Ngày nay, hiện tượng dậy thì của các em học sinh ở cuối cấp tiểu học đã không còn hiếm gặp nên việc dạy các em những bài học liên quan đến giới tính được xem là cần thiết.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 5 của một trường tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội kể: “Mỗi năm quá trình dạy học cô đều chứng kiến nhiều học sinh nữ hốt hoảng, sợ sệt vì có hiện tượng 'đèn đỏ', cô hỏi mãi mới dám nói thật vì bị 'chảy máu'. Lúc đó một mặt tìm băng vệ sinh, một mặt phải giải thích để con hiểu đây là chuyện bình thường diễn ra ở các bạn gái, đồng thời thông báo để phụ huynh nắm được, cùng động viên và giải thích cho con”.
Giáo dục giới tính đã được đề cập tới trong chương trình giáo dục tiểu học như một nội dung quan trọng. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội |
Đôi khi, chứng kiến những lần con đọc vanh vách về các bộ phận của nam, của nữ khiến không ít phụ huynh cảm thấy “đỏ mặt”, ngại ngùng không biết giải thích ra sao(!?).
Nhiều phụ huynh cũng cảm thấy bất ngờ khi chứng kiến con mình được tiếp cận vấn đề giới tính từ sớm. Chị Thanh Hương (ở đường Kim Giang, Hà Nội) có con học lớp 4 của Trường tiểu học T.S (Hà Nội) cho biết: “Tụi trẻ giờ dậy thì sớm, nên các môn học về giới tính cũng khá sớm, ngay cấp tiểu học đã có đề cập các vấn đề liên quan tới giới tính. Tôi nhớ ngày trước phải lên lớp 8 tôi mới được học nội dung này ở môn Sinh học, nên giờ thấy con còn bé mà đọc to các vấn đề “nhạy cảm”, một cách hồn nhiên vì con chưa hình dung ra thế nào”.
Không ít phụ huynh đồng tình cách lồng ghép các môn học với học về giới tính ngay từ bậc tiểu học, thậm chí nhiều phụ huynh cho rằng dạy từ lớp 4, 5 là hơi muộn. Phụ huynh Nguyễn Đức Hoàn (ở đường Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Giờ trẻ phát triển khá sớm, lớp 5 mới học thì e cũng hơi muộn. Tôi được biết nhiều cháu yêu rất sớm từ những năm học lớp 6, 7 phần vì tò mò, phần vì chưa hiểu biết hết về giới tính nên có thể xảy ra hệ quả xấu. Bản thân các cháu cũng chưa hiểu biết,thiếu kiến thức giới tính”.
Trang sách “Giáo dục giới tính cho trẻ em” có ảnh minh họa nhà vệ sinh nam - nữ chung nhau. Ảnh: Gia đình & Xã hội |
Theo nhận xét của một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, hiện nay giáo dục giới tính trong trường học, đặc biệt là cấp tiểu học vẫn chỉ dừng lại ở tính hình thức, chưa có chương trình cụ thể, giáo viên lồng ghép chương trình với một số tiết dạy cho học sinh, chưa mang lại hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều bộ sách kỹ năng sống cho học sinh tiểu học cũng đề cập tới giáo dục giới tính, thế nhưng khi mua về không ít phụ huynh “tá hỏa” về những bộ sách sai lệch vẫn được bày bán trên thị trường.
Vừa qua, cư dân mạng có truyền tay nhau ảnh chụp trang sách “Giáo dục giới tính cho trẻ em” nhưng cuốn sách lại dùng bức tranh vẽ khu vệ sinh nam - nữ được gộp chung lại làm một, kèm câu hỏi: “Cách đi tiểu của bạn trai, bạn gái trong tranh có gì khác nhau nhỉ?”.
Mới đây, hình ảnh chụp trang sách “Thực hành kỹ năng sống” do Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội phát hành có nêu tình huống học sinh “sờ vào vùng kín của nhau”, dù là tình huống để phân biệt có hay không hành vi lạm dụng tình dục, nhưng cũng khiến phụ huynh ái ngại nếu như con em mình làm theo.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội: “Giới trẻ ngày nay dễ dàng tiếp cận mọi thông tin trên Internet, do vậy nếu không có định hướng rõ nét về giới tính, sức khỏe sinh sản hay cha mẹ thiếu sự quan tâm sẽ dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc cho trẻ và để lại những hậu quả lâu dài, đau lòng cho gia đình và xã hội.
Việc giáo dục cung cấp kiến thức liên quan tới sức khỏe sinh sản cho học sinh tại các nhà trường là rất cần thiết, kể cả ở bậc tiểu học. Song cần thực hiện bằng “đường vòng”, với cách dạy tế nhị, tránh tình trạng “vẽ đường cho hươu chạy”.
Giáo dục giới tính đòi hỏi thầy cô phải có kiến thức, luôn cởi mở giúp đỡ trẻ, phải kết hợp giữa nhà trường và gia đình mới mong mang lại hiệu quả cao nhất”.
Theo đó, trong giáo dục, gồm cả giáo dục giới tính, thầy cô, gia đình và xã hội phải gương mẫu, tăng cường giáo dục cho con trẻ, tạo môi trường trong lành theo đúng lứa tuổi, phù hợp và có chọn lọc để trẻ phát triển đúng độ tuổi của mình”.
TS Nguyễn Tùng Lâm
0 comments:
Post a Comment