TPP đang được vẽ như một cái bánh to mà bên hưởng lợi là Việt Nam, nhưng chưa chắc đã là doanh nghiệp Việt...
Năm 2010, đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào GDP chiếm 13,3%. Mức này đã tăng lên 19,6% vào năm 2014.
Trong khi đó, đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam không những không tăng, mà ngày càng giảm. Năm 2010, tỷ trọng đóng góp của khối doanh nghiệp Nhà nước là 38,5%, nhưng đến 2014 chỉ còn 32,5%. Còn tỷ trọng đóng góp GDP của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh gần như giữ nguyên.
“Bao năm gia nhập WTO, chúng ta đã biến cơ hội thành thách thức”, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngậm ngùi.
Ngày ấy là câu chuyện WTO. Và bây giờ là câu chuyện TPP.
“Việt Nam hội nhập thì ai hưởng lợi? Kinh nghiệm gia nhập WTO cho thấy, cơ hội sẽ dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong dòng hưởng lợi, doanh nghiệp Việt sẽ chỉ được chia một phần nhỏ giọt”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM– cho biết.
Kể từ ngày TPP bước vào vòng đàm phán cuối, tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng đột biến.
Tháng 8/2015, nguồn vốn FDI cam kết bất ngờ tăng mạnh sau 7 tháng liên tiếp sụt giảm. Chỉ tính riêng tháng 8, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm lên đến trên 4,5 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng vốn FDI cam kết của 7 tháng trước đó cộng lại.
Tháng 9, vốn cam kết mới và tăng thêm của khu vực doanh nghiệp FDI khoảng 3,82 tỉ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014.
“Đừng vẽ ra một cái bánh rất to. Nói đến TPP, chúng ta đều nói Việt Nam có cơ hội này, cơ hội kia và Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng cái sâu xa hơn là cơ hội chia về ai, lợi ích đó ai hưởng thì chưa thấy nói đến. Với kinh nghiệm gia nhập WTO, chúng ta biết cơ hội này sẽ dành nhiều cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, TS. Cung nói.
Đừng để cái lợi của mình về tay người khác
“Tôi từng đặt vấn đề Việt Nam đừng để cái lợi cho người khác, mà không phải cho người mình”, chuyên gia kinh tế cao cấp – bà Phạm Chi Lan đau đáu.
Việt Nam đang trên đà hội nhập, nhưng những quan tâm thực sự cho hội nhập chưa thấy đâu.
“TPP còn có thời gian chuẩn bị nhưng AEC gõ cửa đến nơi rồi. Sự ào ạt tham gia thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan và các nước khác là rất rõ. Sân nhà đang bị lấn bởi các doanh nghiệp láng giềng mà doanh nghiệp trong nước còn bình thản, và cơ quan Nhà nước còn rất dửng dưng”, bà Lan nhắc nhở.
“Các nhà đầu tư nước ngoài có mãi khai thác thị trường Việt Nam khi nền kinh tế trong nước cứ lùi dần? Đến một lúc nào đó, nền kinh tế nội địa quá thấp kém, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi tìm nơi khác để đầu tư. Nhiều nhà đầu tư nhìn Việt Nam như một thị trường lớn để phát triển chứ không chỉ nhìn như một cứ điểm giá rẻ. Lợi thế giá rẻ rồi sẽ biến mất trong tương lai nếu không tìm ra cách tăng lợi thế của mình lên”.
“2015 lẽ ra phải có cách nhìn tổng thể khi đây là năm cuối của kỳ 5 năm vừa qua. Nhưng tiếc là năm nay bị hút vào tất cả những câu chuyện ngắn hạn”, bà Lan thở dài.
0 comments:
Post a Comment