài Gòn nhận định rằng, về mặt hình thức, Việt Nam vẫn
tuyên bố đi theo chủ nghĩa cộng sản để tiến tới chủ nghĩa xã hội, một xã
hội công hữu về tư liệu sản xuất.
Nhưng
thực tế thì một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đang hành động
theo cách ngược lại, là tư hữu hóa mọi thứ có thể cho gia đình mình. Họ
sẽ đưa đất nước theo hướng được điều hành bởi một nhóm gia đình quyền
lực về kinh tế và chính trị, trong đó việc đưa con trai mình vào trung
ương lần này càng khẳng đình rõ quan điểm cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng sẽ đưa đất nước theo hướng đó và gia đình ông là một trong những
gia đình điều hành đất nước Đông Nam Á này.
Nếu
như ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc cho rằng
đất nước nên được điều hành bởi con cái của những nhà cách mạng tiền bối
thì ở Việt Nam, quan điểm này đang bắt đầu có cơ sở.
Trước
khi đại hội 11 diễn ra, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, ông Đinh Thế Huynh
cho rằng chỉ Đảng cộng sản là người lãnh đạo thành công nhiều cuộc chiến
tranh cho nên chỉ có Đảng cộng sản mới có quyền lãnh đạo đất nước.
Nhưng việc con cái các nhà lãnh đạo được chuẩn bị để tiến tới điều hành đất nước sẽ đưa đất nước này đi về đâu ?
Hồng Quân
viết cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
0 comments:
Post a Comment