Dân Mạnh là mạnh quyền lực , là mạnh về trí tuệ và mạnh khả năng đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng chung cho đất nước . Có như thế nước mới giàu thực sự . Có như thế dân mới thể hiện quyền làm chủ trong mọi hoàn cảnh .Khi Quyền Lực thuộc về toàn dân, và người dân cùng nối kết mọi lực lượng tổ chức đấu tranh từ trong ra ngoài nước quyết chống chủ thuyết giáo điều độc tài , khủng bố áp bức người dân thô bạo , và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân, thì chỉ có lúc đó LUẬT PHÁP, NHIÊM VỤ , VÀ CÁC CHỨC NĂNG nhà nước mới làm tốt vai trò của mình ,khi đó mới có sự CÔNG BẰNG và dân không còn BỊ QUẤY RỐI , THAM NHŨNG VÀ LẠM QUYỀN

Friday, November 6, 2015

Vụ ‘Luật sư bị đánh’ cho thấy điều gì ?

…tình trạng cơ quan điều tra hiện nắm giữ nhiều quyền hạn không hợp lý. Ví như quyền cấp giấy chứng nhận cho luật sư bào chữa, đây là sự áp đặt vô lý mà giới luật sư lâu nay đã phải cam chịu.

 
 
bidanh2
Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa có công văn đề nghị khởi tố vụ án hai luật sư Trần Thu Nam (trái) và Lê Văn Luân bị hành hung hôm 3/11/2015.
Chiều hôm qua, 3/11 Luật sư Trần Thu Nam và Luật sư Lê Văn Luân có buổi làm việc tại gia đình em Đỗ Đăng Dư, vị thành niên 17 tuổi bị đánh đập dẫn đến tử vong tại trại tạm giam số 3 Công an thành phố Hà Nội.
Khi hai luật sư ra về đã bị một nhóm đông người chặn xe hành hung đánh đập khiến các luật sư máu me đầy mặt, mắt mũi sung húp.
Nhưng có cái gì như là sự vô lý trong sự việc này, bởi lẽ vụ án Đỗ Đăng Dư đang được đông đảo công luận quan tâm theo dõi và thủ đô Hà Nội đang diễn ra Đại hội đảng bộ cấp thành phố. Những người hành hung luật sư chẳng lẽ không nghĩ tới hậu quả dư luận hay sao ?
Tuy vậy, xét kỹ thì đây là sự vô lý cũng có nguyên nhân hợp lý của nó, là luật sư trong cuộc sẽ còn nhận thấy nhiều điều chướng tai gai mắt xung quanh vụ án này.
Việc gửi đơn
Sau khi được gia đình em Đỗ Đăng Dư mời tham gia bảo vệ, các luật sư đến gửi hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bảo vệ tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, về nguyên tắc khi gửi tài liệu chúng tôi cần có giấy biên nhận của cơ quan điều tra.
Nhưng thay vì đưa ra giấy biên nhận, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của chúng tôi lại ghi vào tờ giấy là Biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Lúc đầu tôi nghĩ chắc do hết loại giấy biên nhận nên mới dùng loại giấy này, nhưng không phải. Nhiều hôm sau khi các luật sư quay lại để nhận giấy chứng nhận nhưng không được, các luật sư đã làm đơn khiếu nại và gửi ngay. Và khi tiếp nhận đơn khiếu nại cán bộ trực vẫn ghi vào Biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đưa lại cho chúng tôi.
Như vậy là cơ quan điều tra đã thường xuyên sử dụng biên bản tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm, dùng vào những việc khác không đúng nội dung tính chất, đây là lối làm việc cẩu thả, tùy tiện của cơ quan điều tra.
bidanh3
Các luật sư Lê Văn Luân, Trần Thu Nam, Nguyễn Hà Luân, Ngô Ngọc Trai (thứ hai, ba, tư và năm từ trái sang) trong lần tiếp mẹ vị thành niên Đỗ Đăng Dư (thứ ba, phải)
Cũng trong buổi đến làm việc, mặc dù đã báo qua cán bộ trực cũng như trực tiếp liên hệ qua điện thoại, các luật sư ngồi chờ ở dưới sảnh. Rất lâu sau đó một cán bộ điều tra viên thụ lý đi qua mặt chúng tôi, một luật sư gọi tên lên tiếng hỏi thì anh ta không thèm quay người lại mà chỉ ngoảnh mặt bảo rằng việc đó sẽ trả lời sau rồi đi thẳng.
Điều đáng nói là điều này diễn ra ở thời điểm mà cơ quan điều tra đã vi phạm quy định về thời hạn cấp giấy chứng nhận mà luật quy định chỉ trong vòng 03 ngày làm việc. Hành xử của cán bộ điều tra khiến luật sư cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, ngoài ra thấy pháp luật bị vi phạm dễ dàng ngang nhiên quá.
Mời làm việc
Hôm 26/10 Cơ quan điều tra có Giấy mời bà Đỗ Thị Mai mẹ em Đỗ Đăng Dư đến làm việc, Giấy mời ghi là mời lần 2, nhưng khi luật sư hỏi bà Mai đã mời lần 1 khi nào thì bà Mai nói đã mời lần 1 khi nào đâu, vậy chưa mời lần 1 sao đã có giấy mời lần 2 ?
Sáng hôm đó bà Mai không đến cơ quan điều tra, đến trưa có công an xã đến nhà thông báo rằng 2 giờ chiều cán bộ điều tra sẽ về nhà bà Mai làm việc, bà Mai báo cho luật sư biết nên hai luật sư đã về nhà bà Mai có mặt lúc 2 giờ chiều.
Nhưng ngồi đợi chán đến hơn 3 giờ chiều không thấy ai đến, cuối cùng có hai công an xã bước vào và đưa giấy mời lần 3 cho bà Mai mời ra Ủy ban nhân xã làm việc vào lúc 3 giờ 15 phút chiều.
Nhìn đồng hồ khi đó thì là 3 giờ 16 phút, bà Mai có ý kiến rằng quá thời gian ghi trong giấy mời tôi mới nhận được giấy nên không sang Ủy ban nhân dân xã làm việc (mặc dù lúc đó có 2 luật sư đang ở đó chờ làm việc), vì việc gửi giấy báo chậm khiến bà không thể có mặt đúng giờ.
Những nội dung này cho thấy lối làm việc như trò chơi mèo vờn chuột nhảm nhí, trong khi vụ án có hậu quả chết người không có gì đáng cợt nhả cả.
Vấn đề bị đánh
Theo lời luật sư bị đánh thì khi mới đi khỏi nhà bà Mai được vài trăm mét thì có nhóm 8 người chặn xe ô tô và đánh đập hai luật sư, một người trong nhóm được nhận diện là thành viên của công an xã.
Sự việc này kết nối với thông tin sự việc xảy ra trước đó một thời gian, một nhóm người đến nhà thăm hỏi gia đình em Đỗ Đăng Dư đã bị các cán bộ được cho là an ninh mặc thường phục đến xô đẩy giằng co đe dọa ở sân nhà bà Mai.
Chính quyền địa phương cũng nhiều lần cho cán bộ xã đến vận động gia đình bà Mai rút đơn để được bồi thường, họ cũng cho phát trên loa truyền thanh địa phương nội dung rằng em Đỗ Đăng Dư bị những người giam giữ cùng đánh đập dẫn đến tử vong chứ không phải ai khác (trong khi chưa có kết luận điều tra rõ ràng) và gia đình bà Mai cần tránh bị xúi giục bởi những người xấu bên ngoài.
bidanh4
Dường như có 'bên trọng, bên khinh' trong đối xử của chính quyền giữa các ngành an ninh - công an với giới luật sư, theo tác giả.
Xâu chuỗi những sự việc này lại cho thấy lối hành xử vô lối của chính quyền địa phương đối với gia đình nạn nhân và luật sư bảo vệ.
Chính quyền các cấp muốn vụ việc này xẹp đi để tránh xấu mặt họ, họ không muốn gia đình bị hại và luật sư nói cái sai cái xấu của họ ra, điều này chẳng khác nào khiến người ta chết người còn cấm không cho nhà người ta khóc.
Có cái gì như là sự ngang trái bạo ngược trong sự việc này.
Bên trọng bên khinh
Có một sự thật cần thừa nhận, đó là vị thế người luật sư rất yếu. Luật sư chúng tôi không phải là mình đồng da sắt gì mà không biết sợ, một mặt chúng tôi sợ bị tấn công, bị tai nạn hay tử vong, mặt khác lâu nay vai trò luật sư vẫn bị các cơ quan hành chính tư pháp xem thường.
Ngược lại ngành an ninh được coi là nòng cốt của chế độ, là ngành có uy quyền lớn trong hệ thống chính quyền mà bất cứ người dân, doanh nghiệp, hội đoàn hay cơ quan nào cũng đều phải nể sợ.
bidanh5
Cơ quan công an Hà Nội đã có chỉ đạo điều tra, xác minh vụ hai luật sư bị hành hung, theo báo chí Việt Nam.
Một bên thì có quyền bắt bớ, có nhà tù súng đạn, còn chúng tôi là những luật sư không có gì trong tay ngoài mớ kiến thức pháp luật ở trong đầu. Bằng lương tri trách nhiệm chúng tôi lên tiếng trước những ngang trái bất công, và không thể im lặng trước quyền hành bạo ngược.
Bản thân tôi nói thực cũng lo sợ trước những gì mà ngành an ninh có thể làm, ngoài việc bị quy cho là vi phạm các quy định pháp luật hiện tại, tôi tin là ngành an ninh còn có cả những đội nhóm sát thủ dấu mặt như chơi trò trốn tìm.
Cho nên để hạn chế nguy hại, trong mọi việc chúng tôi chỉ làm theo pháp luật, ý thức được thân phận hẩm hiu của mình trong cơ chế tư pháp nhiều trái ngang, chúng tôi không dám làm gì sai và không muốn trêu trọc vào lực lượng an ninh nhiều quyền lực. Song các ngành cũng đừng làm những việc khiến lương tâm chúng tôi thổn thức và phẩm giá con người buộc chúng tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ.
Nhiều quyền và mất kiểm soát ?
Có một sự thật khác cũng cần được thừa nhận đó là tình trạng cơ quan điều tra hiện nắm giữ nhiều quyền hạn không hợp lý. Ví như quyền cấp giấy chứng nhận cho luật sư bào chữa, đây là sự áp đặt vô lý mà giới luật sư lâu nay đã phải cam chịu.
Bởi lẽ việc cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận cho luật sư chẳng khác nào cấp phép cho luật sư được hành nghề. Trong khi luật quy định bị can được mời luật sư bào chữa và luật sư được quyền tham gia, đúng ra cơ quan điều tra không được can thiệp ngăn cản mối quan hệ mời luật sư của bị can.
Việc cấp giấy chứng nhận tưởng chừng như chỉ là một thủ tục xác nhận, nhưng bằng các quy định loằng ngoằng, nó biến tướng thành cái Beria cản đường có tính định đoạt cho phép luật sư hành nghề.
Ví như trong vụ Đỗ Đăng Dư, đến giờ các luật sư còn chưa được cấp giấy chứng nhận, trong khi đâu phải đợi đến khi cơ quan điều tra cấp giấy các luật sư mới thực hiện các quyền và nghĩa vụ bào chữa trước khách hàng (mà ngay khi ký đơn mời hoặc hợp đồng có hiệu lực là chúng tôi đã phải có nghĩa vụ với thân chủ rồi).
Mặc dù vô lý và bất công song việc nắm giữ quyền cấp giấy chứng nhận mới chỉ là một quyền hạn nhỏ trong số nhiều quyền mà cơ quan điều tra hiện đang nắm giữ không hợp lý.
Tìm hiểu thì thấy, pháp luật các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc đều quy định chỉ có Tòa án mới được quyền ra các lệnh bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật, trong khi đó ở Việt Nam cơ quan điều tra được thực hiện toàn bộ các quyền này.
Tại sao các nước quy định thế kia mà ở ta lại quy định thế khác ? Cách quy định nào giúp công lý được thực thi ? Môi trường pháp lý nào quyền công dân được bảo vệ tốt hơn ?
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi cho BBC từ Hà Nội, 04/11/2015

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger