Dân Mạnh là mạnh quyền lực , là mạnh về trí tuệ và mạnh khả năng đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng chung cho đất nước . Có như thế nước mới giàu thực sự . Có như thế dân mới thể hiện quyền làm chủ trong mọi hoàn cảnh .Khi Quyền Lực thuộc về toàn dân, và người dân cùng nối kết mọi lực lượng tổ chức đấu tranh từ trong ra ngoài nước quyết chống chủ thuyết giáo điều độc tài , khủng bố áp bức người dân thô bạo , và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân, thì chỉ có lúc đó LUẬT PHÁP, NHIÊM VỤ , VÀ CÁC CHỨC NĂNG nhà nước mới làm tốt vai trò của mình ,khi đó mới có sự CÔNG BẰNG và dân không còn BỊ QUẤY RỐI , THAM NHŨNG VÀ LẠM QUYỀN

Wednesday, November 25, 2015

Tác động từ di sản thuộc địa Algeria lên nước Pháp

RTX15KW4
Nguồn: Jonathan Laurence, “The Algerian legacy”, Foreign Affairs, 16/01/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Kể từ sau các cuộc tấn công vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và một siêu thị kosher của người Do Thái ở Paris, các nhà lãnh đạo Pháp và thế giới càng khẳng định quan điểm chung rằng những hành vi này đánh dấu một sự leo thang trong cuộc chiến tranh với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu. Để thể hiện sự quyết tâm đương đầu với thách thức chung này, 40 nhà lãnh đạo từ Italia đến Mali, từ Israel đến Palestine đã tham gia diễu hành từ quảng trường Cộng hòa tới quảng trường Dân tộc (tại Paris) Chủ nhật tuần trước (tháng 1/2015 – NBT).
Những điểm giống nhau giữa vụ thảm sát này và những sự kiện xảy ra trước đây nhằm trừng phạt những đối tượng được cho là xúc phạm đạo Hồi và nhà tiên tri Muhammad là không thể phủ nhận. Lệnh truy nã tử hình nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie năm 1989, vụ giết hại nhà làm phim người Hà Lan Theo van Gogh năm 2002, và vụ sát hại không thành họa sĩ biếm họa Đan Mạch Kurt Westergaard năm 2010 cũng nhằm vào các nghệ sĩ và nhà văn.
Việc những kẻ ra tay là các phần tử thánh chiến cũng là điều không còn lạ lẫm: những người trẻ tuổi sống ở một nước phương Tây, bị cô lập và thất vọng đã tìm đến một lực lượng cực đoan có tiếng tăm. Tất cả điều này đều cho thấy mối liên quan giữa các sự kiện xảy ra ở Pháp với cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Tiêu đề của báo Le Monde một ngày sau thảm họa khủng bố ở Paris, “Sự kiện 11/9 của Pháp,” và một phim hoạt hình được chiếu lại rộng rãi về một chiếc máy bay bay vào hai tòa tháp hình bút chì cho thấy rõ khía cạnh này.
Thế nhưng vẫn còn đó những dấu hiệu khác – quy mô và cường độ của các cuộc tấn công cũng như việc bao gồm một mục tiêu Do Thái bên cạnh các họa sĩ truyện tranh báng bổ cho thấy các sự kiện cuối tuần qua cũng có thể là sự tiếp nối của một chương chưa kết thúc trong lịch sử Pháp: cuộc chiến Algeria.
Mối liên hệ dai dẳng với cuộc chiến Algeria gây đau thương cho cả hai nước liên quan. Trước hai anh em nhà Kouachi, Cherif và Said, là phần tử khủng bố Mohammed Merah ở Toulouse vào năm 2012, và trước đó nữa là Khaled Kelkal từ Lyon vào năm 1995. Những kẻ tấn công hôm thứ Tư tuần trước đã được tuyển dụng và kích động bởi Farid Benyattou, một người Pháp gốc Algeria bị cầm tù một thời gian ngắn với các tội danh khủng bố khác.
Nhưng có một sự cảnh báo quan trọng về mối liên kết này: đây là những người Pháp, chứ không phải người Algeria. Kelkal rời Algeria khi mới 2 tuổi, và Merah, Benyattou, và Kouachis đều được sinh ra tại Pháp, theo học trường Pháp, có bạn gái Pháp, và bị giam giữ ở các nhà lao Pháp. Đó là lý do vì sao các nhà chức trách Algeria đã do dự khi người Pháp có ý muốn đưa thi thể của Merah “hồi hương” sau cuộc tấn công năm 2012. Lần này, các nhà quan sát Algeria nhấn mạnh sự hy sinh của hai nạn nhân người Pháp gốc Algeria – Mustapha Ourroud, một biên tập viên tại tòa báo Charlie Hebdo và sĩ quan cảnh sát Ahmed Merabet – cả hai người trong số họ đều bị hai anh em Kouachi bắn chết và được chôn cất tại Paris tuần này.
