Nguồn: “Why Somaliland is not a recognised state”, The Economist, 01/11/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang – Nguyễn Thùy Dương | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Somaliland, một dải đất hẹp có người Somali sinh sống nằm ở bờ nam
của vịnh Aden, sở hữu gần như đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một quốc
gia. Somaliland dùng đồng tiền riêng, có bộ máy hành chính tương đối
hiệu quả và một lực lượng quân đội và cảnh sát được đào tạo bài bản.
Chính phủ Somaliland đặt tại thủ đô Hargeisa, duy trì một mức độ kiểm
soát đáng kể trên lãnh thổ của mình. Nhìn chung, đây là đất nước hòa
bình, trái ngược hoàn toàn với Somali ở phía nam – nơi mà các cuộc đánh
bom và một vụ bạo loạn cuối tuần qua tại một khách sạn nổi tiếng ở thủ
đô nước này đã cướp đi sinh mạng ít nhất 14 người.
Somaliland tham gia các thỏa thuận pháp lý (ví dụ như ký các giấy
phép thăm dò dầu khí với các tập đoàn nước ngoài) và tham gia vào các
hoạt động ngoại giao với Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ả Rập, Liên minh châu
Âu và các quốc gia như Anh, Mỹ và Đan Mạch. Nhưng kể từ khi tuyên bố độc
lập năm 1991, đất nước này vẫn chưa nhận được sự công nhận chính thức
từ bất cứ một chính phủ nước ngoài nào. Đối với thế giới bên ngoài,
Somaliland vẫn chỉ là một vùng tự trị của Somali, chịu sự quản lý của
chính phủ liên bang Somali ở thủ đô Mogadishu. Tại sao Somaliland vẫn
chưa phải là một nhà nước?
Trong suốt kỷ nguyên sau độc lập, tình hình địa chính trị ở châu Phi
có khuynh hướng tôn trọng các “đường biên giới thuộc địa”, tức là những
đường biên giới mà thực dân châu Âu đã đặt ra vào thế kỷ 19. Trên khắp
lục địa này, mới chỉ có hai sự thay đổi đáng kể trên bản đồ thuộc địa kể
từ thập niên 1960: Eritrea tách khỏi Ethiopia năm 1993; và Nam Sudan ly
khai khỏi Sudan năm 2011.
Tuy nhiên, người dân Somaliland chỉ ra rằng điều đó không nhất quán bởi lẽ khác với Somali, Somaliland vẫn tuân theo biên giới thuộc địa cũ. Thậm chí trước đó Somaliland đã từng là một nhà nước (trước khi giành độc lập, phần lãnh thổ này được cai trị như một thuộc địa riêng biệt của Anh và thậm chí còn được hưởng 5 ngày ngắn ngủi với tư cách là một nhà nước có chủ quyền). Nền độc lập của Somaliland chỉ là nhu cầu tách ra khỏi Somali, chứ không phải tái thiết một nhà nước mới.
Mặc dù chính Liên minh châu Phi từng công nhận điều này vào năm 2005, thế nhưng lời tuyên bố của Somaliland vẫn tiếp tục trong tình trạng vô định.
Nguyên nhân nằm ở chính tại và xoay quanh chính quyền Mogadishu. Cuộc nội chiến Somalia diễn ra ác liệt trong vòng hai thập niên rưỡi, và cho dù một hiến pháp mới được ra đời năm 2012, thẩm quyền quản lý lãnh thổ của chính phủ liên bang Somali vẫn chưa vững chắc. Nhiều người lo sợ rằng việc tạo ra một nhà nước mới trong khu vực, mà sự tồn tại của nó gần như chắc chắn sẽ kích động các tỉnh có chủ trương ly khai khác của Somali (như Puntland, Jubbaland và Hiranland), sẽ dẫn tới việc chia cắt Somali theo các dòng tộc, đồng thời châm ngòi cho các căng thẳng vốn đã nảy sinh từ lâu trong khu vực (ví dụ như giữa người Somali và người Ethiopia).
Hơn nữa, bằng cách xé vụn quyền lực của chính phủ liên bang ở Mogadishu, vốn chỉ chấp nhận một nhà nước Somali thống nhất, điều này có thể dẫn tới việc làm dấy lên những mối hiềm khích giữa miền bắc và miền nam, khiến các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra trong nhiều năm gần như không thể đạt được. Điều này là thảm cảnh đối với các nước láng giềng của Somali cũng như với cộng đồng quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng điều tương tự dường như đang xảy ra ở Nam Sudan ngày nay.
So với nhóm vận động hành lang cho một nhà nước Nam Sudan độc lập, vốn có tiếng nói ở Quốc hội Mỹ và những nơi khác, những người cổ vũ cho nền độc lập của Somaliland còn ít được biết đến. Đương nhiên, một nhóm như vậy có tồn tại, thậm chí rất nhiều các hội đồng thành phố tại Anh, như ở Cardiff, đã tự công nhận nhà nước Somaliland. Thế nhưng ít nhất là trong thời điểm hiện tại, việc các quốc gia khác chính thức công nhận nhà nước Somaliland vẫn chỉ là một giấc mơ viển vông. Và chừng nào nhà nước “mẹ” của Somaliland vẫn còn là mối lo ngại về an ninh hàng đầu ở khu vực Sừng châu Phi, thì việc trở thành nhà nước của Somaliland vẫn sẽ còn bị làm ngơ.
0 comments:
Post a Comment