Phát biểu tại hội trường ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) chỉ ra đặc thù
của báo chí Việt Nam không chỉ là phương tiện truyền thông thiết yếu mà
là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Theo ý nghĩa này, trách
nhiệm của báo chí là hoạt động công vụ. Đại biểu Hà Minh Huệ muốn đề
nghị cân nhắc điều này trong dự thảo luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Minh Huệ mong muốn Nhà nước cần quan tâm hơn
nữa, ví dụ như bổ sung thêm chính sách ưu đãi về thuế, chính sách về
trợ giá, cước.
Theo đại biểu Hà Minh Huệ, Khoản 2 điều 60 Hiến pháp ghi: “Nhà nước,
xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa
dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại
chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại biểu Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận). Ảnh Quốc hội |
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, nói một cách hình tượng là báo chí phải đi bằng hai chân. Chân thứ nhất- chân hành chính: chúng ta tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ tư tưởng của Đảng, địa vị của báo chí khi đó ví như bộ phận hành chính cấu thành của cơ quan Đảng, Nhà nước. Chân thứ hai- chân doanh nghiệp: báo chí phải tự chủ về kinh tế (chi phí xuất bản, thuê mặt bằng, nuôi phóng viên, nhuận bút, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp... ). Nói tóm lại báo chí phải độc lập kinh tế như một doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, vừa qua, một số cơ quan báo chí vẫn làm ăn được. Tuy nhiên, đó là số ít, tập trung ở các cơ quan có lợi thế độc quyền hoặc khả năng mang tính “cá biệt”, được bao cấp về tài chính, thậm chí “xé rào” ở những khu vực nào đó? Còn nhìn chung báo chí Việt Nam trong tình trạng khó khăn, một số lớn là làm ăn không hiệu quả, thu nhập người lao động thấp, hoặc rất thấp không có tích lũy để đầu tư phát triển.
“Hai cái chân đôi khi không cùng hướng, thậm chí dẫm lên nhau khiến báo chí khó tiến lên. Với cơ chế chưa được tháo gỡ, thì không những báo chí không có cơ hội phát triển mà ngay cả những tồn tại cố hữu như: làm ăn chộp giật, nhũng nhiễu doanh nghiệp, xào nấu bài vở, ăn cắp nội dung...cũng không được giải quyết và lại tái phát. Hai đôi chân khập khiễng khiến báo chí khó đứng vững chưa nói đến việc bước đi và chạy...Đặc biệt việc thực hiện chức năng tư tưởng của báo chí cũng sẽ gặp khó khăn”- Đại biểu Thường nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường góp ý, vì lý do đó, nếu chúng ta không tạo một hành lang đủ mạnh để báo chí tự chủ và tích lũy về kinh tế thì báo chí không có sức cạnh tranh thông tin với các tập đoàn truyền thông lớn ngay tại sân nhà. Một thế hệ trẻ sẽ thích nghi với các kênh truyền thông nước ngoài và không còn quan tâm, quay lưng với hệ thống báo chí trong nước nếu chúng ta không kịp đổi mới, tăng cường sức mạnh cho báo chí. Do đó, hiệu quả truyền thông sẽ giảm sút.
Trước đó, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cũng nói về vấn đề tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Theo đại biểu Trang, hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau, tùy theo góc tiếp cận nên đề nghị làm rõ khái niệm. Từ đặc thù và thực tế của báo chí nước ta, khi báo chí là không chỉ là phương tiện truyền thông, thông tin mà còn là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân.
“Trước hết, cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn để cung cấp thông tin đầy đủ, giúp báo chí cung cấp thông tin kịp thời tình hình đất nước cho công chúng, không để lại khoảng trống thông tin chi những suy diễn, đồn đoán đến từ nguồn thông tin không chính thống” - Đại biểu Nguyễn Thùy Trang nhấn mạnh.
Đại biểu cũng chỉ ra thực tế, trong thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Đề nghị luật hóa quy chế phát ngôn, bổ sung thêm vào luật: Các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Mặt khác, theo đại biểu, Đoàn Nguyễn Thùy Trang, cần có cơ chế đảm bảo quyền tác nghiệp của các nhà báo, thời gian qua có nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện tác nghiệp của các phóng viên, thậm chí có nhà báo còn bị hành hung. Đại biểu Trang đề xuất trong dự thảo cần đề cập tổ chức, cá nhân khi cản trở nhà báo hoạt động hợp pháp để có chế tài phù hợp.
0 comments:
Post a Comment