Vụ tấn công Charlie Hebdo ngày thứ Tư là vụ khủng bố đẫm máu nhất của Pháp kể từ năm 1961, khi một quả bom tấn công đoàn xe lửa từ Strasbourg đến Paris làm 28 người thiệt mạng. Cuộc tấn công đó cũng có dính líu tới Algeria, nhưng không phải là do Algeria. Trái lại, một nhóm người Pháp theo chủ nghĩa dân tộc – Tổ chức quân đội bí mật (OAS) – không muốn Pháp từ bỏ Algeria đã cài bom. Tổ chức OAS đã ám sát các quan chức Pháp bấy giờ đang tham gia đàm phán rút khỏi Bắc Phi và cho nổ hàng chục quả bom giết hại hàng trăm lính Pháp và hàng ngàn người dân Pháp.
Tất nhiên, cuối cùng OAS cũng không đạt được mục tiêu. Trong thời gian Pháp rút khỏi Algeria một cách hỗn loạn, hàng triệu bàn chân đen (pieds noirs – những người Pháp da trắng sống ở Algeria trước khi Algeria giành độc lập- ND) chạy trốn đến một vùng đất mà họ chưa hề biết tới. Đối với họ và những người ủng hộ đế chế Pháp khác, độc lập (cho thuộc địa) đồng nghĩa với phản quốc. Thật vậy, năm OAS khởi động các cuộc tấn công, ứng viên tổng thống tương lai Jean Marie Le Pen đã thành lập “Mặt trận Quốc gia Algeria thuộc Pháp.”
Tuy nhiên, ngay sau đó, mối quan tâm của Pháp với Algeria suy giảm, và một thập niên sau, Le Pen điều chỉnh tên đảng chỉ còn là “Mặt trận quốc gia”. Đến năm 1991, khi những người Hồi giáo đang trên đà giành 80 phần trăm số ghế quốc hội Algeria và chính phủ nước này hủy các cuộc bầu cử, Pháp chỉ giới hạn chỉ trích của mình bằng một lời nhận xét nhẹ nhàng về quyết định “có vẻ hơi bất thường”. Điều này cũng đủ để khiến người Algeria phiền lòng và kích động sự giận dữ của người Hồi giáo. Nhưng ngay cả khi chính phủ Pháp thực hiện bất cứ điều gì khác thì cũng vẫn có khả năng bị cáo buộc về những ý định thực dân kiểu mới.
Một cuộc nội chiến đẫm máu khác lại nổ ra ở Algeria vào thập niên 1990. Vào thời đó, nhiều nhà văn, nghệ sĩ và ca sĩ sáng giá nhất Algeria đã trở thành nạn nhân của những kẻ Hồi giáo cực đoan tàn bạo. Sự đoàn kết hiện tại của các hoạ sĩ biếm họa Algeria, những người được hưởng tự do ngôn luận đáng kể tại khoảng ba chục nhật báo của đất nước này, ủng hộ lập trường của trí thức Pháp chống lại việc các phần tử Hồi giáo cực đoan giết hại đồng nghiệp là thường dân của họ ở Algeria.
Chính trong bối cảnh này mà Kelkal, kẻ khủng bố Hồi giáo đầu tiên sinh ra và lớn lên chính trên đất Pháp, đã giết hại 8 người đồng hương vào năm 1995 và làm bị thương hàng chục người trong các cuộc tấn công riêng biệt khác, trong đó có một xe bom phát nổ bên ngoài một trường học Do Thái ở Villeurbane. Khi Kelkal gài bom trên đoạn đường sắt gần quê nhà năm 1995, hắn đã thực hiện tiếp điều mà OSA đã để dang dở hàng thập kỷ trước đó.
Lực lượng đặc nhiệm, dựa vào dấu vân tay Kelkal để lại, đã truy bắt hắn trong một cuộc truy lùng kéo dài hai ngày. Kelkal bị giết chết trên truyền hình trực tiếp, một cảnh tượng mà sau này công chúng Pháp đã chứng kiến thêm hai lần khác: với Merah và Kouachis.
Những sự kiện khủng khiếp này đã dẫn đến cuộc diễu hành thể hiện sự đoàn kết lớn nhất trong thời gian gần đây. Nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande từ chối mời đảng Mặt trận quốc gia góp mặt, và vì thế đảng này đã tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ lẻ, riêng biệt vào chủ nhật tuần trước. Cuộc diễu hành cũng không huy động được số lượng lớn hậu duệ của đế chế: những người trẻ gốc Ả Rập sống ở vùng ngoại ô.
Những hạn chế ít người thấy của sự biểu dương lẽ ra đã ấn tượng ngày chủ nhật vừa qua chỉ rõ mức độ lúng túng của các nhà lãnh đạo Pháp trong việc đối phó với những hậu quả chính trị của việc để tuột mất Algeria: một nhóm cánh hữu bền bỉ và một nhóm thiểu số Hồi giáo lớn.  Cả hai hiện đều không được hưởng bất cứ sự đại diện tương xứng nào trong quốc hội Pháp 50 năm sau đó.
Một tàn dư lịch sử thứ ba cũng đã góp phần tạo nên diễn biến tạp này: sự hình thành cộng đồng Do Thái Sephardi[1] ở Pháp. Cho tới thập niên 1970, người gốc Bắc Phi chiếm một phần lớn cộng đồng người Do Thái Pháp, nhờ sự di cư của người Do Thái từ Maghreb (vùng đất bao gồm Maroc, Angeria và Tunisia) và việc loại bỏ người Do Thái Ashkenazi (những người Do Thái có nguồn gốc Trung và Đông Âu – ND) bị trục xuất dưới chế độ Vichy. Pháp do đó gặp phải vấn đề mối quan hệ xấu đi giữa người Do Thái và người Hồi giáo trong cộng đồng dân Ả Rập ở nước mình. Hàng trăm ngàn người Do Thái tị nạn (từ Algeria) mà nhiều trong số đó là công dân Pháp hợp pháp đã hoàn toàn nhận thức được nhu cầu thiết lập một nhà nước Do Thái an toàn. Các bên cực hữu, đã bầu lên những quan chức địa phương đầu tiên vào cuối thập niên 1970, đã chứng kiến một cách kinh hãi căng thẳng gia tăng giữa các cộng đồng thiểu số mà lẽ ra nên ở lại Algeria thuộc Pháp.
Về việc tiếng nói của người Do Thái được lắng nghe nhiều hơn những người Hồi giáo và những người theo phe cánh hữu ở các Bộ và các cơ quan quyền lực của Pháp, thì đó là vì các tổ chức này ban đầu được lập ra cho và bởi người Do Thái Ashkenazi: Hội đồng giáo chủ Do Thái (Consistoire Israelite) do Napoleon thành lập vào năm 1807 và tổ chức vận động hành lang Do Thái mang tên Hội đồng đại diện các tổ chức Do Thái của Pháp (Conseil Représentatif des Institutions juives de France – CRIF), được thành lập dưới thời Đức Quốc Xã chiếm đóng vào năm 1943. Mặc dù có nguồn gốc xa xôi, những người Do thái Sephardi mới đặt chân tới cuối cùng cũng được gia nhập vào các tổ chức này.
Dẫu cho chủ nghĩa tuyệt đối của lý tưởng cộng hòa Pháp đã truyền cảm hứng cho các nền dân chủ trên toàn thế giới trong nhiều thế kỷ, chính sự điều chỉnh dần dần của những lý tưởng ấy sao cho phù hợp với thực tế xã hội và nhân khẩu học – trước tiên cho người Do Thái và trong tương lai, có lẽ, cho cộng đồng Hồi giáo hoặc cánh hữu – mới là điều có thể đem đến cho nước Pháp sự ổn định chính trị lâu dài.
Việc chấp nhận các thể chế cộng đồng tôn giáo – kể cả các thể chế cho những người Hồi giáo – trở thành một phần của đời sống chính trị Pháp đồng nghĩa với việc cho phép tồn tại một loại hình chủ nghĩa cộng đồng mềm mỏng: một sự trung gian giữa tư tưởng “hoàn toàn tự do” ở Mỹ vốn bị châm biếm rất nhiều với sự khước từ lâu nay những mối liên hệ công dân bên ngoài quan hệ với nhà nước của Cộng hòa Pháp. Các quy định bầu cử khiến Mặt trận Quốc gia ở không có thể có mặt trong quốc hội từ năm 1988 đến 2012 đã dẫn tới việc 25 % cử tri Pháp lựa chọn đảng này đại diện cho họ tại Brussels (tức EU) tháng Năm vừa qua.
Các cuộc tấn công tuần qua dường như đã đánh thức chính trị gia Pháp khỏi sự mê muội này. Giờ đây khi đang có được sự tập trung tuyệt đối, họ sẽ cần phải chọn cách thúc đẩy sự hòa nhập bao dung chưa từng có đối với các thành phần bị bỏ rơi của nền Đệ ngũ Cộng hòa, vốn có tính chính danh đang bị đe dọa.
Càng thành thật đối mặt với lịch sử vô cùng phức tạp này, tạo ra liên minh càng lớn nhằm đảm bảo sự thống nhất quốc gia tại một thời điểm kinh hoàng, bao gồm tất cả những người tin vào pháp trị, Hồi giáo, Do Thái, và cả cánh hữu – Pháp sẽ càng nhanh chóng tìm thấy một con đường vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Jonathan Laurence là phó giáo sư ngành khoa học chính trị trại Boston College và nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ và châu Âu, Viện Brookings.
Hình: Một cổ động viên bóng đá Algeria ăn mừng trước Khải Hoàn Môn, Paris. Nguồn: Pri.org.
———————–
[1] Tức cộng đồng người Do Thái từng sống ở Tây Ban Nha, sau đó bị trục xuất sang các nơi khác, trong đó có Bắc Phi, vào khoảng năm 1492.

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger