đừng
thách thức nhà nước có dám cho bầu cử tự do hay không, mà hãy tự thách
thức chúng ta có dám để cho cơ hội ấy mau tới bằng chính hành động của
mình hay không.
Wednesday, November 11, 2015
Miến Điện, tấm gương không dành cho Việt Nam
7:08 PM
tuonglaidantoc
Cả
ngày Chúa Nhật ngày 8 tháng 11 năm 2015, có lẽ dân tộc hạnh phúc và tự
hào nhất hành tinh này là Miến Điện. Họ hạnh phúc khi đưa ngón tay nhuộm
xanh lên khoe với thế giới rằng cuối cùng thì nhân dân Miến cũng đã
tiến tới được bến bờ dân chủ thật sự, dù cái bến ấy mới chỉ được đóng
tạm bằng những chiếc cọc tre để con thuyền chính trị của quốc gia ghé
lại. Nhưng niềm tin và sức mạnh để mang con thuyền vào được cái bến thô
sơ ấy chừng như đang hừng hực không gì có thể làm cho nguội đi.
Năm
mươi ba năm, một hành trình không thể gọi là ngắn để lật đổ một chế độ
quân phiệt toàn trị. Thế nhưng con số 53 năm ấy không ngưng một chỗ như
nước ao tù mà nó luôn khuấy động khi nhiều khi ít cho đến khi thành sóng
to bão lớn.
Trước
cuộc bầu cử của người dân Miến Điện, nhiều người Việt đưa ra câu thách
thức : "Tôi đố đảng cộng sản Việt Nam dám làm như Miến Điện". E rằng nếu
họ làm ngay, làm thật vào lúc này thì người đưa ra thách thức sẽ hối
hận ! Dễ hiểu lắm, bộ máy của nhà cầm quyền sẽ huy động tối đa để người
dân đi bầu…cho họ. Trớ trêu nhất mà ai cũng nhận thấy : người ra tranh
cử lúc này là ai, có đủ sáng giá cho người dân bỏ phiếu cho họ hay chưa ?
Hãy
nhìn thẳng vào những sự thật đã và đang làm cho Việt Nam tê liệt, chai
lì và trong một thời gian dài sắp tới khó nói có thể đủ mạnh làm cho nhà
nước này sợ hãi trong một cuộc phổ thông đầu phiếu dân chủ.
Bắt
đầu từ đâu cũng thấy một con số không. Người nông dân, hơn 80 % dân số
của Việt Nam là họ. Những tấm lưng trần giỏi giang trên đồng ruộng và
chưa bao giờ làm một điều gì khiến chính quyền lo lắng chứ nói chi tới
sợ hãi. Họ khuân vác sự thiếu thốn trong ý thức, kiên trì và chịu đựng
áp bức một cách đáng khen. Chính quyền gọi đó là lực lượng cách mạng và
sau 70 năm lực lượng cách mạng này vẫn còn có thể sử dụng qua việc nạo
vét tới cạn kiệt sức lao động của họ vào từng hạt lúa, con tôm để ngoác
miệng ra tự hào về tiềm năng phát triển kinh tế. Người nông dân ôm nỗi
lo đói nghèo nằm ngủ và chưa bao giờ trong giấc mơ của họ có một đêm mơ
được cầm lá phiếu để đi bầu.
Con
cái của họ, đứa nào đầu óc tối tăm sẽ tiếp tục gục đầu dưới ruộng, đứa
thông minh một chút lên thành phố thì chỉ một thời gian ngắn sẽ chạy
theo cái cách mà con ông cháu cha ăn chơi đàn đúm rồi lại chạy về nhà
trộm lúa giống cha mẹ đi bán để ăn chơi. Đứa nào may hơn một chút thì
kiếm tấm chồng xa xứ để mà trưng bày phô diễn với chị với em tại vùng
quê nghèo mà chúng bỏ đi.
Sinh
viên Việt Nam nhiều như trấu nhưng trong cái đám trấu ấy mấy người được
như sinh viên của Myanmar cách đây 23 năm. Họ hiên ngang đứng thẳng
trước mũi súng của quân phiệt, người này bị bắn ngã xuống, người khác
lại đứng lên. Trong ba ngàn con người đã hy sinh ấy sinh viên Việt Nam
có được mấy người ?
Trí
thức Việt Nam là một con số đáng tự hào trong khu vực. Nhưng vẫn chỉ là
con số thôi. Con số thống kê và con người trí thức cách biệt và chống
đối lẫn nhau. Giáo sư Tiến sĩ nhiều vô số kể nhưng lên tiếng ủng hộ biểu
tình chống Trung Quốc thì cả nước chỉ được vài người…trên mạng. Ấy là
chống Trung Quốc mà còn như thế nếu chống trực tiếp đảng và chính phủ
thì con số sẽ ra sao ?
Người Việt Nam gọi tên bà Aung San Suu Kyi cho … đỡ nhớ, vì đã quá lâu Việt Nam không có được một hình ảnh đáng kính như bà.
Nhưng
người ta không thể cứ nhớ và ước ao một lãnh tụ không hề có thật trong
cộng đồng của mình đang sống. Sự thay đổi chính trị nào cũng phải thay
da lột xác và chịu đớn đau. Không thể hỏi chừng nào mà nên hỏi tại sao
chưa có cái chừng nào ấy.
Cái
"tại sao" đầy dẫy mà dễ thấy nhất là từ chính mỗi người của chúng ta.
Hãy nhớ lại vài mẩu chuyện nho nhỏ để biết thêm hai chữ "tại sao" này.
Khi
Miến Điện bùng nổ biểu tình của sinh viên năm 1988, hàng ngàn sinh viên
bị bắn, lập tức sư sãi và dân chúng xuống đường bất kể chính quyền quân
phiệt đàn áp dã man. Hàng ngàn người vào tù trong đó có hàng trăm nhà
sư, kiên trì tranh đấu cho sự vùng dậy của sinh viên.
Việt
Nam biểu tình chống Trung Quốc bị nhà nước đàn áp dữ dội, người dân
đứng nhìn như thể họ không phải là người Việt. Một nhóm nhỏ bị tấn công,
bị bắt, bị hù dọa và sau đó liên tục bị sách nhiễu. Xã hội ung dung và
những con người "dại dột" đấu tranh đó chìm sâu vào bóng tối.
Miến
Điện có một nền văn hóa của nhà Phật. Đạo đức và căn bản làm người được
dạy dỗ trong các thế hệ sinh viên học sinh. Bi, trí, dũng của nhà Phật
chảy trong máu huyết của người dân Miến và vì vậy họ tôn kính lãnh tụ
của mình khi thấy sự dũng cảm và thông tuệ của bà là nguồn sinh lực cho
đất nước. Từ tôn kính dẫn tới phục tùng là điều hiển nhiên.
Trong
khi đó tại Việt Nam đạo Phật đã biến dạng trở thành buôn thần bán
thánh. Sư sãi không ngồi nhồm nhoàm bổng lộc thì cũng đứng lộng ngôn
trong tòa quốc hội. Một số sư ni chính đạo thì bị chính phật tử bao vây
mua chuộc khi đòi cho bằng được những lá xâm thật tốt cho mình.
Căn
bản văn hóa đã bị biến dạng như vậy nên thần tượng được nặn lên từ tro
tàn của lịch sử liền được người dân tha hồ thờ cúng. Thanh niên nhảy múa
trên những giai điệu đàn điếm và không chút tính người vì vậy khi ra
đường gặp kẻ thương tật hay tai nạn chết người chúng sung sướng chụp ảnh
mang khoe trên Facebook. Những kẻ trộm chó bị giết không cần biết tới
luật pháp là gì trong khi bọn trộm tài sản quốc gia lại được đám dân đen
ngưỡng mộ và chắt lưỡi vì mình không làm được như chúng.
Việt
Nam với môn lịch sử bị bóp méo theo khẩu vị của đám thân Tàu còn Miến
Điện lại sẵn sàng bỏ Tàu để tự lực cánh sinh bằng đôi tay và khối óc của
họ.
Aung
San Suu Kyi có một đảng chính trị đúng đắn với hàng trăm con người cộng
tác đầy tài năng. Những con người âm thầm nhưng mạnh mẽ và cương quyết
ấy góp phần tạo nên Aung San Suu Kyi trong khi ở Việt Nam chỉ cần một
người có vẻ đáng tin cậy liền bị nhiều thế lực khác nhau, trong đó có cả
thế lực tranh đấu, đồng minh đè cho bẹp xuống.
Người
Miến lưu vong không có khái niệm quốc cộng, họ chỉ tranh đấu nhằm lật
đổ quân phiệt để thành lập nền dân chủ và vì vậy sức mạnh của họ không
bị phân tán. Tiếng nói bền bỉ của họ đấu tranh cho bà Aung San Suu Kyi
được tự do đã nhắc nhở Hoa Kỳ và EU về người đàn bà bất khuất này và
cuối cùng cũng lật đổ được sự lạnh lùng của thế giới.
Việt
Nam mãi mê phân chia ranh giới và mỗi người tự vẽ cho mình một vòng
tròn cô lập. Không có một vòng tròn khép kín nào có thể nối được với một
vòng tròn khác để tạo thành sức mạnh. Những vòng tròn bản năng ấy làm
tê liệt sức chiến đấu trên mặt trận đấu tranh và tạo thêm niềm tin cho
chính quyền hơn là tạo cho họ sự lo lắng cần thiết.
Cần
thiết vì khi chính quyền lo lắng chính là lúc người dân biết được điểm
chết của họ để tiếp tục tranh đấu, nhấn mạnh vào sự lo lắng ấy bằng
những tác động cụ thể. Cũng như Miến Điện, khi bà Aung San Suu Kyi bị
quản chế, đảng của bà chưa bao giờ lặng yên một ngày mà công tác đánh
động quần chúng luôn được nêu cao, song song với sự yễm trợ của Mỹ và EU
chính quyền quân phiệt cuối cùng cũng phải nhượng bộ.
Việt
Nam không được một khuôn mẫu của Aung San Suu Kyi đã đành nhưng kể cả
chờ đợi một người tương tự xuất hiện cũng phải biết cách. Tư thế ngồi
chờ không phải là tốt đối với người hoạt động chính trị mà phải luôn
luôn đứng, cho dù đứng chờ đi nữa, vì khi đứng người ta có thể chạy ngay
ra đường khi có dịp, còn ngồi một thời gian quá lâu thì bắp thịt tê
cứng, cơ hội đến mà chỉ lê lết chạy sau người khác thì thật quá buồn !
Và
vì vậy đừng thách thức nhà nước có dám cho bầu cử tự do ngay vào hôm
nay hay không, mà hãy tự thách thức chúng ta có dám để cho cơ hội ấy mau
tới bằng chính hành động của mình bắt đầu từ hôm nay hay không.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 09/11/2015 (canhco's blog)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment