Dân Mạnh là mạnh quyền lực , là mạnh về trí tuệ và mạnh khả năng đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng chung cho đất nước . Có như thế nước mới giàu thực sự . Có như thế dân mới thể hiện quyền làm chủ trong mọi hoàn cảnh .Khi Quyền Lực thuộc về toàn dân, và người dân cùng nối kết mọi lực lượng tổ chức đấu tranh từ trong ra ngoài nước quyết chống chủ thuyết giáo điều độc tài , khủng bố áp bức người dân thô bạo , và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân, thì chỉ có lúc đó LUẬT PHÁP, NHIÊM VỤ , VÀ CÁC CHỨC NĂNG nhà nước mới làm tốt vai trò của mình ,khi đó mới có sự CÔNG BẰNG và dân không còn BỊ QUẤY RỐI , THAM NHŨNG VÀ LẠM QUYỀN

Sunday, November 15, 2015

Facebook đang nhất bên trọng, nhất bên khinh?


09:13 16/11/2015

Sau khi vụ tấn công khủng bố kinh hoàng xảy ra tại Paris ngày 13/11, Facebook xuất hiện tính năng thay ảnh đại diện tạm thời bằng lá cờ Pháp, điều này cũng đã gây ra những tranh cãi khác nhau của các công dân Facbook.

Facebook đang nhất bên trọng, nhất bên khinh?
Ảnh đại diện của Mark Zuckerberg trên nền cờ Pháp được đăng tải sau vụ khủng bố tại Paris - ảnh: FB.
Ngày 13/11, 6 địa điểm tại Paris (Pháp) bị tấn công, 129 người thiệt mạng, 8 tên khủng bố bị tiêu diệt. Tại Paris người dân mở toang nhà đón những nạn nhân của cuộc khủng bố, họ hát quốc ca tuyên chiến với cái ác, họ lao đến những bệnh viện để có thể tiếp máu cho các nạn nhân, họ cư xử đầy văn minh. Trên mạng xã hội, Facebook tạo công cụ cho phép người dùng nhúng ảnh đại diện (Avatar) của mình vào cờ 3 màu của Pháp, thể hiện sự đồng cảm với người dân Pháp, đứng về một bên đối nghịch với chủ nghĩa khủng bố.
Nước Pháp được thế giới đứng bên cạnh, chia sẻ, ủng hộ, được loan tin rộng rãi trên mạng xã hội, nhưng dường như, có nhiều số phận đau lòng hơn đang bị ngó lơ.
Ngày 9/11, một nhóm nhà hoạt động chống IS đã đăng tải một đoạn video dài 30 giây, mô tả cuộc hành quyết đẫm máu của IS khi xả súng không thương tiếc vào 200 trẻ em ở Syria.
Ảnh chụp màn hình đoạn video được cho là ghi lại cảnh tàn sát trẻ em Syria của IS - ảnh: Youtube.
Đau xót dành cho cậu bé và những cô bé không bao giờ còn cơ hội lớn gây phẫn nộ trên mạng Internet, nhưng không có điều gì để cộng đồng người dùng Facebook có thể phản ứng nhanh, chia sẻ thái độ của mình đối với tội ác của IS như cách mà Facebook đưa ra công cụ để đổi màu Avatar nhanh, để đứng về phía người dân Pháp.
Mohammad Imran Ansari – một tài khoản Facebook đã đặt câu hỏi: “Đâu là lá cờ của những quốc gia khác? Những nơi mà hàng ngày đang đối mặt với nạn khủng bố quốc tế?”, hơn 24.000 người đã đồng tình với câu hỏi “hóc” này của Ansari.
Trước đó, Mark Zuckerberg cũng đã giải đáp về việc, tại sao sau những cuộc khủng bố tại Beirut hay những địa điểm khác trên thế giới, không có tính năng kiểm tra an toàn (Facebook Safety)? Mark trả lời rằng, điều này là do chính sách của Facebook quy định việc Facebook Safety chỉ dành cho việc kiểm tra an toàn đối với những tai hoạ tự nhiên và Facebook vừa thay đổi chính sách này, sau thảm hoạ xả súng và đánh bom liều chết tại Paris.
“Chúng tôi quan tâm đến tất cả mọi người như nhau, và chúng tôi sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ những người gặp khó khăn trong rất nhiều các tình huống có thể”, Mark Zuckerberg viết trên Facebook.
Đổi màu Avatar đứng về phía người dân Pháp, nhưng không ít người chạnh lòng, khi nghĩ về những người dân khốn khổ, nơi “rốn” của chủ nghĩa khủng bố, nơi thần chết luôn luôn hiện diện chứ không phải là một điều gì đó bất ngờ hiện lên, Phan Ngọc Linh – một chuyên gia truyền thông người Việt đang sống tại Nauy viết: “Gần 130 nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11. Thật đau lòng! Lướt feed thấy các bạn ồ ạt thay đổi ảnh đại diện bằng lá cờ nước Pháp. Ngay buổi tối khi vụ khủng bố đang diễn ra, mình đọc cho chồng tin 44 người chết ở Lebanon trong ngày hôm trước. Và các bạn cũng đừng quên rằng mỗi ngày có trung bình gần 140 người chết ở Syria vì chiến tranh. Còn nhiều, nhiều nữa những con người vô tội đã và đang bị thiệt mạng mỗi ngày. Nhưng hình như chẳng ai để cờ của Syria, Palestine hay một đất nước nhỏ bé đau thương nào khác ở những vùng chiến sự... Các bạn ca tụng người Pháp, và cảm thấy đáng tiếc vì họ không may bị tấn công. Còn những người khác thì sao? Hãy cầu nguyện cho loài người, đừng chỉ riêng với nước Pháp”.
Nước Pháp vẫn chưa hết bàng hoàng sau cuộc khủng bố đẫm máu tại Paris - ảnh: Getty Images.

Điều gì đã khiến một IS “quái thai” có cơ hội ngóc đầu dậy? Không có nhiều cơ hội cho IS, nếu tháng 3/2003 Mỹ không lấy cớ việc Irad sở hữu vũ khí hàng loạt, đem quân vào Irad lật đổ chế độ của Saddam Hussein, hàng trăm nghìn người dân vô tội đã thiệt mạng.
Tháng 3/2011, liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích Lybia hỗ trợ dân quân lật đổ người lãnh đạo thực tế của Lybia là đại tá Muammar Gaddafi, từ đó đến nay chưa bao giờ Lybia trở nên tốt hơn so với ngày Gaddafi bị bắn chết vào tháng 10/2011.
Tiếp đó là sự can thiệp của Mỹ vào Syria cũng trong năm 2011 với phong trào “Mùa Xuân Ả Rập” khiến hàng triệu người Syria đang phải ly tán, nơi nhận, nơi chê ở khắp châu Âu. Sự suy yếu của các nhà nước chính thống, làm những tổ chức Hồi giáo cực đoan, hoạt động bài bản dưới sự lãnh đạo của các giáo sĩ như giáo sĩ từ dòng Hồi giáo Wahhabi, muốn xây dựng nhà nước với tư tưởng của riêng mình vốn căm thù nền văn minh phương tây có cơ hội tập hợp, trỗi dậy và đang thách thức sự tồn tại của những tư tưởng yêu chuộng hoà bình khác.
Cho đến nay, quốc gia mà Mark Zuckerberg mang quốc tịch và liên quân vẫn đang vật vã tấn công IS mà chưa bao giờ có thể dự đoán được cái kết. Không một lá cờ Lybia hay Syria được chọn để cộng đồng người dùng Facebook thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với người dân ở những quốc gia bất ổn, mà phần nhiều nguyên nhân là do sự toan tính của giới lãnh đạo vốn luôn đặt cho mình quyền quyết định trật tự thế giới gây ra.
Quay trở lại ảnh Avatar của ông chủ Facebook được thay sau thảm sát Paris, một tấm ảnh có nụ cười rạng rỡ được nhúng trong cờ Pháp. Thật khó mà dựa trên nền tảng văn hoá phương Đông, nơi vốn nhạy cảm với những biểu hiện cảm xúc của khuôn mặt trong những sự kiện buồn để phán xét về cách thể hiện của người Âu, Mỹ trong cùng sự kiện tương đương.
Mặc dù họ "chưa làm những điều tốt một cách công bằng", nhưng Facebook cũng đã làm nên một điều tử tế và những người đổi Avatar sang màu cờ Pháp cũng đã làm những việc tử tế, nếu bạn không làm, cũng không cần thiết phải bỉ bai.
Xin mượn lời của Phạm Tuấn Anh (tốt nghiệp Đại học Princeton, Mỹ), người phiên dịch có tiếng bên cạnh Chính phủ Mỹ trong các cuộc gặp với Việt Nam, để nêu lên quan điểm của nhiều người về việc đổi màu cờ Pháp trên mạng xã hội những ngày Paris vang tiếng súng và đầy cảnh cát:
“Bản chất của con người ta ai ai cũng có sự đồng cảm với đau khổ của đồng loại. Ngay cả những kẻ khủng bố tàn ác cũng đau khổ và nghĩ rằng phương Tây là kẻ ác đối với bạn bè của chúng. Chúng ta nói chung đau lòng với người chết ở Paris, New York, Liban, hay Việt Nam như nhau. Lý do duy nhất chúng ta dành nhiều quan tâm, chú ý, và bày tỏ biểu hiện đau buồn với Paris hay New York là vì những nơi đó đại diện cho ước mơ của chúng ta, tương lai chúng ta mong cho bản thân hay con cái. Trong ước mơ hay hình dung về tương lai đó mọi thứ đều ổn, đẹp, bình yên tựa như khi chúng ta nghĩ về thiên đường vậy. Tương lai đó có phần thiêng liêng và vô trùng như vừa nói đến. Những kẻ khủng bố chọn tấn công vào những nơi là đỉnh cao của văn minh biểu trưng tương lai nhân loại đó do chúng biết làm vậy sẽ đánh động tâm can của chúng ta nhất. Bọn kẻ cướp ước mơ đó làm chúng ta cảm thấy bất an rất nhiều về tương lai vô định và cảm giác vô vọng và nỗi sợ tương lai không an toàn, thế giới đồ chơi ước mơ còn bị xâm hại này chúng nghĩ sẽ làm chúng ta yếu đi, hèn hơn.
Mình có một người bạn nữ nước ngoài lần nào cũng nói những câu khinh miệt kiểu như tại sao người ta không thương 200 người Nga bằng 10 người Mỹ. Mình muốn giải thích cho bạn ấy rằng 200 người Nga đó đại diện cho hiện tại bất an mà đa số chúng ta phải đối mặt hàng ngày và khi được gợi nhớ về hiện tại tồi tệ đó đa số chúng ta đau buồn nhưng im lặng và cố quên. Chỉ khi nào ước mơ bị cướp thì như đứa bé gái bị giằng con búp bê ném vào lửa chúng ta mới cảm thấy đau khổ, than khóc. Tâm lý này là hoàn toàn bình thường không có gì là đạo đức giả hay ngu dốt như nhiều bậc "thánh hiền" hôm nay vừa rêu rao.
Chia buồn với Paris xinh đẹp kỷ niệm tình yêu mơ ước của mình. Mười ba tuổi bắt đầu học tiếng Pháp mình đã mơ đến và yêu bạn”.
Theo ICTnews

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger