…ngay
đến các cơ quan công quyền nhà nước cũng buộc phải thay đổi tư duy quản
lý, điều hành nền kinh tế… để theo kịp những đòi hỏi của cái hiệp định
thương mại tự do mang tính thế kỷ này.
Thursday, November 26, 2015
TPP làm khó Nhà nước
7:27 PM
tuonglaidantoc
Với
TPP Nhà nước sẽ không còn được phép để cho các tổng công ty lương thực
gần như được độc quyền một mình một chợ trong xuất khẩu gạo. Ảnh TL
Nhiều
người tưởng ở Việt Nam chỉ có những doanh nghiệp và cá nhân hoạt động
trong những ngành kinh tế lâu nay được bảo hộ chặt chẽ bởi hàng rào thuế
quan và phi thuế quan thì sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi TPP có hiệu lực.
Thực ra không chỉ thế. Nhà nước cũng ngại TPP !
Có
khá nhiều yêu cầu mà TPP "làm khó" Nhà nước, bài này chỉ "nhặt" ra hai
yêu cầu điển hình. Đó là yêu cầu Nhà nước phải minh bạch hóa, công khai
hóa các quy trình, thủ tục luật lệ ; và Nhà nước không được tùy ý ra quy
định, thích ban hành văn bản pháp luật thế nào cũng được.
Đầu
tiên là nói đến nguyên tắc minh bạch hóa, công khai hóa, được nhấn mạnh
ở hầu hết các chương trong TPP. Lấy ví dụ về chương Quản lý hải quan và
thuận lợi hóa thương mại, một trong những "điểm đen" của Việt Nam trong
con mắt của các doanh nghiệp, cá nhân cả trong nước lẫn nước ngoài.
Chương này quy định các nước thành viên đảm bảo thủ tục hải quan của
mình là minh bạch, nhất quán và có thể dự báo được. Theo hướng này, các
nước thành viên phải công bố các quy định, luật lệ và thủ tục hải quan
trên mạng, và bằng cả tiếng Anh nếu có thể. Họ cũng sẽ phải công bố các
đầu mối liên lạc để sẵn sàng giải đáp các vướng mắc của giới doanh
nghiệp.
Cứ
giả thiết rằng Hải quan Việt Nam sẵn sàng tuân thủ một cách tự nguyện,
tự giác và tích cực điều khoản này thì ngay chuyện dịch từ tiếng Việt
sang tiếng Anh một "rừng" các thủ tục và quy định rồi công bố đầy đủ
trên trang web của mình đã và sẽ là việc không dễ. Thử vào trang web của
Tổng cục Hải quan, dễ dàng thấy khác biệt lớn về nội dung giữa hai
phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh (ở những mục, ví dụ, như văn bản pháp
luật, trong khi bản tiếng Việt có đến hàng trăm văn bản thì tiếng Anh
chỉ có mỗi một văn bản pháp luật ban hành năm 2015).
Về
đường dây nóng, bản tiếng Việt có cả một danh sách các đường dây nóng
về Ban chỉ đạo 389 quốc gia, về chống tiêu cực của đội giám sát kiểm
tra, chống gian lận thương mại, hỗ trợ thủ tục, quản lý rủi ro, trong
khi bản tiếng Anh thì chỉ có đường dây nóng cho hai vấn đề là gian lận
thương mại và quản lý rủi ro (không lẽ đối với người nước ngoài thì
không có chuyện tiêu cực hải quan nên không cần đường dây nóng về chống
tiêu cực ?). Tổng cục Hải quan là nơi mà thông tin bằng tiếng Anh là cực
kỳ quan trọng mà tình hình còn như vậy thì không biết ở những cơ quan
nhà nước khác thì tình hình sẽ còn tệ đến đâu nữa ?
Tiếp
theo, TPP luôn nhấn mạnh trong nhiều chương các nguyên tắc cốt lõi như
đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, tiếp cận thị trường, theo đó mọi
chủ thể kinh tế trong và ngoài nước đều phải được đối xử công bằng,
không thiên vị, không tùy tiện theo ý chí của Nhà nước. Trên các nguyên
tắc này, Nhà nước sẽ không còn được tùy ý làm những việc` tưởng như hiển
nhiên được làm như đối xử thiên vị, ưu ái riêng cho các doanh nghiệp
nhà nước. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại, Nhà nước sẽ không còn
được phép để cho các tổng công ty lương thực gần như được độc quyền một
mình một chợ trong xuất khẩu gạo cả nước, được hưởng những đặc quyền đặc
lợi như vay vốn không lãi suất để thu mua lúa, chế biến và xuất khẩu
gạo...
Trong
lĩnh vực tài chính ngân hàng, Nhà nước cũng sẽ không được ưu ái riêng
cho các ngân hàng có vốn nhà nước như được tiếp nhận các nguồn vốn ODA,
vốn chính phủ với lãi suất thấp, và những ưu đãi khác, đổi lại Nhà nước
sẽ "trưng dụng" các ngân hàng này trong một số "nhiệm vụ chính trị" nào
đó như vẫn xảy ra từ trước đến nay.
Hay
như chuyện Ngân hàng nhà nước đang kiến nghị Quốc hội và Chính phủ trao
thêm nhiều quyền hạn và cơ chế đặc thù cho Công ty Quản lý tài sản Việt
Nam (VAMC) để giúp nó thực hiện được tốt chức năng của mình là xử lý và
làm giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng cần phải được xem xét lại
vào thời điểm trước thềm TPP như hiện nay. Lý do là, nếu ưu ái riêng
cho VAMC những cơ chế và ưu đãi thì đây chính là một hành vi đối xử
thiên vị, bất công một cách công khai đối với các tổ chức quản lý tài
sản (AMC) khác hiện có và sẽ có của các ngân hàng thương mại và các tổ
chức tài chính vốn cũng đang thực hiện cùng một chức năng là xử lý nợ
xấu cho các ngân hàng thương mại.
Sự
vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cốt lõi của TPP như thế sẽ có thể
là nguyên nhân cho một ai đó có quyền lợi liên đới bị ảnh hưởng bởi hoạt
động của VAMC đứng lên khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa vì đã phân
biệt đối xử.
Tóm
lại, với sự "vào cuộc" của TPP thì ngay đến các cơ quan công quyền nhà
nước cũng sẽ bị tác động mạnh và buộc phải thay đổi tư duy quản lý, điều
hành nền kinh tế, cũng như lề thói làm việc hiện nay để theo kịp những
đòi hỏi của TPP nếu không muốn trở thành "nạn nhân" của cái hiệp định
thương mại tự do mang tính thế kỷ này.
Phan Minh Ngọc
Nguồn : TBKTSG, 24/11/2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment