…pháp
lý đòi hỏi những tính toán cân nhắc kỹ càng… bởi một khi đã ra tòa là
chỉ có thắng hoặc thua, không chuẩn bị kỹ có thể đẩy chúng ta vào chỗ
rất bất lợi.
Thursday, November 26, 2015
Việt Nam được gì từ vụ kiện đường lưỡi bò do Philippines khởi xướng ?
7:35 PM
tuonglaidantoc
Ngày
24/11, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA-Permanent Court of Arbitration)
thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982
(UNCLOS) bắt đầu phiên điều trần tiếp theo kéo dài đến 30/11 để nghe các
bên liên quan trình bày lập luận của mình trong vụ Philippines kiện
Trung Quốc áp dụng, giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông.
Với
tư cách là một bên liên quan và được PCA mời dự thính, tác động ảnh
hưởng của phiên tòa này ra sao đối với Việt Nam đang là vấn đề được dư
luận đặc biệt quan tâm.
Tượng Nữ thần Công Lý, hình minh họa.
Làm rõ con đường pháp lý và khả năng giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua cơ quan tài phán quốc tế
3 nhóm vấn đề :
Philippines khởi kiện Trung Quốc 15 nội dung, tập trung vào 3 nhóm vấn đề :
Một là yêu sách đường chín đoạn Trung Quốc đưa ra dựa trên "quyền lịch sử" không phù hợp với UNCLOS cho nên nó vô giá trị ;
Hai
là Philippines yêu cầu PCA xác định xem, theo UNCLOS thì một số thực
thể mà cả Philippines lẫn Trung Quốc yêu sách là đảo, đá, bãi cạn lúc
nổi lúc chìm hay bãi ngầm nằm hoàn toàn dưới mực nước biển, trên cơ sở
đó để xác định hiệu lực pháp lý của các thực thể này đến đâu (có hay
không có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý).
Ba
là Philippines yêu cầu PCA tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi
cản trở Philippines thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán và
quyền tự do của Philippines theo UNCLOS cũng như việc Trung Quốc gây tổn
hại môi trường biển trong các hoạt động bồi lấp xây dựng đảo, đánh bắt
cá mà nước này tiến hành.
Hai giai đoạn thụ lý vụ kiện :
Gần
3 năm sau khi Philippines chính thức đệ đơn khởi kiện Trung Quốc ra
PCA, Tòa đã tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết đúng theo quy định
và trình tự của UNCLOS. Ngày 29/10, PCA ra phán quyết về thẩm quyền và
khả năng thụ lý vụ kiện, một thắng lợi ban đầu nhưng có ý nghĩa hết sức
quan trọng đối với vụ kiện của Philippines nói riêng, với các bên yêu
sách khác nói chung trong việc vận dụng giải pháp trọng tài xử lý tranh
chấp ở Biển Đông.
3
năm qua là khoảng thời gian cần thiết để PCA thực hiện giai đoạn đầu
tiên, xác định thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ kiện vì theo quy định
tại Điều 288 UNCLOS. Điều khoản này quy định, khi có sự bất đồng về việc
cơ quan tài phán có thẩm quyền xét xử vụ kiện hay không thì vấn đề thẩm
quyền sẽ do chính cơ quan tài phán ấy quyết định.
Trung
Quốc phản đối vụ kiện ngay từ đầu với lập luận PCA không có thẩm quyền,
nên các bước đi xem xét thẩm quyền xét xử của mình với vụ kiện đường
lưỡi bò trong 3 năm qua là đúng luật và cần thiết.
Chính
sự thận trọng này trong xem xét thẩm quyền xét xử vụ kiện, PCA mới ra
phán quyết có thẩm quyền xét xử 7 trong số 15 nội dung Philippines đệ
trình, tạm gác lại việc xem xét thẩm quyền xét xử 7 nội dung thực chất
và yêu cầu Philippines làm rõ 1 nội dung còn lại. Xin lưu ý là 7 nội
dung này PCA chỉ đang "tạm gác" chứ không bác bỏ hay thừa nhận thẩm
quyền xét xử của mình đối với chúng.
Ý nghĩa phán quyết của PCA về thẩm quyền xét xử :
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong phiên điều trần tại PCA lần trước. Ảnh : Rappler.
Bình
luận về ý nghĩa trong phán quyết của PCA về thẩm quyền xét xử vụ kiện
đường lưỡi bò, ngày 24/11 nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Lan từ Đại học
Cambrige, Vương quốc Anh bình luận trên Zing.vn :
"Tòa
Trọng tài đã góp một tiếng nói có trọng lượng nhằm bác bỏ các luận điệu
thường được Trung Quốc sử dụng từ trước đến nay để né tránh việc giải
quyết tranh chấp một cách thực chất.
Tòa
đã khẳng định quyền của quốc gia thành viên UNCLOS đơn phương khởi kiện
một quốc gia thành viên khác, miễn sao quá trình khởi kiện tuân thủ các
điều kiện của UNCLOS và hành động này không thể bị xem là thiếu thiện
chí hay lạm dụng thủ tục tố tụng.
Tòa cũng bác bỏ vị trí độc tôn của biện pháp đàm phán trong việc giải quyết tranh chấp như Trung Quốc vẫn lập luận.
Điều
này không có nghĩa là Tòa bác bỏ vai trò quan trọng của đàm phán trong
quá trình giải quyết tranh chấp nói chung, nhưng với phán quyết này, Tòa
Trọng tài đã gián tiếp khằng định đàm phán không thể trở thành một cái
cớ để quốc gia vin vào nhằm trì hoãn việc đi đến một giải pháp cuối
cùng".
Buộc lộ nguyên hình bản chất pháp lý của đường lưỡi bò Trung Quốc
Lâu
nay Trung Quốc vẫn sử dụng thủ đoạn "mù mờ có chủ đích" về yêu sách
đường lưỡi bò cũng như các căn cứ xác định đường lưỡi bò của họ trên
Biển Đông. Lần đầu tiên Trung Quốc công khai thể hiện yêu sách đường
lưỡi bò với tư cách một nhà nước là ngày 7/5/2009 trong trong Công hàm
gửi Liên Hợp Quốc số CML/17/2009 và CML/18/2009 và bản đồ đường lưỡi bò
đính kèm.
Trong các văn bản này, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố : "Chủ
quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Đông
và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối
với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng.
(xem bản đồ kèm theo)", tức theo đường lưỡi bò.
Ngay
trong các tuyên bố này, Trung Quốc đã tự chế ra khái niệm "vùng nước kế
cận" hoàn toàn không có trong hệ thống Công pháp quốc tế, bao gồm
UNCLOS.
Một
trong 3 nhóm nội dung chính mà Philippines khởi kiện Trung Quốc chính
là đường lưỡi bò dựa trên yêu sách về "quyền lịch sử" của Trung Quốc
không phù hợp với UNCLOS và do đó nó vô giá trị.
Trung
Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện từ đầu và đến nay vẫn tiếp tục bảo
lưu quan điểm, nhưng vẫn thông qua nhiều cách khác nhau để giải thích
với PCA lập trường của mình, trong đó quan trọng nhất là bản Tuyên bố
lập trường chính thức của Bộ Ngoại giao nước này tháng 12/2014 nói PCA
không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện.
Về
cái gọi là "quyền lịch sử", Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Biển Đông,
Học viện Ngoại giao bình luận trên trang nghiencuubiendong.vn cho rằng,
khái niệm này không tồn tại trong các điều ước quốc tế, không phải một
quy định trong luật tập quán quốc tế, cũng không phải một nguyên tắc
pháp luật chung.
Trung
Quốc sử dụng khái niệm "quyền lịch sử" mơ hồ và không có trong luật
pháp quốc tế này để giải thích vùng biển bên trong đường lưỡi bò là
"vùng nước lịch sử", "vịnh lịch sử" vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng
đồng quốc tế.
Theo
nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Lan, việc xác đinh bản chất và nội hàm của
yêu sách "quyền lịch sử" của Trung Quốc lại là một vấn đề thuộc về nội
dung thực chất của vụ việc. Chính vì thế, PCA quyết định gác lại vấn đề
thẩm quyền để xem xét trong Phiên điều trần về nội dung vụ việc đối với
một số đệ trình của Philippines có liên quan đến các ngoại lệ này.
Luật sư đại diện cho Philippines tại phiên điều trần của PCA.
Cần
lưu ý rằng, quyết định này của PCA không có nghĩa là Tòa từ chối thẩm
quyền đối với các đệ trình này như một số nhà phân tích đã nêu ra, cũng
không có nghĩa là Tòa xác nhận thẩm quyền và hay đưa ra bất cứ kết luận
gì về tính pháp lý của các yêu cầu của Philippines. Điều này chỉ đơn
giản là Tòa chưa thể đưa ra được kết luận được trong thời điểm này và
phải chờ đến phiên tranh tụng về nội dung thì mới có thể quyết định
được.
Còn theo Giáo sưJay Batongbacal, Đại học Philippines trả lời phỏng vấn trên Zing.vn ngày 24/11 : "Chính
phủ Philippines rất tự tin. Cá nhân tôi cho rằng Philippines có thể
chiến thắng ở một số nội dung, chứ chưa hẳn sẽ là toàn bộ các điểm khởi
kiện. Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất chính là giá trị pháp lý của
đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra. Tôi lạc quan rằng Philippines sẽ
thắng ở điều khoản này".
Như
vậy trong phần xét xử nội dung vụ kiện của Philippines tới đây, PCA sẽ
phải làm rõ thực chất đường lưỡi bò là gì, dựa trên cơ sở nào, yêu sách
"quyền lịch sử" hay "vùng nước lịch sử", "vịnh lịch sử" mà Trung Quốc
nêu ra biện hộ cho đường lưỡi bò có căn cứ và giá trị pháp lý hay không.
Nói
cách khác, đường lưỡi bò sẽ phải hiện nguyên hình bản chất pháp lý của
nó. Dù kết quả ra sao thì việc làm rõ được bản chất pháp lý của đường
lưỡi bò sẽ rất hữu ích đối với các bên liên quan, bao gồm Việt Nam trong
việc đối phó với tham vọng phi lý của Trung Quốc.
Giải đáp thắc mắc cho dư luận Việt Nam về việc đấu tranh bằng con đường pháp lý
Có
thể nói dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vụ kiện của Philippines,
với những hành động leo thang của Trung Quốc ngoài Biển Đông trong vụ
hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục
địa Việt Nam năm 2014 và bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở
Trường Sa hiện nay.
Có
rất nhiều quan điểm muốn Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ngay. Tuy nhiên,
qua quá trình thụ lý vụ kiện của Philippines một cách thận trọng, khách
quan của PCA, dư luận Việt Nam có thể tự tìm thấy câu trả lời và bài
học cho mình.
Thứ
nhất, có 4 cơ quan tài phán có thể xét xử các tranh chấp ở Biển Đông
với điều kiện thỏa mãn yêu cầu của từng cơ quan tài phán : Tòa án Công
lý quốc tế ICJ ; Tòa án Quốc tế về Luật Biển ITLOS, Tòa Trọng tài theo
Phụ lục VII UNCLOS và Tòa Trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII.
Thứ
hai, trên Biển Đông tồn tại nhiều mâu thuẫn, tranh chấp khác nhau.
Riêng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Hoàng Sa (do
Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp kể từ năm 1909, trước đó không hề có tranh
chấp kể từ khi Việt Nam xác lập chủ quyền hòa bình, hợp pháp ở Hoàng Sa
từ thế kỷ 17), cơ quan tài phán chỉ có thể xét xử khi Trung Quốc chấp
nhận ra tòa.
Thứ
ba, khi phê chuẩn UNCLOS Trung Quốc đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp
quốc tế, bám vào Điều 298 của Công ước để loại trừ quyền xét xử của các
cơ quan tài phán đối với 4 loại tranh chấp :
Các
tranh chấp về phân định biển ; tranh chấp về danh nghĩa lịch sử và vịnh
lịch sử ; tranh chấp về việc thực thi luật pháp liên quan đến nghề cá
và nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế ; tranh chấp
liên quan đến các hoạt động quân sự và các tranh chấp đang được Hội đồng
Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét.
Do
đó một khi Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối giải quyết tranh chấp
thông qua cơ quan tài phán quốc tế, các bên yêu sách chỉ có thể khởi
kiện họ những nội dung ngoài những gì phía Trung Quốc đã miễn trừ, ví dụ
như "ứng dụng và giải thích UNCLOS" trong trường hợp vụ kiện của
Philippines.
Bởi
vậy việc nghiên cứu vụ kiện của Philippines và tìm kiếm các nội dung có
thể đơn phương khởi kiện Trung Quốc mà luật pháp quốc tế, bao gồm
UNCLOS hỗ trợ là hết sức quan trọng. Việc ứng dụng giải pháp pháp lý
giải quyết tranh chấp Biển Đông như thế nào, cụ thể là có thể khởi kiện
Trung Quốc những nội dung gì, như thế nào là việc cần nghiên cứu rất kỹ,
nếu không họ có thể kiện ngược lại.
Cảnh sát biển Việt Nam đương đầu với hải cảnh Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981.
Thứ
tư, chính vì những kẽ hở của luật pháp quốc tế như Điều 298 UNCLOS mà
Trung Quốc có thể lợi dụng, nên không phải cứ đơn phương đâm đơn kiện là
cơ quan tài phán sẽ thụ lý ngay. Thông thường quá trình tố tụng sẽ trải
qua 2 giai đoạn như vụ kiện của Philippines : Xét xử thẩm quyền thụ lý
vụ kiện và xét xử nội dung vụ kiện. Philippines đã nghiên cứu và được tư
vấn rất kỹ mới có được thành công bước đầu nhưng rất quan trọng ngày
hôm nay.
Bình
luận về khả năng khởi kiện của Việt Nam, bên cạnh những quan điểm cho
rằng Việt Nam cần sớm khởi kiện Trung Quốc thì cũng có những quan điểm
cho rằng Việt Nam có thể khởi kiện, nhưng nên chờ vụ kiện Philippines
kết thúc.
Cần
lưu ý rằng, trong vụ kiện của Philippines, PCA không xem xét các nội
dung liên quan đến chủ quyền và phân định biển. Tuy nhiên việc PCA ra
phán quyết về quy chế pháp lý cho các thực thể ở Trường Sa có thể có tác
động đến lợi ích của Việt Nam, với tư cách là nước có chủ quyền đối với
quần đảo Trường Sa.
Nhưng
một khi đường lưỡi bò được làm rõ và bị PCA bác bỏ theo đơn kiện của
Philippines, thì đó là thắng lợi chung của khu vực, quốc tế bao gồm Việt
Nam, thắng lợi của luật pháp và công lý, đặc biệt là UNCLOS.
Thạc sĩ Hoàng Việt từ Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trên VOA ngày 22/11 : "Việt
Nam vẫn phải chờ đợi phán quyết từ tòa. Nếu giờ Việt Nam cùng tham gia
với Philippines trong phiên tòa này cũng không được vì có những xung đột
sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của Việt Nam.
Nếu
có, Việt Nam phải kiện một vụ hoàn toàn riêng của mình. Hiện tòa đã
giải quyết vướng mắc về thẩm quyền của tòa, nhưng còn nhiều vướng mắc
phía trước. Cho nên, phải đợi đến 2016 khi mọi việc ngã ngũ lúc đó Việt
Nam có những biện pháp pháp lý cũng không phải là muộn".
Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết : "Về
sự chuẩn bị của Việt Nam, Việt Nam cũng đã có một ban chuyên theo dõi
vấn đề Biển Đông. Trong phiên điều trần của Philippines hồi tháng 7 tại
tòa ở The Hague, Việt Nam cũng cử một đoàn tham dự để nghiên cứu, theo
dõi vấn đề.
Giải
pháp hoàn hảo nhất cho vấn đề Biển Đông là giải pháp tổng hợp từ ngoại
giao, quân sự, tăng cường nội lực, phát triển các mối quan hệ. Phải là
một giải pháp tổng thể mới có được tính thực chất".
Ngoài
ra cũng cần tính đến cả những hệ quả sau khi khởi kiện Trung Quốc. Tiến
sĩ Zachary Abuza, một chuyên gia tư vấn độc lập về an ninh Đông Nam Á
khi trao đổi với Tuần Việt Nam đã nhấn mạnh :
Đã
có nhiều nhiều cường quốc từng phớt lờ phán quyết của các tòa án quốc
tế. Nước Mỹ chính là một ví dụ điển hình, khi có cố tình né tránh phán
quyết của Tòa án Quốc tế về vụ kiện của Nicaragua. Và Mỹ đã phải trả giá
rất lớn bằng hình ảnh của họ trong vấn đề thực thi công pháp quốc tế.
Trong mắt của nhiều người, Mỹ giống như kẻ chuyên đi bắt nạt. Và Trung
Quốc trong vụ việc này cũng vậy.
Nói
như vậy để thấy rằng pháp lý là một biện pháp xử lý tranh chấp hoàn
toàn văn minh, hợp pháp và khả thi, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi những
tính toán cân nhắc kỹ càng mọi khía cạnh, mọi khả năng để đảm bảo cao
nhất quyền và lợi ích của quốc gia dân tộc. Bởi một khi đã ra tòa là chỉ
có thắng hoặc thua, không chuẩn bị kỹ có thể đẩy chúng ta vào chỗ rất
bất lợi.
Hồng Thủy
Nguồn : GDVN, 25/11/2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment