Dân Mạnh là mạnh quyền lực , là mạnh về trí tuệ và mạnh khả năng đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng chung cho đất nước . Có như thế nước mới giàu thực sự . Có như thế dân mới thể hiện quyền làm chủ trong mọi hoàn cảnh .Khi Quyền Lực thuộc về toàn dân, và người dân cùng nối kết mọi lực lượng tổ chức đấu tranh từ trong ra ngoài nước quyết chống chủ thuyết giáo điều độc tài , khủng bố áp bức người dân thô bạo , và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân, thì chỉ có lúc đó LUẬT PHÁP, NHIÊM VỤ , VÀ CÁC CHỨC NĂNG nhà nước mới làm tốt vai trò của mình ,khi đó mới có sự CÔNG BẰNG và dân không còn BỊ QUẤY RỐI , THAM NHŨNG VÀ LẠM QUYỀN

Friday, November 6, 2015

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm có đáng lo với Việt Nam ?

Việt Nam sẽ đi vào một giai đoạn thử thách, hoặc có thể sụt giảm nghiêm trọng nếu không biết xoay xở, hoặc có thể đẩy mạnh tăng trưởng nếu biết lợi dụng cơ hội.

 
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc chia sẻ quan điểm xung quanh sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc tác động đến Việt Nam.
PV : Tháng thứ tám liên tiếp Chỉ số nhà quản trị nhà mua hàng (PMI-Purchasing Manager's Index) ngành chế tạo của Trung Quốc ở dưới mức 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, trong lúc kinh tế Trung Quốc vừa chứng kiến tốc độ tăng GDP chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, chỉ đạt 6,9% trong quý 3 năm nay. Ông bình luận như thế nào về bức tranh màu xám của kinh tế Trung Quốc ? Sự suy yếu kéo dài của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới có tác động như thế nào đến nền kinh tế thế giới ?
kttq2
Kinh tế yếu khiến người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế chi tiêu
Nguyễn Huy Quý : Tôi không cho rằng tình hình kinh tế Trung Quốc như vậy là bi quan bởi tốc độ tăng trưởng 6,9% trong quý III/2015 là bình thường. Theo kế hoạch Trung Quốc đề ra, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 7% và Trung Quốc đã vượt kế hoạch đó. Trung Quốc chủ động làm điều này do yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và trong kế hoạch năm 2015, chỉ tiêu tăng trưởng của Trung Quốc là trên dưới 7%. Trên, dưới một chút không quan trọng, vấn đề là kinh tế Trung Quốc phát triển ổn định. Năm ngoái kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,3% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm nay đạt 6,8%, nhưng như thế không phải là hụt. Trung Quốc không dễ dàng gì đạt được đến tốc độ này nên quan trọng là những giải pháp để đạt được tốc độ tăng trưởng đó.
Mới đây nhất, hôm 2/11, Trung Quốc đã nâng tỷ giá đồng nhân dân tệ với mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ qua (0,54%) sau khi 3 lần điều chỉnh giảm liên tiếp đồng nhân dân tệ với tổng cộng gần 5%. Tôi cho rằng đây là hiện tượng bình thường, không nên bình luận quá nhiều. Trung Quốc để cơ chế giao dịch đồng nhân tệ linh động với biên độ +/-2%, còn nếu cứ xuống hoặc cứ lên mới đáng lo ngại.
Bởi thế, đúng là kinh tế Trung Quốc đang suy giảm tốc độ tăng trưởng do những động lực tăng trưởng hạ thấp và do sự chủ động để chuyển đổi để chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế. Hội nghị trung ương 5 của Trung Quốc vừa qua đã bàn về kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) và chắc chắn họ sẽ đặt ra tốc độ tăng trưởng chậm hơn, có thể từ 5 đến hơn 6%. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc chứ chưa phải là suy thoái kinh tế và nó vẫn nằm trong mức độ khống chế của Trung Quốc.
Về chỉ số PMI ngành chế tạo Trung Quốc giảm tháng thứ 8 liên tiếp cũng là điều đáng quan tâm. Trước đây người ta hay nói Trung Quốc là công xưởng của thế giới, công nghiệp chế tạo là một trong những động lực phát triển kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện công nghiệp chế tạo của Trung Quốc đang suy giảm, nguyên nhân là do nhu cầu trong nước bão hòa, còn nhu cầu quốc tế suy giảm. Trong tương lai chỉ số PMI ngành chế tạo Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm và đây là lo ngại của các nước đối tác chuyên xuất khẩu năng lượng, nhiên liệu sang Trung Quốc. Nó làm giảm cơ hội xuất khẩu của các đối tác Trung Quốc nằm trong khối các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có tốc độ tăng trưởng lớn nhất so với Mỹ, Đức, Nhật nên đương nhiên sự giảm tốc của kinh tế nước này sẽ tác động đến sự giảm tốc nói chung của nền kinh tế thế giới. Sắp tới, kinh tế Trung Quốc giảm tới mức độ nào còn tùy thuộc vào việc thực hiện chiến lược "Một vành đai, một con đường", xuất khẩu vốn và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tôi, từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì được tốc độ phát triển trung bình cao. Ngay cả Mỹ dự tính năm nay cũng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,5%, còn Nhật thì vẫn loay hoay với nỗi lo suy thoái.
PV : Đối với Việt Nam, quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc, trong báo cáo mới đây gửi đến các ĐBQH, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không có tác động lớn trong ngắn hạn đến Việt Nam. Ông có đồng tình với quan điểm này và vì sao ?
Nguyễn Huy Quý : Tôi rất đồng tình với nhận định này. Trong ngắn hạn Việt Nam chưa chịu tác động gì lớn vì thông thường đồng nhân dân tệ suy giảm sẽ có lợi cho xuất khẩu, hàng hóa Trung Quốc có thể cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường Việt Nam. Nhưng thực tế hàng hóa Việt Nam nhập của Trung Quốc không có cạnh tranh, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt, giày da, những thứ Việt Nam không có. Nếu hàng Trung Quốc rẻ hơn thì Việt Nam được mua giá rẻ và càng có lợi, ngược lại đắt hơn thì phải mua đắt hơn. Ví dụ, quả cam, quả quýt Trung Quốc hạ giá sẽ cạnh tranh ngay trên sân nhà Việt Nam và nếu Việt Nam xuất khẩu cũng khó cạnh tranh được với họ. Còn máy móc, thiết bị từ trước đến nay dẫu Việt Nam không muốn nhập khẩu vẫn buộc phải nhập.
Sau này TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải tính đến việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào khác ngoài Trung Quốc nếu muốn hưởng các ưu đãi về thuế. Còn trong ngắn hạn, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chưa tác động nhiều đến Việt Nam.
PV : Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên vật liệu, máy móc phụ tùng phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng nông sản, nguyên liệu khoáng sản. Sự suy giảm kinh tế Trung Quốc khiến thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thay đổi như thế nào ? Ông nhìn thấy nguy cơ Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc ra sao ?
Nguyễn Huy Quý : Kinh tế Trung Quốc suy giảm khiến một số lĩnh vực chịu tác động ngược chiều. Ví dụ, khi xuất khẩu nguyên liệu năng lượng của Việt Nam sang Trung Quốc thì Việt Nam sẽ bị thiệt, nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng suy giảm. Còn đồng nhân dân tệ giảm giá trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam vì nó có lên chứ không hoàn toàn giảm giá.
Cũng cần nhắc lại rằng kinh tế Trung Quốc trước mắt chưa phải là suy thoái. Một số động lực tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm nhưng đồng thời những nhân tố tích cực để làm kinh tế tiếp tục phát triển vẫn tồn tại. Thứ nhất, Trung Quốc là nước đang phát triển, có thị trường để đầu tư. Thứ hai, Trung Quốc có thị trường tiêu thụ rất lớn và ngày càng phát triển nhờ số dân thuộc thành phần trung lưu lên tới hơn 400 triệu. Thứ ba, xuất khẩu vốn của Trung Quốc đã bắt đầu. Bởi thế, từ nay đến năm 2020 kinh tế Trung Quốc không có biến động lớn, Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc nhưng không xuống quá 5%.
Việc tăng nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc hay không thì phụ thuộc vào cải cách kết cấu, thị trường ngọai thương của Việt Nam.
PV :Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng được cơ hội, hạn chế tác động tiêu cực từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc ?
Nguyễn Huy Quý : Về khách quan thử thách từ nền kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam là vậy nhưng kinh tế Việt Nam có chịu được hay không, bị phụ thuộc nhiều hay ít còn tùy thuộc vào chủ quan của Việt Nam. Việt Nam có nhiều cơ hội và khả năng để cải thiện tình hình, chuyển đổi cơ cấu thương mại, thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm nay và khi TPP được thông qua. Ví dụ, Việt Nam phải kiểm soát nhập siêu, hình thành những trung tâm cung ứng nguyên liệu để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngay như ngành dệt may, hiện có nhiều doanh nghiệp của Ấn Độ có tiềm năng về công nghiệp sợi, dệt muốn đầu tư vào Việt Nam, vấn đề là Việt Nam lựa chọn thế nào.
Tóm lại, Việt Nam sẽ đi vào 1 giai đoạn thử thách, hoặc có thể sụt giảm nghiêm trọng nếu không biết xoay xở, hoặc có thể đẩy mạnh tăng trưởng nếu biết lợi dụng cơ hội.
Thành Luân
Nguồn : Đất Việt, 04/11/2015

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger