Dân Mạnh là mạnh quyền lực , là mạnh về trí tuệ và mạnh khả năng đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng chung cho đất nước . Có như thế nước mới giàu thực sự . Có như thế dân mới thể hiện quyền làm chủ trong mọi hoàn cảnh .Khi Quyền Lực thuộc về toàn dân, và người dân cùng nối kết mọi lực lượng tổ chức đấu tranh từ trong ra ngoài nước quyết chống chủ thuyết giáo điều độc tài , khủng bố áp bức người dân thô bạo , và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân, thì chỉ có lúc đó LUẬT PHÁP, NHIÊM VỤ , VÀ CÁC CHỨC NĂNG nhà nước mới làm tốt vai trò của mình ,khi đó mới có sự CÔNG BẰNG và dân không còn BỊ QUẤY RỐI , THAM NHŨNG VÀ LẠM QUYỀN

Friday, November 6, 2015

Năng suất lao động Việt Nam thấp : Làm thuê kiểu... ăn đong

Việt Nam có 56 triệu lao động nhưng thực tế số người tham gia vào lao động thường xuyên chưa được 20 triệu… lao động chúng ta có nhưng chẳng làm việc gì,  không tạo ra giá trị.

 
Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, Việt Nam gia công cho nước ngoài theo kiểu thuê gì làm nấy, không có thị trường nên thua kém các nước.
Ăn đong
Dẫn riêng ngành dệt may làm ví dụ, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên cho biết, năng suất chung của ngành có thể thấp nhưng năng suất cá biệt của các doanh nghiệp không phải là thấp.
"Năng suất lao động phải tính theo mức độ lành nghề của người lao động. Ví dụ, ở Tổng Công ty may Hưng Yên, năng suất tính theo giờ trong năm 2014-2015 đã đạt tới 2,5 USD/giờ công, trong khi đó Thái Lan vào năm cũng chỉ đạt 2,5 USD/giờ công, Philippines 2,2 USD/giờ công. Nếu so năng suất lao động của Việt Nam năm 2014 với năng suất lao động của Thái Lan năm 2012 thì chúng ta tương đương. Như vậy, xét về năng suất cá biệt của doanh nghiệp, những đơn vị thấp nhất cũng bằng một nửa nước khác trong ASEAN, còn đơn vị khá có thể cao bằng nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, nếu so với năng suất chung của toàn ngành thì Việt Nam thấp hơn, chỉ bằng 60% của nước khác. Theo thống kê toàn ngành, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 1,5-1,8 USD/giờ công.
Những năm gần đây, ngành may Việt Nam mới bắt đầu phát triển nên công nhân có mức độ lành nghề chưa cao, những công ty có tuổi nghề (5-10 năm trở lên) có năng suất lao động tốt hơn, còn đơn vị mới thậm chí chỉ đạt 1-1,2 USD/giờ công".
andong2
Sản xuất tại Tổng Công ty May Hưng Yên
Lý giải về việc ngành may nói chung có năng suất lao động chưa cao so với các nước khác, kể cả so với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nếu tính theo USD, Chủ tịch Hội đồng quản trị May Hưng Yên nói, các doanh nghiệp FDI làm những mặt hàng chuyên biệt, ví dụ, chuyên làm sơ mi, hàng dệt kim, có thị trường nên chỉ cần 1 năm sau người lao động đã thuần thục. Thậm chí như dự án Hannes-Brands của Mỹ đầu tư tại Hưng Yên chuyên may quần lót nam và áo T-shirt, chỉ cần sau 1 tháng công nhân đã thuần thục.
Việt Nam không có loại hàng đó để làm. Doanh nghiệp Việt Nam hầu như lại phải ăn đong, người ta thuê gì làm nấy dẫn đến tình trạng năng suất lao động của doanh nghiệp dệt may Việt Nam không chuyên môn hóa cao và thường thấp hơn so với doanh nghiệp ở cùng thị trường Việt Nam.
"Bởi thế, nếu cứ nói năng suất lao động Việt Nam thấp cũng không hoàn toàn đúng. Chỉ có điều không thấp tại sao nhiều doanh nghiệp cứ kêu là các phí đóng quá cao, tăng lương như thế quá cao ? Các doanh nghiệp hiện nay trả lương theo tỷ lệ doanh thu. Ví dụ, May Hưng Yên trả 60% doanh thu, còn lại 40% để chi cho các khoản như ăn ca, bảo hiểm xã hội, các chi phí khấu hao, chi phí quản trị, quản lý...
Nếu bây giờ tăng bảo hiểm xã hội lên thì người lao động không còn 60% nữa vì bảo hiểm trước đây người ta tính là 7-8% trên tổng doanh thu, giờ tăng lên khoảng 9%, có nghĩa người lao động bị giảm đi 2%. Năm vừa qua May Hưng Yên có đơn vị trả lương bình quân 7,5 triệu/người/tháng, có đơn vị đạt đến 8,5 triệu/người/tháng, nhưng nếu bảo hiểm xã hội tăng thì thu nhập của người lao động sẽ bị thấp đi.
bảo hiểm xã hội là vấn đề rất lớn. Hiện nay các nước trong khu vực như Malaysia, bảo hiểm xã hội chỉ chiếm 13% trên tổng lương, nhưng Việt Nam đã thu 32,5%, cộng với 2% công đoàn, tức đã thu 34,5%. Điều dó dẫn đến tình trạng thu quá lớn, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao người ta tranh cãi có tăng lương hay không. Tăng lương tùy thuộc vào năng suất lao động. Năng suất lao động Việt Nam không thấp nhưng tăng không quá 5%/năm trong khi yêu cầu tăng lương mười mấy phần trăm một năm, vượt quá xa năng suất lao động, trái cả về điều kiện thực tế và quy luật phát triển kinh tế", ông Nguyễn Xuân Dương chỉ rõ.
Cũng theo ông Dương, năng suất lao động quốc gia dựa trên GDP chia cho số lao động. Ví dụ, tổng số lao động của Việt Nam là 56 triệu, một năm GDP Việt Nam là 220 tỷ USD, chia cho số lao động trên thì rất thấp, trong khi đó Singapore GDP khoảng 900 tỷ USD chia cho hơn 3 triệu lao động nên năng suất lao động rất cao. Ở Việt Nam thậm chí có 56 triệu lao động nhưng thực tế số người tham gia vào lao động thường xuyên chưa được 20 triệu. Năng suất lao động quốc gia Việt Nam thấp hơn nhiều so với khu vực vì lao động chúng ta có nhưng chẳng làm việc gì, thậm chí có những ngành tham gia nhưng không tạo ra giá trị.
Đứng trên vai người khổng lồ
Trước câu hỏi nếu cứ gia công giá rẻ cho nước ngoài mãi, năng lực kinh tế Việt Nam sẽ ra sao, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng : "Trước hết phải khẳng định Việt Nam không thể tranh với doanh nghiệp ngoại. Chẳng hạn, Walmart là tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ có thể có hàng chục nghìn cửa hàng và họ đã xây dựng thương hiệu hàng trăm năm nay, họ có thể bán chiếc áo sơ mi giá 50 USD nhưng dù áo sơ mi của May Hưng Yên đưa vào đó bán giá 20 USD cũng chẳng ai mua. Đây là vấn đề thương hiệu. Việt Nam không có thị trường, thị trường là của người ta và đừng nghĩ có thể tranh chấp được chuyện đó.
Phải xác định chúng ta đứng trên vai những người khổng lồ, hãy cứ làm tốt nhất từ năng suất tới chất lượng ở công đoạn của mình để doanh nghiệp ngoại không thể không đầu tư vào Việt Nam, để đến lúc người ta phải chỉ định mặt hàng đó chỉ sản xuất tại Việt Nam mà không phải nước khác, khi ấy giá của chúng ta dần dần từng bước được nâng lên. Còn bây giờ cứ tranh chấp, cứ kêu gào đầu tư vào sợi, dệt... trong khi thị trường không có thì chỉ rơi vào tình trạng càng đầu tư càng lỗ. Bài học dệt nhuộm Phố Nối của Tập đoàn Dệt may là 1 ví dụ, đầu tư hàng trăm tỷ cuối cùng đắp chiếu để đấy".
Bên cạnh đó, để cải thiện năng suất lao động, ông Dương khẳng định, trước hết phải nâng cao tay nghề cho người lao động. Lâu nay xảy ra tình trạng người lao động khi ra trường không dùng được nên hầu hết các doanh nghiệp phải tự đào tạo, có thể đào tạo từng bước hoặc nhiều bước, tùy theo loại hình sản xuất. Ví dụ, sản xuất chuyên môn hóa cao thì chỉ đào tạo từng công đoạn để người lao động nâng cao năng suất.
Về quản lý, quản trị, giảm số lao động không trực tiếp tạo ra sản phẩm thông qua đầu tư công nghệ thông tin.
Ngoài ra, đầu tư về thiết bị, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may đã đầu tư tương đối hiện đại. Còn lại một số doanh nghiệp mới thành lập không có tiền đầu tư thiết bị của Nhật thì phải sắm thiết bị Trung Quốc và chấp nhận phương án khi đã có điều kiện thì 2-3 năm sau bán thiết bị đó đi, đầu tư thiết bị mới.
Riêng với May Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, một năm doanh nghiệp ông đào tạo khoảng 20-30% số lao động. Cách đào tạo không phải theo kiểu của nhà trường mà là đào tạo phân khúc. Ví dụ, khi mới vào có thể đào tạo 1-2 tháng để người lao động có thể làm được một số công đoạn cơ bản, hiểu được yêu cầu công việc, nâng cao ý thức, sau đó 5-7 tháng những người có khả năng sẽ được đào tạo tiếp để làm thêm bộ phận trung bình và khoảng 1 năm sau thì tiếp tục chọn những người khá để đào tạo làm những công đoạn khó. Sau khoảng 2 năm, một người lao động có thể làm 4-5 bộ phận, trong dây chuyền sản xuất, người nào thiếu, vắng lập tức họ có thể sang làm được, những người này gọi là thợ toàn năng.
Về máy móc, May Hưng Yên chủ trương cứ 5 năm thay đổi một thế hệ máy móc, thậm chí các thiết bị dưới 20 triệu chỉ khấu hao trong 2-3 năm là hết, phải thay thiết bị khác.
Khẳng định cơ hội của ngành dệt may trước TPP, nhưng ông Dương cũng lưu ý rằng còn rất nhiều thách thức, đặt biệt là dệt may Việt Nam phải đối mặt với quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Muốn đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế, Việt Nam chỉ có cách mua nguyên liệu của các nước thuộc TPP.
"Sợi chúng ta đã có, giờ đầu tư dệt, nhuộm. Ba công đoạn này nếu bây giờ đầu tư thì quá đắt. Lâu nay doanh nghiệp may Việt Nam mua của Trung Quốc 1 đồng, dẫu có chịu thuế thì vẫn có lãi, còn nếu tự làm mất 1,5 đồng, trừ cả thuế ưu đãi rồi mà vẫn lỗ thì có ai làm hay không ? Đây là vấn đề kinh tế, chủ trương là thế nhưng Nhà nước phải hỗ trợ vốn, tạo điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chưa Việt Nam lấy đâu tiền để đầu tư dệt may ?
Năm 2013, tập đoàn Texhong của Hồng Kông đầu tư một lần vào nhà máy sợi ở Quảng Ninh tới 500 triệu USD (11.000 tỷ đồng), bằng 2 lần vốn điều lệ của Tập đoàn Dệt may. Tập đoàn Dệt may đang chuẩn bị lập khu công nghiệp dệt may tại Nam Định để lôi kéo nước ngoài đầu tư 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Đây là con đường đi của doanh nghiệp Việt Nam, không có vốn phải hợp tác liên doanh với nước ngoài. Vừa rồi chúng tôi làm việc với một số doanh nghiệp Ấn Độ, họ nói nếu chúng tôi đồng ý họ có thể đầu tư vào nhưng với điều kiện chúng tôi phải bỏ tiền 1 phần, bao tiêu sản phẩm nhưng Việt Nam làm gì có thị trường để mua vải ? Đây là vấn đề Nhà nước phải cùng với ngành may, kết hợp với nước ngoài mới có thể làm được", ông Dương nói.
Thành Luân
Nguồn : Đất Việt, 04/11/2015
**************************
Doanh nghiệp FDI "đỏ mắt" tìm nhân sự cao cấp người Việt (VnEconomy, 04/11/2015)
Điểm yếu về tiếng Anh khiến cho nguồn nhân lực này tại Việt Nam càng trở nên khan hiếm...
andong1
Cuộc khảo sát của Navigos Search cho thấy, có 41% người đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho doanh nghiệp mình.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho biết, khó khăn và thách thức lớn nhất đối với họ trong vấn đề hoạt động vẫn là không tuyển được nhân sự quản lý.
Báo cáo "Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài" của Navigos Search, công ty hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp, vừa công bố cũng phần nào phản ánh được bức tranh về sự khan hiếm nguồn nhân sự này.
Cụ thể, có 41% người đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho doanh nghiệp mình. 
Bên cạnh đó, 56% ý kiến tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng họ đang gặp phải thách thức lớn nhất đến từ sự cạnh tranh gay gắt về mức lương, thưởng tốt hơn từ các công ty cùng ngành.
Hai thị trường Thái Lan và Singapore, mức độ này còn gay gắt hơn khi có đến 84% ý kiến ở Thái Lan và 82% ý kiến ở Singapore cho thấy đây chính là khó khăn lớn nhất đối với họ khi giữ chân nhân sự cấp quản lý.
Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đưa tiếng Anh vào top 3 các tiêu chí, yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định tuyển dụng nhân sự quản lý, thì đây là điểm yếu nhất đối với người Việt Nam.
Báo cáo của Navigos Search chỉ ra, trong khi tại Singapore, tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên đối với đội ngũ nhân sự trung và cao cấp, chỉ có 2% số người tham gia phỏng vấn ở Singapore cho rằng tiếng Anh là yếu tố quan trọng, và là trở ngại đối với họ thì tại Việt Nam, con số này là 31%.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết, việc thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao của các công ty nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán chưa có lời giải. Không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà qua khảo sát này chúng ta cũng có thể thấy được đây là vấn đề mang tính khu vực.
Tuy nhiên, theo bà Vân Anh, điểm yếu về tiếng Anh khiến cho nguồn nhân lực này tại Việt Nam càng trở nên khan hiếm vì họ giỏi về kiến thức chuyên môn vẫn không đủ điều kiện để tuyển dụng.
Khi vẫn phải đưa yếu tố tiếng Anh vào trong các quyết định tuyển dụng nhân sự quản lý người Việt tại các công ty nước ngoài cho thấy, kỹ năng thành thạo tiếng Anh ở đội ngũ này vẫn đang là một trở ngại lớn trong việc hòa nhập với môi trường làm việc đa quốc gia.
"Và, đến cuối tháng 12/2015, Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC) được thành lập sẽ cho phép sự tự do luân chuyển lao động trong 10 nước ASEAN, trước mắt là trong 8 ngành nghề. Việc này sẽ đặt đội ngũ quản lý người Việt trước một thách thức không nhỏ khi phải cạnh tranh với đội ngũ nhân sự tương tự đến từ các nước láng giềng, vốn có thế mạnh về tiếng Anh như Singapore, Philipines, Thái Lan…", đại diện Navigos Search phát biểu.
Quỳnh Lam

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger