Dân Mạnh là mạnh quyền lực , là mạnh về trí tuệ và mạnh khả năng đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng chung cho đất nước . Có như thế nước mới giàu thực sự . Có như thế dân mới thể hiện quyền làm chủ trong mọi hoàn cảnh .Khi Quyền Lực thuộc về toàn dân, và người dân cùng nối kết mọi lực lượng tổ chức đấu tranh từ trong ra ngoài nước quyết chống chủ thuyết giáo điều độc tài , khủng bố áp bức người dân thô bạo , và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân, thì chỉ có lúc đó LUẬT PHÁP, NHIÊM VỤ , VÀ CÁC CHỨC NĂNG nhà nước mới làm tốt vai trò của mình ,khi đó mới có sự CÔNG BẰNG và dân không còn BỊ QUẤY RỐI , THAM NHŨNG VÀ LẠM QUYỀN

Wednesday, November 11, 2015

Cơ chế cho người giỏi

Người tài người giỏi nước ta có thiếu không ? Phải nói ngay : không thiếu. Nhưng chúng ta đang thiếu một cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao ấy thật đúng đắn và hiệu quả.

 
coche2
Một phó chủ tịch xã trẻ đang hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho dân bản (Nguồn : Internet)
Những ai quan tâm đến cuộc sống hiện tại chắc đều giật mình khi nghe đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh) trăn trở trên nghị trường, rằng tại sao chúng ta có 13 em đạt nguyệt quế "Đường lên đỉnh Olympia" ra nước ngoài du học mà lại những 12 cháu không trở về. Dù lý do gì đi chăng nữa, thì đó không phải là điều bình thường, nhất là với một nước đang phấn đấu thoát nghèo, đang rất thiếu người tài giỏi.
Thời nào cũng vậy, đất nước luôn cần người tài giỏi. Nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Trãi thế kỷ 15 từng ghi lại buổi đầu gian nan của cuộc kháng chiến chống quân Minh không phải chỉ thiếu ăn thiếu lính mà còn "tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu", cho thấy tầm quan trọng của lực lượng tinh nhuệ này. Và nhiều người biết, trong bài văn bia nổi tiếng hiện sừng sững ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), danh sĩ Thân Nhân Trung (thời Lê) có nhận xét để đời, lưu truyền hậu thế : "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, sẽ mạnh lên. Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi thấp xuống". Một lời ngắn gọn như vậy nhưng là sự đúc kết cả chặng đường dài lâu hàng nghìn năm của dân tộc, gói ghém cả quá khứ, hiện tại, tương lai.
Coi trọng người tài giỏi từng là chủ trương, sách lược nhất quán xuyên xuốt của Cụ Hồ. Vị chủ tịch đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chỉ ra rằng sự nghiệp cách mạng là của toàn dân nhưng đặc biệt phải bằng mọi cách thu hút được nhân tài, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, tôn giáo, đảng phái… Đông đảo nhân sĩ, trí thức đã tề tựu dưới ngọn cờ yêu nước, như Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Trần Đại Nghĩa… đã đóng góp lớn lao cho cách mạng và kháng chiến, một phần lớn nhờ vào chính sách trọng hiền tài ấy.
Sự nghiệp nào mà chẳng gian nan khó khăn, huống hồ công cuộc thúc đẩy đất nước phát triển, đem lại tự do cho dân tộc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Rất cần người tài giỏi, thậm chí cần hơn bao giờ hết bởi các quốc gia quanh ta đang phát triển như vũ bão, chỉ cần chậm vài nhịp là không bao giờ đuổi kịp. Phải có người giỏi, trí tuệ sắc sảo, kiến thức sâu rộng, tài năng hơn người, và tất nhiên có phẩm chất đạo đức cao đẹp, thì mới tác động mạnh, tạo chuyển biến cụ thể vào hành trình đi lên của đất nước. Điều đáng lo ở chỗ, từ cấp lãnh đạo trung ương tới người dân thường đều hiểu được sự cần thiết ấy nhưng thực tế lại không hẳn như vậy, thậm chí diễn ra theo chiều khác.
Chắc nhiều người còn nhớ một vài sự kiện liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao xảy ra thời gian gần đây. Đó là vụ 600 phó chủ tịch xã trẻ khỏe, được đào tạo bài bản, trình độ đại học, giàu nhiệt huyết, hăm hở đóng góp cho xã hội nhưng sau thời gian "về bản" tôi luyện, thử thách, trưởng thành thì bị xô qua đẩy lại. Ngay cả những xã nghèo, huyện nghèo, tỉnh nghèo đang rất thiếu người giỏi cũng không chịu nhận họ, với lý do rất khó nghe : không có chỉ tiêu, ngoài cơ chế, ngoài quy định. Rồi vụ Đà Nẵng "kiện nhân tài" bởi "nhân tài" phá vỡ hợp đồng, không thực hiện đúng cam kết ; hoặc dư luận xã hội cồn lên một dạo khi có những người trẻ giỏi độ tuổi 30 được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo này nọ. Đó là chưa kể cứ lâu lâu báo chí lại ấm ức thay cho những "kỹ sư chân đất, hai lúa" chế tạo máy móc cực kỳ hiệu quả nhưng không được đề cao, trọng dụng.
Người tài người giỏi nước ta có thiếu không ? Phải nói ngay : không thiếu. Nhưng chúng ta đang thiếu một cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao ấy thật đúng đắn và hiệu quả. Bất cứ ai muốn đem tài năng phụng sự đất nước đều cần được tôn trọng. Khi chúng ta chưa làm tốt cuộc "chiêu hiền đãi sĩ" được thì việc cần làm ngay là đừng để chảy máu chất xám, đừng để người giỏi cảm thấy bị phân biệt đối xử mà thui chột khát khao cống hiến hoặc ra đi.
Nguyễn Thông
Nguồn : Một Thế Giới, 09/11/2015

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger