Lòng
tin ở đây đi liền và dựa trên những hành động cụ thể, phù hợp với luật
pháp quốc tế và tinh thần nhân đạo mà mọi quốc gia văn minh đều đề cao.
Wednesday, November 11, 2015
Quan hệ Việt-Trung : Lòng tin kia cũng có ba bảy đường
7:05 PM
tuonglaidantoc
Ảnh : TTXVN
Tại
cuộc gặp Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6.11 tại Hà
Nội, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bằng ngôn từ ngoại giao nhẹ
nhàng đã nhắc nhở một sự thật không mấy nhẹ nhàng mà nhiều người Việt
Nam, kể cả đảng viên Cộng sản, luôn canh cánh bên lòng.
Chủ
tịch Trương Tấn Sang cho rằng, những năm gần đây, lòng tin về quan hệ
hai Đảng, hai nước trong một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng
viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất
đồng giữa hai nước về vấn đề trên biển cũng như việc một số thỏa thuận
hợp tác giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ.
Theo
Chủ tịch Sang, bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông là thực tế,
nhưng quan trọng nhất là hai bên phải tôn trọng lợi ích chính đáng của
nhau, kiểm soát tốt tình hình, phải thực hiện nghiêm túc những thỏa
thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thông
qua đàm phán giải quyết các mâu thuẫn một cách thỏa đáng, không có hành
động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, không theo đuổi mục tiêu quân
sự hóa ở Biển Đông. Chủ tịch Sang cũng đề nghị hai bên đảm bảo an toàn
hàng hải, hàng không và các hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của
ngư dân, cùng nhau tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục
vụ mục tiêu phát triển của cả hai nước và của khu vực.
Phát
biểu của Chủ tịch Sang cho thấy lòng tin giữa các quốc gia không chỉ là
việc của các nhà cầm quyền, không phải cứ hai nhà nước cùng hô hào là
có được lòng tin mà còn phải dựa vào cảm nhận và tiếng nói của người
dân. Một khi người dân bức xúc trước những hành động bất chấp luật pháp
quốc tế, cách hành xử bất chấp đạo lý, bất chấp lợi ích chính đáng của
nước mình, dân tộc mình từ quốc gia láng giềng thì chuyện suy giảm lòng
tin của người dân vào láng giềng là khó tránh khỏi. Và không nhà nước
khôn ngoan nào lại có thể bất chấp tình cảm, suy nghĩ của người dân khi
đặt lòng tin thật sự vào ai đó.
Trong
khi đó, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam cùng ngày, cũng nói về lòng
tin, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dụng công tầm
chương trích cú để đi đến kết luận rằng : "Tín giả, giao hữu chi bản"
(lòng tin là nền tảng để xây dựng tình bạn). Trung Quốc - Việt Nam là
hai quốc gia có rất nhiều lợi ích chung, hợp tác hữu hảo trước sau chiếm
đa số. Hai bên cần phải lấy quan hệ hữu hảo Trung Quốc Việt Nam cũng
như đại cục phát triển hai nước làm trọng, giữ vững phương châm tôn
trọng lẫn nhau, hữu hảo đàm phán, thu hẹp bất đồng, phát huy điểm chung,
xử lí tốt mọi tranh chấp". Tuy vậy, ông Tập Cận Bình đã không đả động
tới những hành động gần đây của Trung Quốc ngoài Biển Đông vốn là nguyên
nhân gây sút giảm lòng tin vào quan hệ hai nước nơi người dân và đảng
viên Đảng Cộng sản Việt Nam : kéo giàn khoan Hải Dương vào vùng biển
thuộc chủ quyền Việt Nam, cấp tập bồi đắp đảo nhân tạo trái với luật
pháp quốc tế, đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam... Nếu người ta dễ
dàng đồng ý với nguyên lý "lòng tin là nền tảng của quan hệ bạn bè" -
bởi bạn bè mà không tin nhau sao có thể là bạn bè, thậm chí bạn bè đích
thực còn có thể hy sinh cho nhau khi cần - thì người ta lại cũng không
thể không đặt ra câu hỏi : ai đã xem nhẹ "đại cục" phát triển hai nước,
ai đã tỏ ra thiếu tôn trọng lẫn nhau, ai đã mở rộng bất đồng, ai đã gây
mất lòng tin khi tiến hành những hoạt động nêu trên ?
Về
phần mình, thừa nhận bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông là một
thực tế, khi nói đến lòng tin, tuy không chỉ đích danh hoạt động cấp tập
bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông mà chỉ nêu yêu cầu Trung Quốc
không mở rộng tranh chấp, không quân sự hóa Biển Đông, Chủ tịch Trương
Tấn Sang đã đề nghị cụ thể hai bên cần đảm bảo an toàn hàng hải, hàng
không và các hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của ngư dân, cùng
nhau tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu
phát triển của cả hai nước và của khu vực. Lòng tin ở đây đi liền và dựa
trên những hành động cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và tinh thần
nhân đạo mà mọi quốc gia văn minh đều đề cao.
Trong
khi đó, trong văn cảnh câu nói của ông Tập Cận Bình, lòng tin là thứ gì
đó một chiều, trở thành con tin vô điều kiện cho "quan hệ hữu hảo" giữa
hai nước, bất kể Trung Quốc có hành động thế nào. Chẳng thế mà vừa rời
Việt Nam sang Singapore, ông Tập Cận Bình đã lại lên tiếng nhận vơ Biển
Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại, bất chấp những bằng
chứng lịch sử như tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và
Trường Sa của Thủ tướng Trần Văn Hữu tại hội nghị quốc tế San Francisco
năm 1951 mà không quốc gia nào phản đối.
Xem ra, lòng tin như vậy cũng có ba bảy đường.
Đoàn Khắc Xuyên
Nguồn : Một Thế Giới, 09/11/2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment