Dân Mạnh là mạnh quyền lực , là mạnh về trí tuệ và mạnh khả năng đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng chung cho đất nước . Có như thế nước mới giàu thực sự . Có như thế dân mới thể hiện quyền làm chủ trong mọi hoàn cảnh .Khi Quyền Lực thuộc về toàn dân, và người dân cùng nối kết mọi lực lượng tổ chức đấu tranh từ trong ra ngoài nước quyết chống chủ thuyết giáo điều độc tài , khủng bố áp bức người dân thô bạo , và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân, thì chỉ có lúc đó LUẬT PHÁP, NHIÊM VỤ , VÀ CÁC CHỨC NĂNG nhà nước mới làm tốt vai trò của mình ,khi đó mới có sự CÔNG BẰNG và dân không còn BỊ QUẤY RỐI , THAM NHŨNG VÀ LẠM QUYỀN

Sunday, October 25, 2015

Doanh nhân Việt và hội nhập

tôi kỳ vọng hội nhập sẽ mở ra một tương lai tốt hơn cho thế hệ sau. Tôi mong con tôi sẽ được hưởng nền giáo dục tốt hơn, sống trong một xã hội văn minh hơn.

 
TuanVietnam : 2015 là một năm đặc biệt đánh dấu mốc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng là năm chuẩn bị thực thi một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kết thúc đàm phán và ký kết chính thức. Hành trang để Việt Nam hội nhập có những gì, đặc biệt là sự chuẩn bị về mặt con người ?
Chúng tôi chia sẻ góc nhìn của doanh nhân và nhà ngoại giao Việt Nam :
- ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao,
- bà Nguyễn Thị Thùy Minh, Giám đốc nhân sự Khách sạn Sheraton,
- bà Đỗ Thùy Dương, Tổng giám đốc Công ty Talent Pool.
*********************
Kỳ 1
Chiếm 70% dân số Việt : 'lao động rẻ' là sự đau đớn
dn2
'Lao động rẻ' không thể là lợi thế cạnh tranh trong cuộc chơi quốc tế
Gần 70% dân số ở độ tuổi lao động, phần lớn lại rơi vào lao động phổ thông, lao động trình độ thấp. Thậm chí ta đã từng tạm hài lòng với lợi thế cạnh tranh tương đối đau đớn là "lao động rẻ".
Lợi thế "lao động rẻ" là sự đau đớn
Nhà báo Hoàng Hường : Hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, cuối năm sẽ mở cửa Thị trường hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEC). Theo ông/bà, đâu là cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi hội nhập sâu rộng ? 
Ông Trần Việt Thái : Hiện nay chúng ta đã và sẽ tham gia sâu vào sân chơi hội nhập ở nhiều cấp độ : khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Điều này mở ra nhiều cơ hội và thách thức.
Cơ hội thứ nhất và quan trọng nhất là mở ra khả năng tiếp cận thị trường với góc độ rộng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, mở ra nhiều khả năng tham gia vào chuỗi liên kết cho phép chúng ta thành một mắt xích trong phân công lao động quốc tế. Từ đó ta có thể học hỏi để bứt phá kể cả trình độ lao động, kinh nghiệm quản lý hay ngoại ngữ, khoa học công nghệ..vv..
Thách thức lớn nhất đi kèm cơ hội là chúng ta phải mở cửa để cạnh tranh và sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Cái khác nhất trong hội nhập hiện nay so với khoảng 10 năm trước đây là không có nghĩa mở cửa là hàng hóa của chúng ta sẽ được vào ngay thị trường của họ. Chúng ta phải đạt được những chuẩn mực nhất định. Tới đây, sẽ phải có sự thay đổi, trước hết là thay đổi về mặt nhận thức của các cấp lãnh đạo, cũng như các doanh nghiệp và các địa phương trong quá trình hội nhập.
Hoàng Hường : Trong tất cả những năng lực/tiềm lực cần có để đáp ứng một cuộc chơi toàn cầu, thì vấn đề con người luôn được quan tâm đầu tiên. Một cách thẳng thắn, ông/bà có thể chỉ ra năng lực con người ở ta hiện nay đáp ứng được tới mức nào?
Ông Trần Việt Thái : Điều đầu tiên cần nói chính là tư duy hội nhập trong thời đại mới. Từ đó, việc thực hành phải theo chuẩn, được cộng đồng quốc tế công nhận. Có như vậy ta mới có thể thâm nhập được sân chơi toàn cầu. Ví dụ : tới đây cộng đồng ASEAN sẽ mở ra một thị trường khoảng 600 triệu người, có đủ các thành phần tôn giáo, trong đó có những nhóm nước Hồi giáo. Để vào được thị trường này, hàng hóa của ta phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, như tiêu chuẩn về thực phẩm chẳng hạn.
Ngược lại, khi tham gia vào thị trường này, người Việt cũng phải hiểu biết, tôn trọng và thích nghi với những luật lệ của đạo Hồi. Tóm lại, chúng ta phải cố gắng nhiều hơn để đáp ứng tiêu chuẩn chung.
Bà Nguyễn Thị Thùy Minh : Nếu nhìn vào các mục tiêu chính của AEC, chúng ta thấy cần có một đánh giá tổng thể về con người và nguồn lực, từ đó có thể xác định chúng ta cần làm gì để sẵn sàng cho "cuộc chơi".
dn3
Bà Nguyễn Thị Thùy Minh
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của bản thân trong quản lý, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tôi tự tin vào khả năng, tiềm lực về con người của ta đặc biệt là các bạn trẻ bây giờ. Có nhiều việc phải làm nhưng tôi nghĩ, chúng ta có thể đáp ứng khá tốt.
Bà Đỗ Thùy Dương : Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội vàng của nền dân số trẻ, khi gần 70% dân số ở độ tuổi lao động phần lớn lại rơi vào lao động phổ thông, lao động trình độ thấp. Chúng ta thậm chí đã từng tạm hài lòng với lợi thế cạnh tranh tương đối đau đớn là "lao động rẻ"
Cứ ví như bạn đầu tư vào một cái cây, khi bạn mua cái cây rẻ, hẳn bạn không sẵn sàng đầu tư, bởi bạn biết, gốc rễ đấy chắc chắn không tiếp nhận được sự đầu tư dài hạn. Các doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng lao động Việt Nam cũng vậy, hầu hết đang nhìn vào giá rẻ và sức khoẻ của tuổi trẻ.
Tôi nhấn mạnh là sức khoẻ của tuổi trẻ, vì chúng ta, do nhiều năm tháng ăn uống thiếu khoa học và không có phong trào thể thao rộng khắp, nên sức bền và khả năng chịu áp lực cao trong thời gian dài là rất kém.
Khi không còn tuổi trẻ, lực lượng lao động của chúng ta liệu có đủ tiền mua thuốc chữa bệnh cho những năm tháng lao lực trong các nhà máy, công xưởng không ?
Xét về biết, thì người Việt có khả năng biết rất nhanh những gì họ cần biết. Thậm chí biết sơ sơ đã có thể phán rất hay, hoặc phổ biến là tình trạng anh đã là chuyên gia trong một ngành nào đấy rồi thì đôi khi anh cho mình cái quyền là người hiểu biết và phát biểu trên mọi lĩnh vực.
Làm sao để mọi người có thể chủ động tư duy, và phản biện tích cực lại chính mình, để chúng ta sử dụng những kiến thức mà chúng ta đã biết vào thực tế ? Thông tin bây giờ thì rất nhiều và có ở mọi nơi, nhưng lọc và sử dụng thông tin đó, biến thông tin thành kỹ năng của mình thì còn một khoảng cách khá lớn.
Theo Giáo sư Tony Wagner của đại học Havard thì khả năng tò mò, ham hiểu biết, và sử dụng hiểu biết của mình vào việc sáng tạo những sản phẩm cần thiết ý nghĩa cho cuộc sống, là một trong những kỹ năng cơ bản của sinh tồn thời hiện đại. Chúng ta phần lớn chưa có kỹ năng này.
dn4
Bà Đỗ Thùy Dương
Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy rằng, rất ít người chịu cầu thị, chủ động đầu tư cho sự phát triển của bản thân. Tệ hơn, đến cả khi tổ chức đầu tư cho họ đi học, thì việc chủ động học tập và tìm cơ hội để học tập của chúng ta gần như không có. Tôi có cảm giác rất nhiều người, sau khi rời khỏi cánh cửa trường Đại học, và kể cả những người học MBA, chưa có tư duy học suốt đời.
Có câu nói là "Run & Read" có nghĩa là đọc sách và chạy bộ là hai việc quan trọng nhất cuộc đời thì hình như người Việt chúng ta đều không thích hoặc không giỏi.
Về độ dài tuổi lao động, tôi thấy chúng ta đang quá lãng phí nguồn tài nguyên tuyệt vời là trí tuệ, là kinh nghiệm, là sự từng trải, là kiến thức được tích luỹ của những người đang còn trẻ mà nghỉ hưu.
Cá nhân tôi đang hợp tác chặt chẽ với rất nhiều chuyên gia nước ngoài. Họ đều ở khoảng 70 đến 80 tuổi, vô cùng minh mẫn, nhanh nhẹn. Phong thái làm việc rất chủ động, không nề hà gì. Chúng ta dành rất ít cơ hội để người hưu trí có thể chủ động tham gia đóng góp vào xã hội ; hoặc có thể do ảnh hưởng văn hoá hay bối cảnh lịch sử để lại. Thế hệ sau tuổi hưu của chúng ta không nhiều người có đủ sự cập nhật với kiến thức hiện đại để có thể làm việc cùng giới trẻ.
Chưa nói đến hội nhập, mới bàn đến chất lượng nguồn nhân lực cơ bản của người Việt, đã thấy sức khoẻ không đủ bền bỉ dẫn đến khả năng chịu áp lực kém, năng suất lao động không cao ; thiếu chủ động trong học tập và cập nhật, đầu tư phát triển bản thân, dẫn đến thụ động khi xã hội thay đổi. Khả năng thích ứng kém.
Ở tầng lớp cao hơn có nhiều cá nhân xuất sắc, nhưng không có nhiều những tổ chức xuất sắc, do khả năng phối hợp, hợp tác cùng làm việc của chúng ta là đáng báo động.
*******************
Kỳ 2
Người Việt "cứ áp dụng chuẩn lại khó khăn"
dn5
Người lao động Việt cần chuẩn bị nhiều khi tham gia hội nhập
Nhiều điều chúng ta "không giống ai"
Hoàng Hường : Gần đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế đẩy mạnh và chủ động hơn quá trình 'tìm luật chơi chung và mẫu số chung' với cộng đồng quốc tế. So với 'cuộc chơi chung' đang diễn ra, Việt Nam nên chú trọng vào những điểm nào để xóa khoảng cách ?
Ông Trần Việt Thái : Chúng ta còn rất nhiều khoảng cách với sân chơi chung. Tuy đã hội nhập hơn 20 năm nhưng còn rất nhiều việc phải nói thẳng là chúng ta "không giống ai", từ hệ thống luật pháp đến cung cách làm ăn, doanh nghiệp, rồi các tiêu chí, tiêu chuẩn. Ngay hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay cũng có nhiều điểm phải được hài hòa.
Ngay trong vấn đề Thủ tướng nói : "xây dựng chuẩn", thực ra thế giới đã xây dựng nhiều rồi. Vấn đề là chúng ta tìm ra những thứ phù hợp với mình. Ví dụ vừa rồi Ủy ban Dân nguyện QH đã có phiên chất vấn về Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó Bộ Tư pháp báo cáo đã rà soát hơn 500 văn bản, về cơ bản là hợp lý.
Tuy nhiên từ văn bản đến cách làm lại khác. Người Việt có đặc điểm từ trước nay là cứ áp dụng chuẩn lại rất khó khăn. Ví dụ nhiều DN xuất khẩu thủy sản ban đầu đưa ra những lô hàng rất tốt, nhưng càng về sau chất lượng càng thấp dần. Cho nên, việc xây dựng tiêu chuẩn xuyên suốt, nâng cao uy tín để làm ăn lâu dài là vấn đề sống còn.
Bà Nguyễn Thị Thùy Minh : Tôi chỉ nói đến một ý trong mục tiêu thứ nhất của AEC là : "Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề".
Tôi cho rằng, với mục tiêu này, chúng ta cần chú trọng đến chất lượng kỹ năng nghề của nhân lực. Trong đó bao gồm cả kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và sự tự tin để người lao động sẵn sàng và dễ dàng được lưu chuyển trong cộng đồng các nước ASEAN, thậm chí là "được săn đón" hơn.
Bà Đỗ Thùy Dương : Chưa nói đến luật chơi chung và mẫu số chung, điều đầu tiên và cốt yếu nhất là tiếng nói chung, những người Việt Nam có khả năng sử dụng tiếng Anh 100% trong công việc được bao nhiêu % ?
Cá nhân tôi là người di chuyển rất nhiều, gặp gỡ và làm việc hoàn toàn bằng tiếng Anh, học MBA, đọc sách báo thường xuyên ; nhưng khi đi " giao lưu văn hoá" vẫn có nhiều điều tôi chưa hiểu và theo kịp các bạn Đông Nam Á khác như các bạn Singapore, Hongkong, Philippine, Indonesia, Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của các bạn theo đúng nghĩa của từ này. Nghĩa là các bạn không chỉ học ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp mà Tiếng Anh còn là cách nghĩ, cách tư duy, là cách đời sống đi vào ngôn ngữ.
Tôi cho rằng để hội nhập, không cần phải giải quyết hàng ngàn vấn đề như chúng ta đang nghĩ, mà chọn một vấn đề quan trọng nhất để giải quyết một cách quyết liệt. Các vấn đề khác sẽ tự động được giải quyết.
Ví dụ : Tôi sẽ chọn Tiếng Anh là vấn đề cốt tử, sau đó những vấn đề gì sẽ được giải quyết ?
- Họ nhìn một vấn đề theo nhiều cách khác nhau : ví dụ bản tin buổi tối của chúng ta về vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ 1 phút, nhưng đài CNN dành cả năm để phát về cuộc bầu cử này. Nếu có Tiếng Anh, khả năng kết nối với thế giới và tư duy đa chiều sẽ được mở ra
- Nhu cầu học và hành tăng cao sẽ thúc đẩy sự tự tin hơn trong việc tiếp cận người nước ngoài, sẽ thấy "hoá ra họ cũng như mình thôi", cũng đau đớn, cũng khổ sở, cũng có đầy thứ tiêu cực mà sao họ vẫn tư duy tích cực, vẫn làm việc có trách nhiệm,
- Thúc đẩy nhu cầu du lịch nước ngoài, mở rộng tầm mắt để yêu thương đất nước hơn, để lòng tự trọng và tình yêu đất nước được phát triển. Nhu cầu làm ăn tử tế cho bằng bạn bằng bè sẽ khởi sinh trong mỗi người. Họ sẽ biết xấu hổ hơn khi thấy là thế giới họ cũng sống được mà không nhất thiết phải hối lộ, tham nhũng.
Tôi chỉ ví dụ như vậy thôi, ngoại ngữ không chỉ cho bạn công cụ mà còn cho bạn tầm nhìn, sự tự tin và khả năng sống độc lập trong một thế giới ngày càng rộng lớn. Vậy thì chỉ cần tập trung giải quyết một cách triệt để, nhà nhà học ngoại ngữ, các chủ đề học đa dạng cũng sẽ giúp chúng ta học các môn khác một cách hiệu quả và phù hợp với mẫu số chung hơn.
Như vậy, chưa bàn đến cái to tát, mà tôi nghĩ, Thủ tướng nên coi vấn đề Tiếng Anh không chỉ là vấn đề của Bộ giáo dục.
dn6
Ông Trần Việt Thái
Nút thắt về thể chế sẽ được từng bước gỡ bỏ
Hoàng Hường : Một trong những thay đổi mấu chốt trong quá trình hội nhập là cải cách các thể chế, thiết chế pháp luật, quản lý xã hội và minh bạch hóa thông tin. Cần có những điều kiện gì để thúc đẩy quá trình này ?
Ông Trần Việt Thái : Nút thắt thể chế rất quan trọng. Cải cách thể chế là một trọng tâm, liên quan đến thể chế là cải cách hành chính. Hiện nay Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư đang quyết tâm sao cho môi trường kinh doanh, trong đó nút thắt về thể chế được từng bước gỡ bỏ. Một vài năm tới sẽ trở thành nước có môi trường kinh doanh thông thoáng hàng đầu khu vực.
Về minh bạch thông tin, xã hội Việt Nam hiện nay có xu hướng chung ngày càng cởi mở. Điều này là tất yếu, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, luật báo chí đang được sửa đổi. Tôi hy vọng tới đây, cùng với việc hội nhập, thông tin sẽ được chuẩn hóa, người dân sẽ tiếp cận nhiều thông tin hơn. Tôi cũng mong việc cải cách thể chế sẽ góp phần đưa xã hội Việt Nam thành một xã hội thông tin, thành nền tảng để đất nước phát triển.
Hoàng Hường : Phó Chủ nhìệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên từng phát biểu về TPP "Đến mức nào đó, chúng ta thấy mục tiêu chúng ta đang phấn đấu trùng với tiêu chí, giới hạn kỹ thuật mà tổ chức chúng ta định gia nhập đặt ra. Đấy chính là quyền mưu cầu hạnh phúc của con người". Đây có nên là mục tiêu hàng đầu cho việc hội nhập ?
Ông Trần Việt Thái : Điều đó là đương nhiên vì suy cho cùng hội nhập hay phát triển gì đi nữa thì con người vẫn phải là trung tâm. Có một điều trong xã hội Đông Á là lợi ích cá nhân luôn phải đặt dưới lợi ích cộng đồng. Mưu cầu hạnh phúc là quyền của con người, nhưng không được đi ngược lại với lợi ích của đất nước và cộng đồng.
Bà Đỗ Thùy Dương : Tôi thích câu nói "Chúng ta ban đầu đều là con người cả (human being). Sau này chính tôn giáo, sắc tộc, quốc gia, đảng phái và rất nhiều nhãn mác khác khiến chúng ta không còn nhìn thấy điểm chung của nhau mà chỉ nhìn vào những khác biệt để cạnh tranh và phê phán".
Vậy thì theo cách nào đó, tất cả những nỗ lực về hội nhập, đến một cấp độ cao nhất, sẽ trả chúng ta trở về với bản chất của con người khi thế giới còn bình đẳng, hạnh phúc, cùng chia sẻ các nguồn lực thiên nhiên một cách thận trọng và cùng chung sống hạnh phúc.
Ước mơ đó có lẽ là xa vời, nhưng sẽ có một ngày như vậy. Càng ngày càng nhiều người đã hiểu ra rằng tất cả những sự cách biệt đều không còn ý nghĩa. Người con gái Việt Nam làm dâu Hàn Quốc, nếu bỏ qua những tiêu cực bên lề, là sự hợp nhất phi sắc tộc. Người thanh niên gốc Việt Nam giữ chức Phó thủ tướng một quốc gia Châu Âu, cũng là việc không quá phải ngạc nhiên. Những nhãn mác khác đều là phụ, so với việc, anh đang sống có ích cho loài người nói chung ở một cấp độ lớn hơn chính thân phận của anh.
*********************
Kỳ 3
Đến lúc Việt Nam không thể 'đóng cửa dạy nhau'
dn7
Việt Nam đang mở cửa để hội nhập mạnh mẽ
Trở tay có kịp ?
Hoàng Hường : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu hội nhập sẽ "tạo thêm động lực cải cách thể chế, giúp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch và thúc đẩy đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam". Để đạt được mục tiêu như Thủ tướng nói, cần những chuẩn bị gì về mặt nhân lực ?
Giờ này mà nói là "chuẩn bị" thì không còn sớm nữa, mà phải gọi là "trở tay" cho kịp. Hội nhập đã vào nhà mất rồi, chúng ta khoá được vài cánh cửa thuế quan, nhưng có những giao dịch dịch vụ, giao dịch sở hữu trí tuệ, chất xám thì đã vượt hàng rào thuế quan từ lâu.
Bà Đỗ Thùy Dương : Có hai cách để chuẩn bị về nhân lực :
Thứ nhất: nội lực. Chúng ta cần chiến lược phát triển tổng thể Quốc gia trong giai đoạn tới. Theo đấy, sẽ xác định đâu là những ngành trọng điểm mà chúng ta không thể không đầu tư quyết liệt. Ví dụ như nông nghiệp và du lịch. Những ngành nào ta có thể kết hợp để tận dụng lợi thế của các quốc gia cùng hợp tác như giáo dục, đào tạo, y tế, dịch vụ...
Những lĩnh vực nào có thể bứt phát vượt trội và trở thành lĩnh vực được nhắc đến như là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối ví dụ như công nghệ thông tin, chế biến xuất khẩu các sản phẩm tinh từ nguồn nguyên liệu có sẵn…
Sau đó theo từng cấp độ ưu tiên, chúng ta có thể đưa ra chiến lược đầu tư vào đào tạo, phát triển. Giáo dục và công nghệ sẽ kết hợp chặt chẽ với nhau để có thể cho ra đời những "nhân sự đạt chất lượng cao nhất" đáp ứng "khung năng lực" của những nghề trọng điểm. Nếu chúng ta vẫn theo đuổi "công nghiệp hoá hiện đại hoá trên diện rộng" như hiện nay thì khó có thể thành tựu được.
Thứ hai, sử dụng đòn bẩy ngoại lực khi thu hút và phân bố đầu tư nước ngoài. Chúng ta mở cánh cửa đầu tư thì đều thấy rằng, doanh nghiệp nước ngoài không nên tập trung vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như trước đây, mà nên được khuyến khích học đầu tư theo chiều dài đất nước.
Theo đó, lực lượng lao động trình độ cao có thể cống hiến cho quê hương, và dần lan toả, tạo những cộng đồng mới, thay đổi lối sống, tập quán theo kiểu cũ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, họ sẽ hỗ trợ được những người yếu thế như lao động phổ thông, nông dân.
Việc thúc đẩy xây dựng các trung tâm kinh tế, thương mại văn phòng tại các thành phố vệ tinh xung quanh các thành phố lớn tôi cũng thấy đón đầu được xu hướng này. Giờ điều cần làm là các thành phố đó được chủ động và tư vấn đúng cách để thu hút nhân sự giỏi, là con dân của quê hương mình và các khu vực lân cận về đóng góp.
Việc thu hút đầu tư nước ngoài cần tính tác động lâu dài. Còn nếu chỉ nhìn vào tổng mức đầu tư để vui mừng, thì tôi sợ rằng chúng ta lại sẽ quay trở lại cái thời "nhịn miệng đãi khách" theo cách "bọn trẻ nhà em ăn cơm hết rồi, có con gà thì mời bác khách hết cả".
Như vậy, cái cần nhìn là một chiến lược tổng thể cấp quốc gia. Chúng ta hội nhập rất nhiều, nhưng từng người nông dân, công nhân, tri thức, nhà báo, luật sư... thấy vai trò của mình trong câu chuyện hội nhập ra sao ? Giống như mỗi khi nhà có khách, ai cũng biết mình sẽ làm gì để tiếp khách cho tốt. Khách này lại là bạn làm ăn, nên cũng phải tìm hiểu cho kỹ và phối hợp cho nhịp nhàng.
Đợi chuẩn bị kỹ sẽ chẳng bao giờ hội nhập được
Hoàng Hường : Nhiều doanh nghiệp và quản lý nhân sự lo lắng hàng hóa nội địa có thể ế ẩm, lao động trong nước gia tăng thất nghiệp do kỹ năng công nghiệp thua kém lao động nước ngoài. Lo ngại này có cơ sở không, trước mắt nên có những giải pháp gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thùy Minh : Việc cấp thiết và quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì để những lo lắng đó không xảy ra : cần những nỗ lực nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp của Việt Nam ; trang bị và đào tạo những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người lao động của ta để họ sẵn sàng, thậm chí là trở thành nguồn lao động "giá cao" trên "sân chơi" này.
Bà Đỗ Thùy Dương : Chúng ta lo như thế nhiều năm nay rồi. Từ hồi tôi còn là sinh viên đại học Ngoại thương, học về WTO cũng y chang những nỗi lo như thế ; rồi còn tìm đủ mọi cách để bảo hộ bao bọc cho các doanh nghiệp trong nước, mà lại bảo hộ nhầm. Ví dụ hồi đó không bảo hộ phát triển nông nghiệp mạnh hẳn lên, mà lại bảo hộ sản xuất ô tô. Thế nên đến giờ nông nghiệp và người nông dân vẫn chưa được chuẩn bị cho hội nhập gì thì lại chuẩn bị có sóng lớn
Như vậy, cứ đợi chuẩn bị kỹ thì rất có thể chúng ta chẳng bao giờ hội nhập được cả. Bài học đó, sự chuẩn bị đó có lẽ đã đến lúc không còn là đóng cửa dạy nhau nữa, mà phải mở cửa ra để chính thị trường và nền kinh tế cạnh tranh thúc đẩy hoàn thiện các doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu mới
Tôi nghĩ nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và thất nghiệp sau hội nhập. Người nông dân có thể không còn đất nền nông nghiệp, cần thay đổi cách đầu tư dựa vào sức người và nền nông nghiệp tự nhiên nữa.
Và để làm như vậy, cần có sự chú tâm nhiều hơn của các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội giúp những người dân không dùng Internet, không đi làm, không có điều kiện được học hỏi và học tập, được biết về những sự chuẩn bị cần thiết với họ khi hội nhập. Chẳng mấy nữa đâu, họ sẽ phải đối diện với rất nhiều những câu hỏi mà không ai giúp. Những câu trả lời nóng vội dựa trên lợi ích ngắn hạn sẽ làm phát sinh rất nhiều các vấn đề xã hội, sau này khó có thể giải quyết được.
Hoàng Hường : Cuối cùng, điều ông/bà mong đợi/lo ngại nhất trong vấn đề hội nhập là gì ?
Ông Trần Việt Thái : Từ góc độ cá nhân, tôi kỳ vọng hội nhập sẽ mở ra một tương lai tốt hơn cho thế hệ sau. Tôi mong con tôi sẽ được hưởng nền giáo dục tốt hơn, sống trong một xã hội văn minh hơn.
Bà Đỗ Thùy Dương : Tôi lo cho những người nông dân. Ở một đất nước có 70% dân số làm nông nghiệp, thì không có nỗi lo nào lớn hơn. Tôi đang ăn cơm gạo họ trồng, rau trên vườn nhà họ. Dẫu có nhiều sự lựa chọn khác, công nghiệp hơn, có thể an toàn hơn, nhưng tôi không sống một mình như thế. Còn phải làm gì để người nông dân sẵn sàng cho hội nhập, cần nghiên cứu sâu hơn.
Tôi mong đợi sức ép từ hội nhập sẽ khiến giới doanh nhân tri thức, những tinh hoa của đất nước có đủ động lực, và sự bền bỉ để vượt qua thử thách này, để bộc lộ sức mạnh tiềm ẩn mà họ đang có. Tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn có khả năng làm giàu một cách minh bạch hoặc ít nhất là sống sung túc.
Cuối cùng, tôi mong rằng, giới tinh hoa này có thể nghĩ nhiều hơn về nông dân Việt Nam khi viết những đề án triệu đô, ngàn tỷ của mình. Để chúng ta phát triển mà vẫn tạo điều kiện cho những người nông dân có thể học hỏi và trở thành một phần trong sự phát triển đó ? Biết là lợi nhuận và tốc độ của những dự án nhân văn như vậy sẽ thấp hơn việc chúng ta làm theo cách cũ, nhưng có lẽ, hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng nhất của hội nhập.
Bà Nguyễn Thị Thùy Minh : AEC không phải là mục tiêu hội nhập duy nhất ở Việt Nam nhưng tôi có nhiều mong đợi đối với vấn đề hội nhập này. Khi chúng ta đứng trên một sân chơi chung thì cạnh tranh và tự khẳng định mình là một động lực để chúng ta phát triển bền vững. Tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam cùng với các nước trong cộng đồng ASEAN có những chính sách và lộ trình cụ thể cho từng mục tiêu, vì vậy tôi đang chờ đợi sự chuyển mình tốt đẹp mà hội nhập mang lại.
Hoàng Hường (thực hiện)
Nguồn : VietnamNet,TuanVietnam, 21, 22 & 23/10/2015

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger