Dân Mạnh là mạnh quyền lực , là mạnh về trí tuệ và mạnh khả năng đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng chung cho đất nước . Có như thế nước mới giàu thực sự . Có như thế dân mới thể hiện quyền làm chủ trong mọi hoàn cảnh .Khi Quyền Lực thuộc về toàn dân, và người dân cùng nối kết mọi lực lượng tổ chức đấu tranh từ trong ra ngoài nước quyết chống chủ thuyết giáo điều độc tài , khủng bố áp bức người dân thô bạo , và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân, thì chỉ có lúc đó LUẬT PHÁP, NHIÊM VỤ , VÀ CÁC CHỨC NĂNG nhà nước mới làm tốt vai trò của mình ,khi đó mới có sự CÔNG BẰNG và dân không còn BỊ QUẤY RỐI , THAM NHŨNG VÀ LẠM QUYỀN

Thursday, October 22, 2015

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU (EVFTA)

 
1.Thông tin chung
Việt Nam và Liên minh Châu âu (EU) đã chính thức thống nhất kết thúc cơ bản đàm phán vào sáng ngày 4 tháng 8/2015 sau 3 năm  từ ngày 26 tháng 6/2012, với 14 phiên đàm phán chính thức. Tương tự như TPP, EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm nhiều lĩnh vực cả thương mại lẫn phi thương mại. Với các nội dung chính: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; Hàng rào kỹ thuật trong thương mại; Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Phòng vệ thương mại, cạnh tranh; Doanh nghiệp nhà nước; Mua sắm của chính phủ; Sở hữu trí tuệ; Phát triển bền vững; Hợp tác và xây dựng năng lực; Pháp lý - thể chế. 
Hiệp định EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu mà là thế mạnh của hai bên. Đó là: dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ôtô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.
Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. So với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) là hiệp định thương mại có chất lượng cao và toàn diện nhất của Việt Nam.
Việc ký kết Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam cân bằng các trục giao thương quốc tế, vươn mình ra thị trường bên ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
2.Điểm khác biệt so với các Hiệp định TM khác đã ký kết 
Điểm khác biệt đầu tiên là về thị trường và khu vực. Từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ ký kết các Hiệp định thương mại xung quanh khu vực ASEAN và châu Á. Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam đàm phán được với một nước phát triển, cụ thể là châu Âu, một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Cho nên chắc chắn, đây là một đột phá của phía Việt Nam. Ngược lại, lần đầu tiên EU ký một hiệp định rộng lớn như vậy với một nước đang phát triển như Việt Nam. Điều này cho thấy EU coi trọng thị trường Việt Nam như thế nào. Điểm khác biệt thứ hai đó là phạm vi bao trùm của Hiệp định này rộng lớn hơn nhiều các hiệp định tự do thương mại khác, nó không chỉ bao gồm vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ… mà còn bao gồm các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tài chính… Với những lĩnh vực được mở rộng như vậy, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội gia tăng hoạt động của mình, để thâm nhập vào một trong những thị trường đáng ao ước nhất trên thế giới.
3.Ảnh hưởng của EVFTA đối với VN
Hiệp định thương mại tập trung chủ yếu bàn tới thương mại và nội dung chính của EVFTA là giảm thuế quan và giảm bớt những rào cản về thuế quan cho hàng hóa của hai bên. Nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ có 42% kim ngạch xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan của EU, thì kỳ vọng sau khi Việt Nam ký EVFTA con số này sẽ tăng lên đáng kể, khoảng 70%-80%. Đây sẽ là cơ hội vô cùng to lớn cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, đặc biệt là khi mà thương mại thế giới vẫn đang trong ở trong giai đoạn trì trệ, chưa qua khỏi cơn khủng hoảng. Mặt khác, với EVFTA, luồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu có khả năng sẽ tăng mạnh tại Việt Nam trong tương lai. Trong đó, Việt Nam kỳ vọng nhiều nhất vào phát triển khoa học công nghệ. Hiện nay, tốp 5 nước đầu tư nhiều nhất về khoa học công nghệ vào Việt Nam tiếc rằng không phải là những nước có thế mạnh về khoa học công nghệ, mà là những nước trong khu vực. Nếu EVFTA được ký kết, Việt Nam sẽ có khả năng thu hút được nhiều đối tác mạnh về khoa học công nghệ của EU vào Việt Nam, từ đó có thể nâng cấp được nền khoa học công nghệ trong sản xuất của Việt Nam.
Bên cạnh những tác động tích cực, không thể không nhắc tới một số thách thức nổi bật mà Việt Nam cần đối diện. Đó là, trong EVFTA, EU cho thấy họ sẽ cố gắng phát triển kim ngạch thương mại hai chiều, nhưng không đồng thời với việc họ chấp nhận việc tàn phá môi trường hay không bảo đảm quyền lợi cho người lao động … tức là họ yêu cầu đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. EU sẽ can thiệp vào toàn bộ quá trình sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam và nếu họ thấy rằng doanh nghiệp của Việt Nam không đạt được những tiêu chuẩn theo quy định thì họ sẽ không cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa Việt Nam vào EU.
4.Lộ trình cắt giảm thuế quan
EU cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU) đối với hàng hóa của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong vòng 7 năm tiếp theo, cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU). Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% số dòng thuế trong biểu thuế cho hàng hóa của EU ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Trong vòng 10 năm tiếp theo, sẽ xóa bỏ trên 99% số dòng thuế trong biểu thuế. Số dòng thuế còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.
5.Thách thức của doanh nghiệp khi tiếp nhận ưu đãi trong EVFTA
Các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật… do hiện nay các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, nhiều nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu từ Trung Quốc; 
Nguy cơ EU áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, sức ép cạnh tranh sẽ khiến hàng hóa Việt Nam gặp nhiều khó khăn, ngay tại chính thị trường trong nước; 
Thông tin chi tiết về hiệp định còn ít và khó tiếp cận, khiến doanh nghiệp không nắm được những yêu cầu cụ thể về kỹ thuật, chất lượng, quy cách… để có thể chủ động đáp ứng; 
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là thuộc khối doanh nghiệp FDI, do đó lợi ích thực tế mà Việt Nam nhận được không như kỳ vọng.
 
Trích nguồn: Tổng hợp
Tác giả: Thu Hiền

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger